Đình Chèm

15:16 | 04/04/2017
Đình Chèm thuộc làng Chèm, xã Thụy Phương, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, được xem là ngôi đình cổ nhất Việt Nam với niên đại cách đây hàng nghìn năm. Cùng với nét kiến trúc nghệ thuật cổ kính, đình Chèm còn mang trong mình sự tích về một vị tướng tài đức trọng có công dẹp giặc cứu nước.
dinh chem Phố Hàng Thiếc
dinh chem Phố Hàng Gà
dinh chem Địa điểm thu hút du khách ở phố cổ Hà Nội

Theo thần phả, đình Chèm thờ đức Thánh làng Chèm, tức Lý Thân (còn gọi là Lý Ông Trọng hay Đức Thánh Chèm). Lý Ông Trọng sinh ở làng Chèm vào thời Hùng Duệ Vương. Lý Ông Trọng là người có vóc dáng khổng lồ. Thời Hùng Duệ Vương, nước ta có giặc Ái Lao, Chiêm Thành và phía Bắc thường quấy nhiễu biên thuỳ, Lý Ông Trọng nhận chức Chỉ huy Sứ giết tan giặc, mở mang bờ cõi.

Sang thời An Dương Vương, nhà Tần bị giặc Hung Nô quấy phá, vua Tần sai sứ sang cầu Thục Phán cho tướng tài sang giúp. Vua Thục cử Lý Ông Trọng đi sứ nhà Tần, vua Tần phong ông là Tư Lệnh Hiệu Uý thống suất 10 vạn quân đi dẹp giặc Hung Nô. Thắng trận khải hoàn, vua Tần phong ông chức Phụ Tín Hầu, gả công chúa cho và giữ ở lại nước Tần. Nhưng Lý Thân nhất quyết về lại quê nhà, công chúa nước Tần cũng theo về sống với ông ở Chèm cho tới khi mất. Trong thánh phả nước Việt, Lý Ông Trọng đứng hàng thứ ba sau Thánh Tản và Thánh Gióng.

dinh chem

Đình Chèm nằm trên diện tích gần 2 mẫu được xây dựng theo lối kiến trúc nội công ngoại quốc, chắc chắn và công phu. Công trình kiến trúc tam quan ngoài bố trí đầy đủ tứ linh long, ly, qui, phượng quay ra bốn hướng. Tam quan trong xây ba gian, bốn mái và năm cửa ra vào. Khu nhà bia, sân đình, tả hữu mạc, phương đình tám mái và tòa đại bái, hậu cung tạo thành hình chữ công. Gian trong cùng của ngôi đình có hai bức tượng Thượng Đẳng Thiên Vương cao 2 trượng và bức tượng công chúa nước Tần - Hoàng phi Bạch Tỉnh Cung cao 8 trượng bằng gỗ sơn son thếp vàng tạc năm 1888.

Hiện ở Đình Chèm vẫn còn lưu giữ được nhiều hình chạm khắc gỗ phong cách thế kỷ 18, cùng các đạo sắc, lễ nghi, văn tế, cách đắp tượng dưới thời Nguyễn; ba sắc do các vua triều Nguyễn phong thần cho Lý Ông Trọng; bốn bia đá, một tấm thời Lê Cảnh Hưng và ba tấm bia thời Nguyễn; hai chuông đồng đúc dưới thời Nguyễn; 15 câu đối, tám bức hoành phi và 10 pho tượng thờ. Pho tượng Lý Ông Trọng cao hơn 3m, bằng gỗ sơn son thếp vàng rất sinh động.

Đến nay, tất cả kiến trúc của đình Chèm vẫn được bảo tồn khá nguyên vẹn, từ bố cục đến kiểu dáng cả một tổng thể những di tích cổ kính nằm hài hòa trong một không gian rộng thoáng, bên sông Hồng...

Hàng năm để tưởng nhớ công lao của Lý Ông Trọng, cứ từ ngày 14 đến ngày 16 tháng 5 âm lịch, nhân dân làng Chèm (Thụy Phương); làng Hoàng (Hoàng Xá); làng Mạc (Liên Mạc) cùng nhau tổ chức hội Chèm với các nghi thức quan trọng trong đó có lễ rước nước. Năm 1990, Đình Chèm chính thức được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

T.An

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này