Phố cổ Hàng Mành

21:59 | 11/04/2017
Hàng Mành nằm trong khu phố cổ, bắt đầu từ Hàng Nón đến Hàng Bông, dài vẻn vẹn có 152m, dãy chẵn có 24 số nhà, dãy lẻ có 22 số nhà.
pho co hang manh Nơi lưu giữ nét đẹp đất Hà Thành
pho co hang manh Địa điểm thu hút du khách ở phố cổ Hà Nội

Phố có cách đây 150 năm, do một số người dân làng Giới Tế, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh ra đây lập nghiệp. Mặt hàng của làng nghề này là mành, nguyên liệu là những cây móc, cây nứa. Hàng hóa bán chạy khắp kinh thành nên có tên là phố Hàng Mành.

Những năm 70- 80 của thế kỷ trước, mành được dệt bằng máy. Cửa hàng ông Bằng số 12, Tảo Yên số 8, ông Kiên số 11 hiện vẫn còn giữ được những chiếc máy dệt này. Mành dệt xong, được sơn xanh hoặc để mộc, bán rất chạy. Mặt hàng này dùng để che nắng ngoài hiên nhà, che ngăn các phòng riêng hoăc thay cánh cửa… Môt dạo, mành trúc, mành bằng thân cây lau, tạo thành những bức tranh đủ màu sắc như chùa Một Cột, đền Ngọc Sơn rất đẹp, một thời được ưa chuộng. Nhà hàng ông Linh số 30, Dương Văn Kha số 10, ông Sa số 9 làm hàng không kịp bán.

pho co hang manh

Phố Hàng Mành hôm nay chỉ còn vài ba nhà rất khiêm tốn. Đó là cửa hàng Hùng Hải số 1A, Kháng Lợi số 3, còn số nhà 13 chia đôi, một nửa bán mành, một nửa bán hàng khác. Đặc biệt, có một mặt hàng có thể gán cho nó là “hậu duệ” của mành tre, trúc ngày xưa đó là mái hiên di động hiện đại, được cải tiến cuốn kéo rất thuận tiện tràn ngập trên các hè phố thủ đô, mang đặc trưng của phố này, với thương hiệu “Mái hiên di động Phú Thành”, địa chỉ số 23 Hàng Mành. Đến số nhà này, bạn không khỏi ngạc nhiên ngỡ ngàng trước ngôi nhà 1 tầng chật chội, biển hiệu trước cửa khá cũ kỹ nhưng hàng hóa thì nhiều vô kể và có mặt khắp Hà Nội và cả các tỉnh xa.

Bước vào thời kỳ đổi mới, những chiếc mành không còn hấp dẫn nữa. Nằm trong khu phố cổ lại gần hồ Hoàn Kiếm, phố Hàng Mành nhanh chóng nhập cuộc vào thị trường du lịch. Nơi đây liên tiếp mọc lên những khách sạn sang trọng. Cả phố chỉ có 46 số nhà nhưng có tới 6 khách sạn, với kiến trúc thanh thoát, lịch sự như: Pan Hotel số 19, Phú Vinh Hotel số 12 thay cho cửa hàng mành ông Bằng trước đây. Holy Day Hotel số 24, An Huy Hotel số 11… Riêng Hồng Nga Hotel quy tụ một cụm dịch vụ khá hoàn chỉnh, chiếm trọn diện tích mặt bằng của 4 số nhà, từ số 32 đến 38.

Số lượng quầy hàng Gallery cũng rất đáng kể, 12 hiệu rải rác trên phố trưng bày la liệt trên tường và trên sàn nhà các mặt hàng gia dụng, mây tre đan, túi xách, quần áo, tranh sơn mài, tượng đồng, tượng gỗ sơn khảm đủ kiểu, chú Tễu, con trâu và các hàng hóa mỹ nghệ bán cho du khách làm quà kỷ niệm. Bên cạnh đó còn có cả cửa hàng nhạc cụ dân tộc đã có truyền thống lâu năm như Tạ Thâm số 16, Tất Thắng số 39, bán nhiều loại đàn nguyệt, đàn tranh, đàn tơ-rưng, cồng chiêng v.v… Những Gallery này điểm xuyết cho phố nét văn hóa xưa của một khu phố cổ trước yêu cầu đổi mới của thị trường du lịch thời hiện đại với những nhân viên bán hàng nói tiếng Anh khá thành thạo.

Lê Nhật Tăng

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này