Sân khấu về đề tài thống nhất đất nước 30/4/1975:

Cần những vở diễn về hòa hợp dân tộc

11:08 | 28/04/2017
Đề tài chiến tranh luôn là một trong những đề tài vĩ đại nhất của văn học nghệ thuật nói chung và sân khấu nói riêng. Người làm nghệ thuật có thể khai thác đề tài ấy dưới nhiều góc độ, từ tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc đến những trận chiến khốc liệt, từ nỗi niềm của người ở hậu phương đến những cảnh chia ly, từ những trái ngang do chiến tranh mang lại đến những vết thương thời hậu chiến.
can nhung vo dien ve hoa hop dan toc Rưng rưng dưới cờ Tổ quốc ngày 30/4 ở Trường Sa

Tất nhiên, còn những góc độ khác nữa, bởi chiến tranh luôn được nhìn ở nhiều lăng kính khác nhau, và mỗi thế hệ lại có cách suy nghĩ khác, tìm tòi khác. Ngày 30 tháng 4 năm 1975 là một cột mốc của lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Đó là ngày giải phóng, là ngày thống nhất hai miền, sau 30 năm chiến tranh, sau 30 năm người Việt chưa một đêm được ngủ yên.

Và ngày này, luôn là đề tài chưa bao giờ vơi cạn của người làm nghệ thuật, nhất là sân khấu. Ngay sau khi giải phóng, khán giả đã được xem những vở diễn xuất sắc ca ngợi hòa bình, khơi gợi lòng yêu nước, ý chí bảo vệ giang sơn của người Việt. Những ngày ấy, không khí văn học nghệ thuật nói chung và sân khấu nói riêng thật là sục sôi, trong bầu cảm hứng bất tận rằng từ nay, núi sông đã liền một dải, anh em hai miền đã về cùng một nhà. Thế nhưng, nếu để nhìn lại một cách công tâm, thì chúng ta vẫn thiếu quá nhiều tác phẩm về đề tài này.

can nhung vo dien ve hoa hop dan toc
Tái hiện hình ảnh xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc lập vào trưa 30-4-1975.

Những tác phẩm của thời đó gần như đã làm xong nhiệm vụ của mình, bởi đa phần chúng là những tác phẩm được sáng tác cho kịp thời, ca ngợi là chủ yếu, tránh nói đến những mất mát, thương đau. Thời điểm ấy, những tác phẩm ấy là hợp lý và cần thiết. Ngày hôm nay, có thể nhiều người sẽ cho rằng đó là những tác phẩm một chiều, phiến diện, chỉ tô hồng.

Nhưng có lẽ, những người ấy quên mất một điều rằng, trong ngày vui, một tiếng khóc ai oán là không nên bởi nó lạc lõng và có phần thiếu văn hóa. Chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm, nhưng hậu quả của nó thì vẫn còn. Dân tộc ta đã phải trả một cái giá quá đắt. Vẫn còn nạn nhân của chất độc, vẫn còn những người thương binh, vẫn còn những gia đình không tìm được người thân. Nhưng buồn hơn, là vẫn còn một đường ranh giới vô hình, khiến người Việt còn xa người Việt, khiến người Việt ở khắp nơi chưa “nối vòng tay lớn” như lời mong ước của cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn.

Mà đáng buồn là, đường ranh giới này không phải do bản thân mỗi người tự vạch cho mình, mà nó đến từ những uất ức của một số người về thực chất lại không phải đổ máu một ngày nào. Bởi bản thân những người lính thực sự, sau khi xong việc, họ lại về với quê hương để làm nốt những việc dang dở, chứ họ không có thời gian để làm những việc đó. Bởi hơn ai hết, họ mới là những người biết yêu hòa bình. Và chính văn học nghệ thuật cũng như sân khấu, phải làm điều này. Khi mà về thực chất, thời gian chính là liều thuốc tiên giúp người ta quên dần đi quá khứ để hướng tới tương lai. Khi mà chính bản thân con người đã quên đi những định kiến, bỏ qua hận thù mà phần nhiều là do tự buộc vào mình, mở lòng để đến với nhau.

Thực tế đã đi xa hơn nghệ thuật rất nhiều. Thực tế là giờ đây, chuyện những người ở hai phía đối nghịch do hoàn cảnh lịch sử giờ thành bạn bè, rồi chuyện có những cặp vợ chồng mà hai người cha đã từng là kẻ thù, là chuyện hết sức bình thường. Thực tế là một chuyện. Nhưng khi thực tế ấy được vào kịch, thì sự lan tỏa lớn hơn nhiều, và có tác dụng nối người Việt lại với người Việt mạnh hơn bất cứ một loại keo dính nào.

Và đề tài hòa hợp dân tộc này, trên thực tế, còn giúp bạn bè quốc tế hiểu hơn về con người Việt Nam, một dân tộc về bản chất là hiền lành và không nuôi dưỡng sự hận thù.

Nhà viết kịch Nguyễn Toàn Thắng

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này