Thực hiện quy chế Dân chủ trong nhà trường:

Không thể “vẫn là bệnh hình thức”!

16:12 | 28/03/2017
Mặc dù các văn bản quy định về thực hiện Quy chế Dân chủ trong cơ sở giáo dục hiện nay tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, việc triển khai quy định này tại nhiều cơ sở giáo dục, đào tạo hiện vẫn theo kiểu hình thức, đối phó.
khong the van la benh hinh thuc Góp phần nâng cao chất lượng dạy học
khong the van la benh hinh thuc Đổi mới phương pháp giảng dạy để “chống nhạt”

Những con số “biết nói”!

Tại Hội nghị về Quy chế Dân chủ trong cơ sở giáo dục và đào tạo vừa được Văn phòng Chính phủ tổ chức cuối tuần qua do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì, một ví dụ rõ nhất (nếu không nói là tiêu biểu) cho việc thực hiện Quy chế Dân chủ theo kiểu hình thức, đối phó trong các nhà trường hiện nay đã được chỉ ra là: Mặc dù Luật Giáo dục đã quy định việc lập Hội đồng Trường như một cơ chế để kiểm soát, chống độc đoán, chuyên quyền, thúc đẩy tinh thần dân chủ trong trường học.

khong the van la benh hinh thuc
Cuộc thi tìm hiểu và thực hiên quy chế dân chủ trong các nhà trường được ngành giáo dục Hà Nội tổ chức thành công. ảnh minh họa

Nhưng theo báo cáo của Bộ GDĐT thì mới chỉ có 16 đơn vị trong số các trường ĐH trực thuộc Bộ này có thành lập Hội đồng trường nhưng nhiều hội đồng trường chưa phát huy được vai trò. Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Thị Nghĩa cũng chỉ ra những điểm hạn chế cơ bản như: Qua kiểm tra, một số trường chưa phát huy được vai trò của cấp uỷ, của Đảng viên, người lao động; Quy chế xây dựng của nhiều trường còn hình thức, dù có quy chế nội bộ chi tiết nhưng công tác cán bộ không thực sự tuân thủ; Quy chế Chi tiêu nội bộ chưa được cập nhật bàn bạc dân chủ ở một số trường; Hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân chưa hiệu quả. Hoạt động của công đoàn trường cũng còn sơ xài, chất lượng chưa cao… Ngoài ra, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa cũng thẳng thắn nhìn nhận những biểu hiện thiếu dân chủ khi trả lời một số câu hỏi của Phó Thủ tướng liên quan đến việc: Trường Đại học Ngoại thương có khiếu kiện kéo dài hay như vụ việc ở Trường Tiểu học Nam Trung Yên là những ví dụ về câu chuyện vi phạm dân chủ, hay lạm quyền của người đứng đầu nhà trường.

Còn với khối trường trực thuộc Bộ LĐTB- XH thì cũng mới chỉ có 30% trong tổng số trường mà Bộ này quản lý là có Hội đồng Trường và theo bà Mai Thúy Nga - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐTB-XH), các Hội đồng Trường cũng chưa phát huy vai trò. Tại nhiều trường, thành viên hội đồng trường lại chính là hiệu trưởng, hiệu phó.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, đây là những con số biết nói và nó cho thấy việc thực hiện quy chế dân chủ trong các trường đang ở mức nào. Bởi việc thành lập hội đồng trường là chỉ số cơ bản, dễ thấy nhất trong thực hiện quy chế dân chủ ở đại học, cao đẳng, nhưng đại diện các Bộ cũng nắm không đầy đủ. Số liệu có được thì số trường có Hội đồng Trường không nhiều (dù luật quy định). Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng chia sẻ băn khoăn, ông từng đặt câu hỏi với nhiều lãnh đạo các trường thì được biết lý do trường không lập hội đồng trường vì tổ chức này rất “hình thức”, không hiệu quả. Nhưng nếu chỉ là hình thức hay hoạt động chưa hiệu quả thì sao các trường không lập cho xong, cho đúng quy định. Phải chăng vì Hội đồng Trường thực sự là yếu tố quan trọng mà khi lập ra sẽ hạn chế sự độc đoán, chuyên quyền của lãnh đạo nên các trường ngại lập.

Dân chủ cần phải đi liền với tự chủ

Với hơn 20 triệu học sinh cùng với đó là hàng triệu gia đình, 1,4 triệu giáo viên, việc thực hiện dân chủ trong nhà trường sẽ là tấm gương, tạo sự lan tỏa ra toàn xã hội để mọi người thấy có trách nhiệm tham gia. Cùng với đó là sự cần thiết phải xây dựng có cơ chế đánh giá, giám sát đo, đếm được đối với việc thực hiện quy chế dân chủ trong trường học. Đây là việc rất quan trọng, phải có cơ chế để giáo viên đánh giá cơ cấu lãnh đạo, các chức danh lãnh đạo; học sinh và phụ huynh đánh giá giáo viên. Chúng ta phải có cơ chế cụ thể chứ giám sát chung chung thì không được - Phó Thủ tướng yêu cầu.

“Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục” ngoài thi cử, sách giáo khoa thì còn một trong những yêu cầu phải đổi mới rất mạnh đó là công tác quản lý, thực hiện dân chủ để làm sao có môi trường giáo dục thực sự cởi mở, để cho tất cả những giá trị tốt đẹp trong nghiên cứu, trong giảng dạy được bừng nở. Do đó, theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, đã tới lúc cần “nhìn thẳng vào sự thật” vì gần đây có nhiều sự việc dư luận xã hội bức xúc ở cả bậc ĐH, phổ thông; việc kiện tụng kéo dài, lãnh đạo các bộ cần phải xem xét đó là những cá biệt hay là những biểu hiện điển hình của tình trạng phổ biến về mất dân chủ. Xem xét để đi tìm nguyên nhân thật sự, có điều chỉnh chỉ đạo kịp thời.

Phát biểu tại Hội nghị, TS.Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, mất dân chủ trong trường học không chỉ diễn ra ở bậc đại học mà càng “trầm trọng” hơn ở các bậc học dưới, “nặng” nhất chính là bậc mầm non, tiểu học. “Làm thế nào để đưa tư tưởng dân chủ vào được trường học? Quản lý giáo dục của Việt Nam chủ yếu bằng thi đua mà thi đua rất hình thức, dẫn đến bệnh thành tích nên dân chủ không thể “cập bến” – TS.Lâm nhận định.

Vì vậy, theo TS. Nguyễn Tùng Lâm, để mở đường đưa dân chủ vào học đường thì cần đổi mới thực sự phương pháp giáo dục, triết lý giáo dục phải vì học trò, dựa vào học trò, phải vì mong muốn, phát triển từng cá nhân người học chứ không phải là áp đặt hàng loạt. Để trường học thực sự dân chủ thì vấn đề tự chủ phải đặt ra với mọi nhà trường, từ bậc học mầm non trở lên. “Nếu nhà trường không tự chủ, không tự chịu trách nhiệm về kết quả sản phẩm đào tạo ra của mình thì chưa thay đổi được cục diện. Các cơ quan cấp trên quản lý nhiều quá dẫn đến nhà trường không thể sáng tạo, không dân chủ được. Hãy để các trường tự chịu trách nhiệm về kết quả đào tạo trước xã hội” – ông Lâm khuyến cáo. Ngoài ra, theo ông Lâm, mỗi trường học cần đề cao vai trò người đứng đầu, các đoàn thể phải phát huy vai trò giám sát, đánh giá dân chủ một cách khách quan.

Sau hội nghị này, Bộ GDĐT, Bộ LĐTBXH phải ban hành ngay văn bản yêu cầu các cơ sở giáo dục, đào tạo phải thực hiện nghiêm túc việc lấy ý kiến tập thể khi xây dựng các quy chế hoạt động; công khai, báo cáo minh bạch những thông tin này để cơ quan quản lý nhà nước nắm được, để học sinh, phụ huynh, cộng đồng cùng giám sát.

K.Thoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này