Kinh tế Thủ đô quý I/2017: Tăng trưởng toàn diện

10:10 | 11/04/2017
Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, trong quý I/2017, kinh tế Thủ đô duy trì tăng trưởng khá, tổng sản phẩm ước tăng 7,06% (cao hơn quý I/2016 là 6,95%), trong đó, dịch vụ tăng 7,26%; công nghiệp - xây dựng tăng 6,99%.
tang truong toan dien Hà Nội trên đường phát triển
tang truong toan dien Bức tranh kinh tế Thủ đô 2017: Lạc quan và kỳ vọng

Mặc dù diện tích gieo trồng cây vụ đông giảm, nhưng do thời tiết thuận lợi, năng suất các loại cây trồng tăng, giá trị nông nghiệp tăng 0,54%. Thành phố thực hiện nhiều giải pháp cải thiện môi trường đầu tư như: Tổ chức gặp mặt, đối thoại với một số doanh nghiệp nhằm tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; thành lập tổ công tác liên ngành để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc cấp sổ đỏ cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình; thực hiện cam kết cho vay theo chương trình kết nối ngân hàng với doanh nghiệp.

tang truong toan dien
Trong 3 tháng đầu năm 2017, tình hình KT-XH Thủ đô đã đạt được những kết quả khá toàn diện.

Khách du lịch đến Thủ đô đạt 6,13 triệu lượt, tăng 7% so với cùng kỳ, trong đó, khách quốc tế là 1,27 triệu lượt (tăng 10%). Tổng doanh thu từ khách du lịch đạt 18,1 nghìn tỷ đồng (tăng 9%). Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 2.385 triệu USD, tăng 2,1%. Huy động vốn đầu tư xã hội trong quý I đạt khá, vốn đăng ký của các dự án ngoài ngân sách nhà nước đạt 78 nghìn tỷ đồng, thu hút vốn đầu tư nước ngoài FDI đạt 580 triệu USD; số doanh nghiệp thành lập mới trong quý I là 5.783, tăng 11% so với cùng kỳ, số vốn đăng ký đạt trên 44 nghìn tỷ đồng. Trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, thành phố hoàn thành công trình cầu vượt Ô Đống Mác - đê Nguyễn Khoái, cầu vượt tại nút giao đường Cổ Linh và đường lên cầu Vĩnh Tuy, góp phần giảm ùn tắc giao thông.

Trong quý I/2017, thu ngân sách trên địa bàn đạt 48.819 tỷ đồng, bằng 23,8% dự toán và tăng 11% so với cùng kỳ năm 2016; chi ngân sách địa phương ước thực hiện 15.221 tỷ đồng, đạt 19,6% dự toán và tăng 11,7% so với cùng kỳ.

Một điểm sáng đáng ghi nhận trong việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT-XH quý I năm nay là kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp của đội ngũ cán bộ công chức có chuyển biến. Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành của các cơ quan quản lý ngày càng được đẩy mạnh và thực hiện phần mềm dữ liệu dùng chung áp dụng ở cả ba cấp, giúp thời gian giải quyết thủ tục hành chính ngắn gọn. Nhờ đó, cải cách hành chính ngày càng hiệu quả. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2016 của thành phố tăng 10 bậc, xếp thứ 14 trong số 63 tỉnh, thành phố, đạt thứ hạng cao nhất từ trước đến nay. Đây cũng là năm thứ tư liên tiếp chỉ số PCI của thành phố tăng hạng và cũng là năm đầu tiên Hà Nội bước vào nhóm địa phương có chất lượng điều hành tốt…

Đặc biệt, Thành phố đã chỉ đạo tăng cường xử lý, giải quyết vi phạm về trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng, lòng đường, hè phố. Sau hơn 20 ngày ra quân (từ 10/3/2017), Thành phố đã huy động 22.654 lượt cán bộ vào cuộc, tuyên truyền 6.645 lượt trên các phương tiện truyền thanh, gửi 111.616 thư ngỏ; ký cam kết với 122.325 hộ kinh doanh… với cách làm kiên trì, bài bản và bền vững, tình hình trật tự đô thị, trật tự giao thông, nhất là tại 12 quận nội thành có chuyển biến tích cực, việc lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm nơi kinh doanh, buôn bán, trông giữ xe đã giảm rõ rệt, bước đầu tạo sự chuyển biến trong nhận thức của nhân dân về ý thức tự giác chấp hành các quy định về trật tự, văn minh đô thị.

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả nhiệm vụ kinh tế - xã hội quý II và những tháng cuối năm, UBND Thành phố đề ra sáu nhóm giải pháp chính, gồm: Cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư; đẩy mạnh sản xuất; đầu tư; thực hiện các nhiệm vụ quản lý trật tự đô thị, trật tự xây dựng, bảo vệ môi trường; các chính sách xã hội và bảo đảm an ninh - quốc phòng, trật tự an toàn xã hội. Trong đó, Thành phố hết sức coi trọng giải pháp về cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư. Thành phố yêu cầu các ngành, các cấp rà soát, chỉnh sửa và bổ sung cơ chế, chính sách theo hướng minh bạch, thông thoáng, tạo thuận lợi hơn nữa và cắt giảm triệt để chi phí không cần thiết cho người dân, doanh nghiệp.

Tập trung cải thiện, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh, tập trung vào chỉ số tiếp cận đất đai, môi trường cạnh tranh lành mạnh, tính minh bạch và tiếp cận thông tin. Thực hiện các giải pháp để doanh nghiệp tiếp cận vốn vay ngân hàng với lãi suất hợp lý, nhất là tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Hoàng Phúc

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này