Chậm di dời dân cư ra khỏi các khu chung cư nguy hiểm:

Quyết định đã có, sao khó triển khai!

09:37 | 04/04/2017
Gần 1 năm kể từ khi Thành phố ban hành quyết định yêu cầu di dời dân ra khỏi các tòa nhà nguy hiểm cấp độ D, song đến nay công việc di dời vẫn còn gặp nhiều khó khăn..
quyet dinh da co sao kho trien khai Đẩy mạnh cải tạo, xây mới chung cư cũ
quyet dinh da co sao kho trien khai Quy định mới về cải tạo chung cư: Để hai bên cùng có lợi

Gần 1 năm vẫn bất động

Năm 2016, căn cứ kết quả đánh giá mức độ nguy hiểm của 42 chung cư cũ hỏng, xuống cấp trên địa bàn Thành phố của Sở Xây dựng, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định 2000/UBND-XDGT ngày 25/4/2016 về việc tổ chức di dời khẩn cấp các chủ sử dụng, sở hữu tại đơn nguyên 1 và 2 nhà G6A Thành Công (phường Thành Công), đơn nguyên 1 nhà A Ngọc Khánh (phường Ngọc Khánh), đơn nguyên 1 và 3 tập thể Bộ Tư pháp (phường Cống Vị) do nguy hiểm có nguy cơ sập, đổ.

quyet dinh da co sao kho trien khai
Chung cư nguy hiểm G6A Ngọc Khánh.

Song đến nay công tác di dời vẫn dường như dậm chân tại chỗ. Bà Đỗ Kim Vinh (chủ căn hộ 104), thành viên Ban đại diện chung cư G6A Thành Công cho biết, chủ trương quy hoạch cải tạo tòa nhà được tất cả các hộ dân đồng thuận, nhưng trở ngại lớn nhất chính là vấn đề minh bạch về chính sách tạm cư, tái định cư, tiến độ thi công, mức đền bù hệ số diện tích quy đổi giữa cũ và mới ra sao... Dó đó, đến nay, phần lớn các hộ dân đều đồng thuận đề nghị được xây dựng, cải tạo căn hộ đang ở, nhưng chưa có phương án từ phía các cơ quan chức năng. Đáng chú ý, người dân rất lo lắng chưa biết đơn vị nào sẽ làm chủ đầu tư xây dựng lại tòa nhà, việc thỏa thuận với người dân về hệ số chuyển đổi từ nhà cũ sang nhà mới bao nhiêu, thời gian xây dựng, thời gian tạm cư bao lâu, khi nào thì người dân được dọn về nhà mới?

Cũng trong tình trạng như nhà G6A Thành Công, đơn nguyên 3, nhà C8 khu tập thể Giảng Võ (Ba Đình, Hà Nội) có quyết định khẩn cấp di dời từ tháng 9/2013, nhưng tới nay toàn bộ hộ dân tại đây vẫn ở nguyên tại chỗ. Được biết, cuối tháng 12/2016, quận Ba Đình đã tổ chức bốc thăm nhà tạm cư cho các hộ dân của đơn nguyên 1 nhà A Ngọc Khánh, phường Ngọc Khánh; đơn nguyên 1, 3 tập thể Bộ Tư pháp, phường Cống Vị; đơn nguyên 1, 2 nhà G6A Thành Công, phường Thành Công và đơn nguyên 3 nhà C8 Giảng Võ, phường Giảng Võ, với tổng số 151 phương án đề nghị nhà tạm cư…. và tới nay mọi việc vẫn “dậm chân tại chỗ”.

Hiểu sai nên chậm trễ?

Về vấn đề này trao đổi với PV, ông Vũ Ngọc Đạm, Trưởng phòng Phát triển đô thị (Sở Xây dựng Hà Nội) cho biết, trong trường hợp này có một sự nhầm lẫn giữa việc di dời khẩn cấp người dân và giải phóng mặt bằng xây dựng chung cư cũ.

UBND quận Ba Đình chủ trì xây dựng phương án di dời và phương án bồi thường, hỗ trợ, tạm cư, tái định cư cho các chủ sở hữu. Sau khi phương án di dời được UBND Thành phố phê duyệt, trường hợp hết thời hạn quy định nếu các chủ sở hữu không thực hiện việc lựa chọn doanh nghiệp kinh doanh bất động sản làm chủ đầu tư thực hiện việc phá dỡ để cải tạo xây dựng lại nhà chung cư thì quyết định các biện pháp hành chính tổ chức thực hiện cưỡng chế di dời các chủ sở hữu, chủ sử dụng ra nơi khác theo quy định của pháp luật.

Cụ thể, tinh thần của Quyết định số 2000 là Thành phố hỗ trợ người dân di chuyển khỏi các khu chung cư nguy hiểm, UBND quận Ba Đình sẽ lên phương án di chuyển, trình Thành phố xem xét, quyết định. “Thành phố hỗ trợ người dân tiền tạm cư, tức là người dân không phải mất tiền nhà mà chỉ phải chi các chi phí vận hành như: Thang máy, bảo vệ… Trong trường hợp người dân không đồng ý phương án tạm cư cũng có thể nhận tiền mặt tương đương ra sao để có thể thuê phòng nơi khác.” – Trưởng phòng Phát triển đô thị nhấn mạnh.

Thừa nhận còn những bất cập trong cải tạo chung cư cũ trước kia, ông Vũ Ngọc Đạm cho biết thêm, tuy Nghị định 101 đã mở nhiều cơ chế tạo điều kiện thuận lợi, song đối với riêng Hà Nội vẫn cần những cơ chế đặc thù trong quá trình triển khai. Theo đó, TP sẽ bắt đầu từ việc quy hoạch tổng thể các phân khu để xây dựng khu đô thị hiện đại, chứ không triển khai ở từng đơn nguyên như trước đó.

“Rút kinh nghiệm bài học từ cải tạo chung cư C1 Thành Công, sau hơn 8 năm sau khi công trình bị phá dỡ, mâu thuẫn về chi phí đền bù, tỷ lệ diện tích chênh lệch mới gần như được giải quyết. Chính vì thế, đối với những dự án cải tạo chung cư cũ sau này, căn cứ từ quy hoạch chi tiết làm cơ sở để xác định phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng. Đây được coi là khâu đột phá trong cải tạo chung cư cũ của Hà Nội” – Vũ Ngọc ông Đạm nhận định. Tuy nhiên, điều mà người dân đang sinh sống tại các chung cữ thuộc diện phải di dời khẩn cấp và dạng sẽ tiến hành quy hoạch xây mới băn khoăn là hệ số đền bù và ai đứng ra bảo lãnh thời gian thi công để không xảy ra như trường hợp ở Giãng Võ thì vẫn chưa có cơ quan nào trả lời; hoặc vẫn phải chờ cơ chế.

Tuấn Dũng

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này