“Giải cứu” thịt lợn:

Người nuôi vẫn phải bán rẻ mua đắt!

11:39 | 05/05/2017
Việc các cơ quan đang tiến hành “giải cứu” lợn để giúp người chăn nuôi chống lỗ là cần thiết, nhưng theo các chuyên gia cái cần giải cứu nhất chính là tầm nhìn, hướng phát triển đối với ngành chăn nuôi nói chung, chăn nuôi lợn ra sao.
tin nhap 20170505113050 Giữa cơn "bão giá", lợn rừng vẫn bán được 120.000 đồng/kg hơi
tin nhap 20170505113050 Trung Quốc bắt đầu mua lợn trở lại, giá lợn miền Bắc tăng 3.000đ/kg

Người chăn nuôi có được hưởng lợi?

Những ngày này, ngành ngành, nhà nhà đang tích cực ra chợ, siêu thị mua thịt lợn để giúp người chăn nuôi. Tuy nhiên, câu chuyện đặt ra là người nuôi có thực sự được hưởng lợi? Theo tìm hiểu của PV, hiện tại giá lợn hơi được bán ra ở mức trung bình 20 - 30 nghìn đồng/1kg, trong khi tại các chợ dân sinh, giá thịt lợn bán ra vẫn ổn định ở mức 70 – 80 nghìn đồng/1kg. Điều này cho thấy, không chỉ người chăn nuôi đang phải bán sản phẩm của mình với giá rẻ, mà họ còn phải mua lại chính sản phẩm của mình với giá đắt hơn.

tin nhap 20170505113050
Bên cạnh việc giải cứu thịt lợn, thì vấn đề quan trọng là tầm nhìn và tư duy người chăn nuôi cũng cần được giải cứu.

Anh Thắng (ở Xuân Khanh, Ba Vì, HN) chia sẻ, gia đình anh mới xuất chuồng hơn 10 con lợn trắng vào giữa tháng 4/2017, với giá bán 26 nghìn đồng/1kg lợn hơi. Tuy nhiên, khi ra chợ mua thì giá thịt lợn tại chợ vẫn không hề thay đổi so với thời điểm trước khi giá lợn giảm xuống. “Lợn mỗi ngày một lớn, nếu không xuất chuồng sẽ bị lỗ lớn. Nhưng điều tôi khó hiểu là, vì sao giá lợn hơi giảm mạnh như vậy, nhưng giá thịt lợn tại chợ lại không hề thay đổi. Phải chăng khi giá lợn giảm mạnh, chỉ có người chăn nuôi và người tiêu dùng là người chịu thiệt?” - anh Thắng đặt câu hỏi.

Đề cập vấn đề trên, chuyên gia kinh tế T.S Đặng Đình Tiền cho rằng, chiến lược “giải cứu thịt lợn” trong thời gian qua giúp bà con vượt qua khó khăn trước mắt là điều đáng trân trọng. Song, nếu nhìn trên phương diện giá thịt lợn hơi và giá thịt lợn tại các chợ dân sinh; đồng thời làm một phép tính đơn giản với thực tế đang diễn ra, sẽ thấy người được hưởng lợi nhiều nhất từ chiến lược giải cứu không thuộc về đối tượng được giải cứu là người nông dân, người chăn nuôi mà là đối tượng khác. “Trước khi kêu gọi các tổ chức, đoàn thể và người dân tham gia “giải cứu thịt lợn”, thì cơ quan chức năng cần phải làm rõ xem liệu các thương lái, chủ lò mổ có ép giá người chăn nuôi hay không. Thậm chí, quản lý thị trường, công an kinh tế cần vào cuộc và tìm hiểu trực tiếp tại các chợ dân sinh, các lò mổ… Có như vậy việc “giải cứu thịt lợn” mới đi đến đúng đối tượng”- ông Tiền cho hay.

Giải cứu cả tầm nhìn

Trước thực trạng giá thịt lợn hơi đang đi vào “vết xe đổ” của các loại nông sản như: hành tím, thanh long, dưa hấu… Tại Hội nghị tìm giải pháp phát triển chăn nuôi do Bộ NN&PTNT tổ chức, nhiều chuyên gia trong ngành nông nghiệp cho rằng, ngoài việc phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc và sự ảnh hướng của việc tạm nhập tái xuất các sản phẩm thịt qua Việt Nam của Bộ NN&PTNT. Thì một nguyên nhân cố hữu đó chính là sự phát triển ồ ạt trong nuôi trồng, khiến cho việc chăn nuôi phát triển “quá nóng”, tạo ra sự mất cân đối cung cầu.

Để kịp thời hỗ trợ người chăn nuôi lợn, giúp người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, khôi phục và ổn định sản xuất, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có công văn số 3091/NHNN-TD gửi các tổ chức tín dụng (TCTD) yêu cầu căn cứ vào khả năng tài chính để tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay chăn nuôi, sản xuất thức ăn chăn nuôi và sản xuất thuốc thú y. Theo đó, các TCTD căn cứ khả năng tài chính và các quy định pháp luật hiện hành để thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ để phù hợp với khả năng trả nợ của khách hàng; xem xét thực hiện các biện pháp hỗ trợ khác (bao gồm cả miễn, giảm lãi vay, lãi quá hạn; ưu tiên thu nợ gốc trước thu nợ lãi sau) nhằm giúp khách hàng khắc phục khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh. Khi cơ cấu lại thời hạn trả nợ, ngân hàng thương mại cho vay được giữ nguyên nhóm nợ 01 (một) lần đối với một khoản nợ; Cho vay mới để phục hồi sản xuất kinh doanh đối với khách hàng có dự án, phương án sản xuất kinh doanh khả thi.

P.Linh

Bên cạnh đó, việc các cơ quan quản lý quá chậm trễ trong việc cảnh báo về sự phát triển qui mô đàn lợn, biến động thị trường và việc quy hoạch các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi… cũng là một trong những nguyên nhân đẩy giá lợn hơi rơi vào tình trạng như hiện nay. Để thoát khỏi tình trạng như hiện nay, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết: “Trước mắt phải giảm ngay yếu tố đầu vào, hạ giá thành cám, giống, thuốc thú y; ngoài ra các doanh nghiệp cần thực hiện ngay việc rà soát lại các công đoạn quản trị, quy trình sản xuất. Thậm chí lúc này doanh nghiệp có thể bán hàng không cần lấy lãi nhằm chia sẻ với người chăn nuôi”.

Bàn về vấn đề giải pháp trong chăn nuôi, các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, người dân cần phải tham gia “chuỗi giá trị”, ký kết thoả thuận rõ ràng với bên bao tiêu sản phẩm, khi đó, họ mới nắm rõ việc nuôi bao nhiêu con, quy trình nuôi thế nào và giá bao nhiêu... Tuy nhiên, để thực hiện được vấn đề này thì việc người chăn nuôi cần phải từ bỏ thói quen chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún, tự phát. Đặc biệt, người dân cần phải thực hiện chăn nuôi có khoa học, không sử dụng hóa chất, chất tăng trọng trong chăn nuôi để tạo niềm tin với người tiêu dùng.

“Sau khi giá thịt lợn ở Việt Nam rơi xuống mức rẻ nhất thế giới, hàng loạt chiến lược giải cứu đàn lợn đã diễn ra và giá lợn hơi đã có chiều hướng tăng nhẹ. Tuy nhiên chúng ta cũng phải cảnh giác, bởi sau khi giá lợn giảm mạnh, nhiều người chăn nuôi sẽ bỏ chuồng trại và thời gian sau nguồn cung sẽ thiếu hụt, giá sẽ tăng lên, khi đó nhiều người sẽ lại đầu tư vào chăn nuôi. Và rồi cái vòng luẩn quẩn sẽ lại tiếp diễn. Vì thế, bên cạnh việc giải cứu đàn lợn, thì vấn đề “giải cứu” tầm nhìn, tư duy và nâng cao ý thức của người chăn nuôi, là một trong những vấn đề hết sức quan trọng”- T.S Tiền cho hay.

Đỗ Đạt

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này