Dự thảo Nghị định quy định về môi trường giáo dục an toàn

Vì tương lai thế hệ trẻ

11:01 | 09/04/2017
Trước tình trạng xâm hại, bạo hành trẻ em đang gia tăng trên cả nước, mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã có dự thảo Nghị định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường. Nhiều nội dung trong dự thảo được người dân đồng tình, ủng hộ.
vi tuong lai the he tre Giải mã nghịch lý "tị nạn giáo dục"
vi tuong lai the he tre Cần phải cách ly khỏi môi trường giáo dục

Theo dự thảo, mọi công dân có trách nhiệm xây dựng và đảm bảo môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường. Gia đình có trách nhiệm phối hợp với nhà trường, các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường. Các cơ sở giáo dục có trách nhiệm tổ chức xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường theo chức năng, nhiệm vụ. Dự thảo quy định rõ về nội dung môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện. Theo đó, cơ sở giáo dục không bị ảnh hưởng xấu của các nhà máy, cơ sở sản xuất; cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống, vui chơi giải trí, văn hóa và các loại hình kinh doanh, dịch vụ khác xung quanh trường học. Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, đồ dùng và đồ chơi trẻ em của cơ sở giáo dục: Đảm bảo an toàn, phòng, chống tai nạn, thương tích; an toàn, phòng, chống cháy, nổ; an toàn, phòng, chống thảm họa, thiên tai; công trình vệ sinh, nước sạch an toàn, hợp vệ sinh và đáp ứng nhu cầu tối thiểu cho các thành viên thuộc cơ sở giáo dục; có hệ thống cây xanh phù hợp, an toàn; khuôn viên, sân vườn và phòng học sạch, đẹp, đủ ánh sáng…

vi tuong lai the he tre
Trẻ em cần được sống trong môi trường an toàn lành mạnh, thân thiện. (ảnh minh họa)

Tài liệu, học liệu giảng dạy và học tập sử dụng trong cơ sở giáo dục phải phù hợp với mục tiêu, nội dung chương trình giáo dục; bảo đảm tính khoa học, tính chính xác, tính sư phạm, tính nhân văn và tính thẩm mỹ; tôn trọng sự khác biệt, không chứa đựng các yếu tố kích động bạo lực; đáp ứng yêu cầu cần đạt được về phẩm chất và năng lực của người học. Về hoạt động trong cơ sở giáo dục: Cần tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí, văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao phù hợp với độ tuổi, đặc điểm sinh lý, tâm lý đối với các thành viên trong cơ sở giáo dục; có sự phối hợp giữa nhà trường và gia đình người học trong việc bảo đảm sự an toàn tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự và bí mật đời sống riêng tư của người học.

Đối với môi trường giáo dục phòng, chống bạo lực học đường, dự thảo nêu rõ, cơ sở giáo dục có các hoạt động phòng ngừa bạo lực học đường như trang bị kiến thức, kỹ năng về phòng, chống xâm hại trẻ em; phòng, chống bạo lực học đường, bạo lực trẻ em trên môi trường mạng cho thành viên thuộc cơ sở giáo dục.

Thành viên thuộc cơ sở giáo dục chủ động áp dụng phương pháp giáo dục bằng các biện pháp tích cực, không bạo lực; không xâm phạm thân thể, nhân phẩm, danh dự, tài sản của người khác; không cổ vũ, kích động hành vi bạo lực; có trách nhiệm thông báo, tố giác các hành vi bạo lực học đường đến cơ quan, tổ chức và cá nhân có thẩm quyền; ngăn ngừa và can thiệp kịp thời đối với các hành vi bạo lực học đường phù hợp với khả năng của bản thân.

Cũng theo dự thảo, Bộ GD&ĐT có trách nhiệm đưa nội dung, kiến thức về an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường vào chương trình giáo dục trong nhà trường; rà soát, hoàn thiện các tiêu chuẩn trường học bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ GD&ĐT, các địa phương hướng dẫn, tổ chức thực hiện công tác phòng, chống xâm hại và phòng, chống tai nạn thương tích; bảo đảm chế độ, chính sách cho người học; chăm sóc, nuôi dưỡng người học có hoàn cảnh đặc biệt. Bộ Công an chỉ đạo, hướng dẫn công an địa phương phối hợp với cơ sở giáo dục bảo đảm an ninh trật tự, an toàn trường học và phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý các vụ việc bạo lực học đường; phối hợp với Bộ GD&ĐT, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn và tổ chức thực hiện biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn hành vi bạo lực, bóc lột, xâm hại tình dục người học và tệ nạn xã hội, tội phạm khác liên quan đến người học.

Theo bà Đinh Bích Hà (nguyên Phó hiệu trưởng trường Mẫu giáo MN B Hà Nội): Nhìn dưới góc độ quản lý, một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng xâm hại trẻ em hay bạo lực học đường là do các nhà trường chưa thực hiện giáo dục các nội dung phòng chống bạo lực học đường, phòng chống xâm hại trẻ em đầy đủ; trẻ chưa được thường xuyên hướng dẫn những kiến thức, kỹ năng cần thiết để phòng tránh bị xâm hại… Tôi rất đồng tình với nhiều quy định trong dự thảo, đặc biệt Bộ GD&ĐT đã quan tâm đến việc đưa kiến thức về an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường vào chương trình giáo dục trong nhà trường. Nếu quy định mới được triển khai, chắc chắn, trong thời gian tới tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em hay các tội phạm khác liên quan đến trẻ em, học sinh sẽ không còn là “gắng nặng” của xã hội như trong suốt nhiều năm qua.

H.Duy

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này