Phố Hàng Khay - Phố của nhiếp ảnh

09:31 | 06/05/2017
Phố Hàng Khay nối phố Tràng Tiền với phố Tràng Thi. Nó chỉ có một dãy số lẻ trông sang hồ Hoàn Kiếm. Đây nguyên là đất thôn Thị Vật thuộc tổng Thuận Mỹ, huyện Thọ Xương.
pho cua nhiep anh Phố Hàng Bè
pho cua nhiep anh Phố Hàng Chiếu
pho cua nhiep anh Phố Hàng Bồ

Tên phố Hàng Khay có từ xa xưa, khi đó phố còn có thêm một đoạn của cuối phố Tràng Tiền. Thời kỳ đầu Pháp xâm chiếm đã gộp hai phố Tràng Tiền và Hàng Khay làm một và gọi tên là phố Thợ Khảm. Mặt hàng bày bán trên phố là sập gụ, tủ chè, tràng kỷ, bình phong, tranh phong cảnh, tranh chân dung được khảm vỏ chai, vỏ ốc (còn gọi là khảm xà cừ) lên mặt gỗ.

Những sản phẩm này của người làng Chương Mỹ (Hà Tây cũ) ra đây hành nghề và lập nghiệp. Mặt hàng mỹ nghệ rất cầu kỳ, tỉ mẩn, tinh xảo với độ chính xác cao đã tạo nên bức tranh khảm huyền ảo, lung linh, mỗi khi ngồi ngắm chuyển đối góc nhìn. Mặt hàng ngọc trai Chương Mỹ nổi tiếng trong và ngoài nước.

pho cua nhiep anh
Phố hàng Khay xưa.

Năm 1886, Pháp mở rộng đường. Một phố mới hình thành trên đống gạch đổ nát của cuộc chiến xâm lược. Những ngôi nhà cao 2, 3 tầng được xây lên. Trên nóc của ngôi nhà số 3 còn nguyên dòng số 1886 ghi năm xây ngôi nhà cũng là năm phố bị đổi tên mới: Phố Pôn Be (Paul Bert).

Thời kỳ năm 1947 – 1952 một lần nữa phố lại bị thay một cái tên lạ hoắc: “Great Britain Street” – Phố Anh Quốc, hòa bình lập lại phố được trả lại tên cũ: Hàng Khay.Thời kỳ bị tạm chiếm những phố Tràng Thi, Tràng Tiền, Hàng Bài, Hàng Khay… người Hà Nội gọi chung: Phố Tây. Nơi đây thường là dinh thự cửa hàng của quan lại thực dân, tư bản Pháp.

Cửa hàng thuốc số nhà 1, khách sạn, cửa hàng ăn, giải khát Ritz số nhà 37 cùng các cửa hàng may mặc, thực phẩm phục vụ quan lính thuộc địa. Vài cửa hàng người Hoa, người Ấn lọt vào giữa phố: “Bắc Kinh phạm điểm” số nhà 31. Hiệu bán tơ lụa vải vóc số nhà 25. Bên hồ Gươm một quầy bán hoa hình bán nguyệt của 10 cửa hàng do làng Ngọc Hà sớm sớm gánh hoa lên đây bán.

Hàng Khay có vị trí rất đẹp. Từ đây có thể phóng tầm mắt thu hết hình ảnh Tháp Rùa, đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc. Vị thế này khiến Hàng Khay thành địa điểm thu hút nhiều cửa hàng nhiếp ảnh. Cửa hàng đầu tiên mở ra trên phố là hiệu ảnh Quốc Tế của nghệ sĩ nhiếp ảnh Phan Xuân Thúy. Nghệ sĩ đã vinh dự được chụp ảnh Bác Hồ bên mâm cơm mà Người mời một số gia đình Hà Nội đến dự nhân dịp Tết Độc Lập đầu tiên 1945 tại Phủ Chủ Tịch.

Tấm ảnh Bác Hồ giản dị, niềm nở thân mật tiếp gia đình nghệ sĩ bên mâm cơm đặt trên chiếc chiếu vải giữa vườn cây trở thành một bảo vật của gia đình nghệ sĩ Phan Xuân Thúy. Tấm ảnh đã được trân trọng trao tặng bảo tàng Hồ Chí Minh.

Giờ đây Hàng Khay hội tụ nhiều “tập đoàn” nhiếp ảnh uy tín, Phương Đông số nhà 5 và 27, Việt Hưng số nhà 33 luôn sẵn sàng phục vụ khách hàng cùng với kinh doanh mặt hàng thiết bị nhiếp ảnh.

Những mặt hàng chủ yếu chiếm lĩnh trên phố vẫn là sản phẩm truyền thống của Hàng Khay. Trong các quầy hàng Gallery sang trọng, rộng rãi, bầy la liệt những chiếc hộp đựng đồ trang trí bằng gỗ khảm trai xinh xắn, điệu nghệ bên những bức tượng bằng đá, bằng sừng, bằng gỗ cùng với những chiếc xích lô bé xíu trông thật thích mắt. Chung quanh tường treo kín những tranh khảm xà cừ lóng lánh hình ảnh Tháp Rùa, đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc, Khuê Văn Các, Chùa Một Cột… những bức tranh khảm trai thiếu nữ dịu dàng, tươi tắn, hiền thục đoan trang rất Hà Nội, cùng với những bức tranh sơn dầu, những bức tranh thêu của Quất Động, Hưỡng Dương, tranh dát đông.

Hàng Khay với diện mạo sang trọng, lịch sử thể hiện phong cách hào hoa lịch lãm trong giao tiếp văn minh thương mại. Hàng Khay là địa điểm hấp dẫn thu hút khách đến du lịch đến Thủ đô đang mở rộng trong thời kỳ hội nhập.

Lê Nhật Tăng

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này