Sản xuất - kinh doanh thực phẩm chức năng:

Phải luật hóa để quản lý

17:29 | 11/05/2017
Không thể phủ nhận tác dụng của thực phẩm chức năng (TPCN) trong việc hỗ trợ điều trị, chăm sóc sức khỏe cho con người. Tuy nhiên, một thực tế đang khiến TPCN bị người dân “cảnh giác”, nhất là khi nó được phân phối bởi các công ty bán hàng đa cấp (BHĐC)…
phai luat hoa de quan ly Kháng tinh bột chuối - Thực phẩm chức năng mới?
phai luat hoa de quan ly 14 mẫu sản phẩm thực phẩm chức năng không đạt chất lượng

TPCN bị công ty BHĐC làm méo mó

Khi nói về công dụng của TPCN, các chuyên gia đầu ngành Y tế cho rằng, TPCN có hai tác dụng cơ bản đó là: Tăng cường, bảo vệ sức khỏe, chống lão hóa, làm đẹp cho con người và hỗ trợ điều trị bệnh tật, góp phần làm giảm nguy cơ bệnh.

phai luat hoa de quan ly
Cần xây dựng khung pháp lý để TPCN thúc đẩy sự phát triển và tạo niềm tin cho người tiêu dùng.

Chỉ với những tác dụng ấy, nhưng hiện tại nhiều sản phẩm TPCN đang bị “thổi phồng” công dụng, khiến người tiêu dùng lầm tưởng và hiểu sai. Vì thế, để TPCN về đúng quỹ đạo, theo các chuyên gia y tế, cần phải có một cơ chế quản lý, chế tài cụ thể.

Đánh giá về sự phát triển của TPCN trong thời gian qua, PGS Trần Đáng – Chủ tịch Hiệp hội TPCN Việt Nam cho biết, thị trường TPCN tại Việt Nam trong những năm qua đã tăng trưởng mạnh mẽ. Nếu như năm 2000 mới chỉ có khoảng 60 sản phẩm TPCN với 15 cơ sở nhập khẩu, thì đến nay cả nước đã có khoảng 3.600 DN tham gia sản xuất và kinh doanh với hơn 6.800 sản phẩm đang lưu hành.

Ngoài ra, TPCN hiện cũng đã có mặt ở hầu khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước. “Đến nay, qua điều tra mẫu cho thấy, TPCN đã có mặt ở 90% tại các nhà thuốc ở các tỉnh, thành phố trên cả nước”, ông Đáng nói.

Thường xuyên sử dụng TPCN, bà Nguyễn Thị Minh (ở Đông Ngạc, Bắc Từ Liêm, HN) cho biết: “Tôi thường xuyên sử dụng TPCN Omega3, thực phẩm lô hội để bổ trợ tăng cường sức khỏe, sức đề kháng cho cơ thể.…

Tuy nhiên, điều tôi thắc mắc là giá thành sản phẩm. Vì sao TPCN ở nước ngoài có giá cao, nhưng khi về Việt Nam lại có giá thành thấp hơn rất nhiều so với sản phẩm cùng loại ở nước xuất xứ. Phải chăng đó là sản phẩm kém chất lượng, và khi gặp vấn đề đối với các sản phẩm này, ai sẽ bảo vệ người tiêu dùng?”.

Về vấn đề này, T.S Nguyễn Thị Ngọc Trâm (Công ty TNHH Thiên Ân dược) cho biết: “Nhiều sản phẩm TPCN được nhập khẩu về Việt Nam có công dụng rất tốt và được nghiên cứu đảm bảo chất lượng, tính khoa học… Nhưng khi vào Việt Nam và được các công ty BHĐC kinh doanh, thổi phồn công dụng, hiệu quả khiến nhiều sản phẩm khiến nhiều người tiêu dùng không tin tưởng vào TPCN.

Ngay cả với những sản phẩm TPCN được sản xuất trong nước cũng vậy, nhiều sản phẩm cũng gặp khó khăn khi ra thị trường và câu chuyện vẫn là do ảnh hưởng của các công ty BHĐC, khiến hình ảnh của TPCN bị méo mó. Vì thế, để người tiêu dùng yên tâm lựa chọn những sản phẩm TPCN chất lượng, hiệu quả, rất cần những hướng dẫn và khung pháp lý cụ thể”- bà Trâm chia sẻ.

Cần xây dựng khung pháp lý cho TPCN

Để TPCN đi vào đúng quỹ đạo và người tiêu dùng không còn bị mù mờ thông tin trước “ma trận” TPCN. PGS Trần Đáng kiến nghị: “Về TPCN chúng ta có sự quản lý của các cơ quan chuyên môn từ Trung ương đến địa phương, thậm chí khá chặt…

Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng văn bản pháp luật, có thể tồn tại một số kẽ hở để DN lách luật. Vì thế để bảo vệ sức khỏe, quyền lợi của người tiêu dùng, rất cần có luật quản lý TPCN. Nếu chưa có luật, thì Chính phủ nên ban hành nghị định riêng để chế tài hoạt động kinh doanh, sản xuất TPCN, khi đó TPCN sẽ có hướng phát triển ổn định và tạo được niềm tin người tiêu dùng”.

Không chỉ có tiềm năng tiêu thụ, Việt Nam còn được đánh giá là nước có tiềm năng sản xuất ra TPCN. Hiện tại, trong các cơ sở sản xuất TPCN có mặt hàng ở Việt Nam, thì nhập khẩu là 43 %, 57% còn lại là sản xuất trong nước.

Trong khi đó ở Việt Nam, với sự đa dạng sinh học và hơn 4.000 loài cây có giá trị làm thuốc, cùng rất nhiều loại cây đặc hữu quý hiếm, đã tạo ra một thế mạnh mới cho ngành nghiên cứu TPCN. Tuy nhiên, do cơ chế quản lý chưa chặt chẽ, các chế tài xử lý vi phạm nhãn hàng… nên ngành TPCN trong nước chưa thực sự phát triển.

Dẫn chứng cho vấn đề này, T.S Nguyễn Thị Ngọc Trâm, người đạt giải thưởng Kovalevskaia, Giải thưởng Nhà nước về KH&CN chia sẻ, theo tôi biết, ở Mỹ chỉ với một cây lô hội nhưng họ đã đầu tư hàng triệu đô la để nghiên cứu, sau đó cho ra hàng chục sản phẩm TPCN khác nhau.

Và khi phân phối, các công ty đều phải mua bản quyền và xuất khẩu đi khắp thế giới. Chưa nói đến việc sản phẩm của họ tốt hay không, nhưng về mặt pháp luật, các nhà phân phối, kinh doanh hay sản xuất đều thực hiện đúng theo luật mà nhà nước họ quy định. Vì thế, khi phát triển đi khắp thế giới, chất lượng của họ vẫn được bảo đảm.

Trong khi đó, tại Việt Nam cây Trinh nữ hoàng cung đã được đăng ký Sở hữu trí tuệ và nghiên cứu thành công các sản phẩm hỗ trợ và điều trị cho các bệnh u xơ tử cung và u xơ tiền liệt tuyến…Nhưng theo T.S Trâm cho hay: “Mặc dù công trình nghiên cứu về cây này đã được tôi đăng ký Sở hữu trí tuệ, nhưng hiện nay trên thị trương vẫn tồn tại hàng chục sản phẩm TPCN có ghi chứa chất triết xuất từ Trinh nữ hoàng cung.

Trong khi đó, tôi chưa nhận sự đề nghị chuyển giao kỹ thuật, công thức… Thì liệu đó có phải là sản phẩm làm ra từ cây Trinh nữ hoàng cung hay không? Việc để xảy ra tình trạng này cũng cho thấy, vấn đề quản lý của các cơ quan chức năng với sản phẩm đã đăng ký Sở hữu trí tuệ chưa được bảo đảm. Bởi vậy, người tiêu dùng lo ngại về chất lượng các sản phẩm TPCN cũng là điều dễ hiểu”.

Đồng quan điểm với T.S Trâm, TSKH Trần Công Khánh kiến nghị, không chỉ với cây Trinh nữ hoàng cung mà với tất cả các sản phẩm TPCN khác cũng vậy. Sau này trong hồ sơ công bố cần phải ghi rõ cả tên khoa học của các loại cây dược liệu. Làm như vậy không chỉ tránh được việc sử dụng tên tuổi, hình ảnh mà tránh được cả việc sản phẩm bị làm giả, làm nhái.

Tuấn Minh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này