Thị trường xe máy cũ trước ngưỡng tháng 6

16:26 | 21/03/2017
Mặc dù có thông tin Hà Nội sẽ lên kế hoạch thu hồi các xe máy quá đát để giảm độ phát thải gây ô nhiễm môi trường, song thị trường mua bán xe máy cũ vẫn diễn ra tấp nập, nhộn nhịp.
thi truong xe may cu truoc nguong thang 6 Bị tuýt còi vì vi phạm, nam thanh niên châm lửa đốt xe máy
thi truong xe may cu truoc nguong thang 6 Chủ trương đúng, cần có lộ trình cụ thể

Cung vẫn nhiều

Tại buổi làm việc với lãnh đạo TP Hà Nội của Phó Thủ tướng Trịnh Định Dũng diễn ra vào cuối tháng 2/2017, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, hiện TP có tới 2,5 triệu xe máy đã hết hạn sử dụng từ trước năm 2000. Do vậy, trong đề án liên quan đến việc hạn chế các phương tiện cá nhân dự kiến trình lên HĐND vào tháng 6 tới, Thành phố sẽ tính đến chuyện thu thồi các loại ôtô, xe máy đã quá cũ.

thi truong xe may cu truoc nguong thang 6

Tuy nhiên, qua khảo sát của phóng viên, thị trường mua bán xe cũ tại các chợ xe máy cũ như khu vực chợ xe Dịch Vọng (Chùa Hà) vẫn diễn ra bình thường. Theo Anh Ngọc - một cò chuyên buôn xe cũ tại khu chợ này cho biết, thì trong tất cả các loại xe cũ, nát, Honda Cub, Wave, Dream,... vẫn được lựa chọn nhiều nhất bởi ưu điểm vượt trội của những chiếc xe này là nhỏ gọn, máy khỏe, khung chắc, chở nặng tốt, lại ăn ít xăng. Trung bình mỗi ngày dân tiêu thụ xe cũ như Ngọc bán ra từ 4 – 6 chiếc. “Đặc biệt, loại xe Honda Cub luôn trong tình trạng nhiều khách đặt nhưng không phải lúc nào cũng có bởi đây là loại xe mà dân độ xe rất ưa chuộng. Họ mua về để độ hoặc chế lại... vừa làm phương tiện đi lại đồng thời lại là món đồ sưu tập độc lạ.” – anh Ngọc cho biết thêm.

Có cầu ắt có cung, anh Phạm Quốc Sinh – chủ cửa hàng ga trên đường Phan Trọng Tuệ (Thanh Trì) cho biết, vừa mua 3 chiếc xe máy cũ (02 xe wave, 01 xe dream II) của những người dân trong xóm lân cận có nhu cầu thanh lý với giá từ 2,5 triệu – 3,5 triệu/xe để cho nhân viên giao hàng làm phương tiện đi lại. Theo anh Sinh , sở dĩ tôi chọn mua loại xe cũ của hãng này vì giá thành rẻ, động cơ máy thuộc loại khỏe, bền, phù hợp với việc chở hàng nặng, cồng kềnh.

Chung tâm lý như anh Sinh, nhiều người dân ngoại tỉnh lên Hà Nội để làm thuê cũng cho biết, bất kỳ ai muốn mưu sinh đều cần có phương tiện. Vì thế “đích ngắm” của họ là những loại xe số cũ, có độ bền cao, mẫu mã không cần quá đẹp, chỉ cần đi được. Hơn nữa, những chiếc xe này có thể vứt lăn lóc chẳng ai thèm lấy, có bị lực lượng chức năng kiểm tra thu xe, thì chủ nhân có thể bỏ luôn để mua cái khác. Anh Phạm Thành – một nhân viên giao cơm hộp cho biết: “Xe đi cả năm có khi chẳng phải sửa chữa hay bảo dưỡng gì, cứ khi nào không nổ máy được nữa mới đem ra cửa hàng sửa chữa.” Vì thế, không ngạc nhiên khi những xe cũ đang lưu hành trên đường phố hiện nay phần lớn là không có giấy tờ, chất lượng tạm bợ vì được cải tạo lại để mưu sinh.

Vấn đề là chất lượng

Bật mí thêm về chất lượng các loại xe có tuổi thọ (niên hạn) quá lâu thì nhiều cò xe tại khu chợ này còn cho biết một sự thật đó là có những chiếc xe chẳng khác gì đống sắt vụn, bị chuột bọ cắn phá dây điện, khung gầm biến dạng. Dây điện có thể thay mới, nhưng khung xe biến dạng, không thể khôi phục chuẩn được như ban đầu, tình trạng an toàn rất kém.... Thông thường, một chiếc xe máy cũ được thợ buôn xe mua lại đều được qua “phẫu thuật chỉnh hình”, sau đó mới rao bán trên thị trường. Xe mua về trước tiên được đưa vào xưởng (những xưởng này thường nằm quanh khu vực gần chợ xe máy cũ). Thợ kiểm tra các bộ phận, sau đó “mông má” lại để tạo sự bắt mắt. Một số phụ tùng có giá trị của xe sẽ bị thay thế bằng thiết bị rẻ tiền như IC, giảm xóc… nhưng vẫn đảm bảo để chiếc xe hoạt động bình thường và chỉ bị trục trặc sau khi đã được khách hàng mang về sử dụng thời gian ngắn.

Còn về phía người sử dụng, điều khiển những chiếc xe máy cũ nát này cũng chia sẻ, họ thừa biết xe rất thiếu an toàn, thậm chí nguy hiểm khi tham gia giao thông và gây ô nhiễm môi trường. Nhưng vì khó khăn, họ vẫn bất chấp.

Trước thực trạng trên, một số ý kiến cho rằng thay vì việc ra quy định niên hạn sử dụng xe 2 bánh để tịch thu xe thì nên tập trung xây dựng những quy định, điều kiện bắt buộc về kĩ thuật để một chiếc xe được lưu thông trên đường. Chia sẻ quan điểm của mình, anh Công Khanh – một kỹ sư cơ khí chế tạo máy cho rằng: “Niên hạn xe chỉ nên dùng để ấn định mức đóng phí cho 1 chiếc xe. Xe càng cổ thì mức đóng phí càng cao. Còn những xe nào vi phạm luật thì phạt thật nặng. Nếu làm như thế vừa kiểm soát hiệu quả lại sẽ tăng được nguồn thu...”

Còn ở góc độ pháp lý về sở hữu tài sản, một số chuyên gia cũng cho rằng, để tịch thu xe vi phạm thì dễ nhưng để áp dụng trên diện rộng, nếu không nghiên cứu kỹ sẽ dẫn đến việc xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu.

Cụ thể về điều này, Luật sư Nguyễn Đắc Thực – Giám đốc Công ty Luật Minh Thư cho biết, trước hết, phải khẳng định rằng việc tịch thu xe hết “đát” là một quyết sách đúng nhằm bảo vệ cuộc sống của người dân trước nguy cơ ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, đồng thời tăng cường các hoạt động quản lý phương tiện nhằm đảm bảo trật tự, an toàn giao thông...

Tuy nhiên, bên cạnh việc tịch thu tài sản vi phạm hành chính thì việc tịch thu trên diện rộng đối với các xe máy cũ, nát cần nghiên cứu kỹ sao cho hiệu quả nhưng vẫn đảm bảo không xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu, chủ sử dụng tài sản.Ví dụ như đối với xe có đầy đủ giấy tờ nhưng niên hạn sử dụng đã quá đát thì các cơ quan chức năng cần khuyến khích người dân giao nộp phương tiện xe thô sơ, tự chế để nhận hỗ trợ... ”– Luật sư Nguyễn Đắc Thực cho biết thêm.

Tuệ Liên

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này