Để nông sản thực sự phát triển bền vững:

Nhìn từ vựa vải thiều

16:15 | 02/06/2017
Mặc dù “cơn bão” giảm giá thịt lợn đã qua đi, nhưng những hệ lụy và bài học để lại vẫn còn đó. Câu hỏi đặt ra là, làm sao khắc phục những điểm yếu cố hữu vẫn tồn tại đối với ngành nông nghiệp trong nước? Để giải bài toán này, nhiều  chuyên gia nông nghiệp cho rằng, không phải học đâu xa mà hãy học chính cách làm và hướng đi mà vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) đã và đang làm.
nhin tu vua vai thieu Nông dân khi nào thoát cảnh “được mùa mất giá”?
nhin tu vua vai thieu Lần đầu chiếu xạ vải thiều xuất khẩu đi Úc ngay tại Hà Nội

Khắc phục những điểm yếu cố hữu

Khoảng hơn tuần nữa vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) mới vào chính vụ, tuy nhiên, nhằm tránh những rủi do không đáng có, cũng như chuẩn bị sẵn phương án “dự phòng” cho vải thiều không đi vào “vết xe đổ” của các cuộc giải cứu nông sản liên tiếp vừa xảy ra thời gian vừa qua. Mới đây, Hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều năm 2017 do các cơ quan chức năng tỉnh Bắc Giang tổ chức đã nhận được nhiều đánh giá tích cực từ giới chuyên môn, các chuyên gia kinh tế, cũng như người tiêu dùng.

nhin tu vua vai thieu
Khắc phục điểm yếu trong sơ chế, bảo quản hướng đến sự phát triển bền vững

Việc tổ chức Hội nghị xúc tiến tiêu thụ nông sản không phải là vấn đề mới, đặc biệt là đối với quả vải thiều khi sản lượng năm 2017 được đánh giá là giảm hơn so với cùng kỳ 2016 khoảng 30% (sản lượng ước đạt năm 2017 là 100.000 tấn). Trong đó, có trên 40% sản lượng vải thiều tại Bắc Giang được trồng theo tiêu chuẩn VietGap hay GlobalGap (một trong những tiêu chuẩn khắt khe trong việc chứng nhận chất lượng, tiêu chuẩn để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu).

Đánh giá về sự chuẩn bị của cơ quan chức năng tỉnh Bắc Giang đối với quả vải, ông Ngô Tiến Dũng, nguyên Cục phó Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) chia sẻ, việc tổ chức Hội nghị xúc tiến tiêu thụ nông sản không phải là mới, và nhiều địa phương đã thực hiện. Tuy nhiên, điểm mới mà ngành nông nghiệp và cơ quan chức năng tỉnh Bắc Giang thực hiện tại hội nghị này đó là, cùng bà con nông dân, doanh nghiệp trong và ngoài nước, bàn phương án tiêu thụ vải ngay từ đầu vụ. Đây là sự chuẩn bị rất chu đáo và thể hiện được sự chủ động đối với mọi trường hợp, mọi khó khăn có thể xảy ra.

“Không chỉ quả vải thiều, mà bất cứ vụ mùa nào, vấn đề tiêu thụ nông sản vẫn luôn là nỗi trăn trở của các nhà quản lý, của doanh nghiệp và của người nông dân. Tuy nhiên, cách làm và hướng đi của vải thiều Lục Ngạn có thể nói đã và đang khắc phục được rất nhiều điểm yếu cố hữu trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm từ các khâu như chế biến, chăm sóc bảo quản… Ngoài thị trường chính là Trung Quốc, hiện vải thiều Bắc Giang tiếp cận được các thị trường khó tính khác như Mỹ, Nhật, Úc… Đặc biệt, vải thiều Bắc Giang đã quy hoạch được những vùng trồng riêng theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap và có dây chuyền chiếu xạ vải thiều, nhằm đảm bảo quy định khắt khe của các đối tác. Đó chính là cách làm hiệu quả, thiết thực và ổn định”, ông Dũng cho hay.

Đồng quan điểm này, đa số chuyên gia trong ngành nông nghiệp đều nhận định, bên cạnh việc sản xuất manh mún, tự phát, thì điểm yếu cố hữu đối với ngành nông nghiệp Việt Nam đó là khâu chế biến và bảo quản sau thu hoạch. Do kém về khâu này, nên nông sản Việt thường có tình trạng phải bán tống bán tháo khi mà thu hoạch quá nhiều. Vì thế, nếu không muốn tình trạng “giải cứu” nông sản cứ liên tục tiếp diễn từ vụ này, sang vụ khác, từ mặt hàng này sang mặt hàng khác. Thì việc tìm ra điểm yếu và khắc phục điểm yếu trong sản xuất, quy hoạch, bảo quản…là điều hết sức quan trọng.

Tăng cường sự ổn định đầu ra cho nông sản

“Chúng ta đang tiến tới một nền thương mại công bằng, cho người sản xuất, cho người tiêu thụ sản phẩm, đó chính là cái gốc cho sự phát triển bền vững, sản xuất chế biến tiêu thụ nông sản ở Việt Nam. Vì thế, việc tạo được chuỗi liên kết, tạo ra hướng sản xuất chuyên nghiệp theo tiêu chuẩn cao như vải thiều đang làm, đó là cách làm có hiệu quả và bền vững. Nhưng đối với thị trường nông sản Việt Nam, cũng như các điểm yếu cố hữu vẫn chưa khắc phục được, có lẽ việc nói sẽ dễ hơn làm”- ông Vinh Phú cho hay.

Có thể thấy, không riêng gì thịt lợn, hành tím, dưa hấu…vải thiều Lục Ngạn cũng đã từng có thời điểm lao đao khi được mùa, mất giá. Thế nhưng, với việc khắc phục được những điểm yếu cố hữu trong sản xuất nông nghiệp, cùng sự vào cuộc chủ động của các cơ quan chức năng tỉnh Bắc Giang trong việc nâng cao giá trị quả vải, mở rộng thị trường và ổn định đầu ra cho nông sản…Có thể nói, đó là những động thái tích cực đã và đang giúp vải thiều có bước đi ổn định và bền vững.

Nhằm nâng cao hơn nữa sự ổn định đầu ra cho nông sản, cũng như giúp người nông dân yên tâm với sản phẩm mình làm ra. Tại Hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều năm 2017, vấn đề ổn định đầu ra cho nông sản tiếp tục được lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Giang đặt lên hàng đầu. Theo đó, vụ vải thiều năm nay, Lục Ngạn tiếp tục kết nối và cung cấp sản phẩm vào các hệ thống phân phối bán lẻ và các siêu thị lớn như: Hapro, BigC, Metro... Bên cạnh đó, việc tỉnh Bắc Giang nỗ lực trong việc thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu cho vải thiều sang các thị trường mới ngay từ đầu năm, là tín hiệu vui và cũng là điểm sáng để các mặt hàng nông sản khác học tập và làm theo.

Trao đổi về vấn đề trên, ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho rằng, khi giải quyết được điểm yếu trong khâu sản xuất, chế biến, bảo quản…Cùng với việc có được thị trường mới, đối tác mới, sẽ duy trì được sự ổn định cho đầu ra nông sản và không lo bị phụ thuộc vào một thị trường chính nào. Qua đó, đảm bảo được giá trị nông sản kể cả khi được mùa hay mất mùa.

Đỗ Đạt

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này