Người lính lặng lẽ làm việc giúp người

08:27 | 18/03/2017
Gần 30 năm đã trôi qua, với người dân thôn Đông Viên (xã Đông Quang, Ba Vì) dường như đã quen với hình ảnh cụ già tóc bạc ngày ngày vá, sửa xe miễn phí cho mọi người. Cụ già đó chính là ông Đỗ Quang Mạc (80 tuổi, xóm Bãi, cụm dân cư số 5).
nguoi linh lang le lam viec giup nguoi Phòng khám tình nguyện U80
nguoi linh lang le lam viec giup nguoi 10 năm tình nguyện điều tiết giao thông
nguoi linh lang le lam viec giup nguoi Kỹ sư nông dân

Dù tuổi đã cao và bị tai biến nhẹ hai năm nay nhưng ông Mạc vẫn âm thầm làm công việc vá, sửa xe đạp, xe máy mà không lấy một đồng tiền công nào. Với người lính đã nghỉ hưu, công việc vá xăm hàng ngày không chỉ là đam mê mà còn là nguồn vui cho những năm tháng tuổi già.

Ông kể, từ năm 1990, khi về hưu, ông đã chọn nghề vá xăm xe đạp, thay hộ phụ tùng xe đạp cho mọi người nhưng không lấy tiền. Để làm công việc này, ông Mạc đã nhiều lần phải nói dối vợ con là “kiếm đồng ra đồng vào” để vợ con khỏi cấm.

nguoi linh lang le lam viec giup nguoi
Công việc sửa xe miễn phí của ông Mạc đã kéo dài gần 30 năm.

Thế nhưng gia đình cấm mãi cũng không được, ông vẫn cứ âm thầm làm việc thiện mà không nói với ai. Từ đó đến nay, cũng đã được 27 năm, ông gắn liền với cái bơm, cái xăm xe…, chưa bao giờ, quán sửa xe này đóng cửa.

Cứ ngày hai bận, không kể nắng mưa, quán ông đều mở cửa, sáng từ 7 giờ - 10 giờ 30, chiều từ 15 giờ, cứ có người bị hỏng xe đến vá xăm là ông giúp luôn. Tính sơ qua, mỗi ngày ông sửa, vá miễn phí cho 3 xe và suốt 30 năm qua, cả xóm Bãi này có tất thẩy 58 hộ dân thì tất cả xe hỏng của 58 hộ dân ấy đều qua tay ông sửa chữa.

Rồi tiếng lành đồn xa, chuyện ông Mạc sửa xe miễn phí không chỉ dừng lại ở quanh thôn Bãi, giờ đây nhiều người thôn khác, khi hỏng xe tiện đường cũng qua quán.

Không chỉ vá xe ở quán, có những xe hỏng bị hỏng trên đê, hỏng ngoài thôn, ông biết tin là ông lại “lóc cóc” xe máy đến giúp. Chính vì vậy, đồ nghề không chỉ được ông trang bị ở quán mà ngay cả trên chiếc xe máy cũ của mình, lúc nào ông cũng chuẩn bị đầy đủ đồ nghề. Nhiều người sửa chữa xong, ngại công ông vất vả, ngỏ ý muốn gửi tiền công, không thì coi như tiền nhựa vá nhưng chưa bao giờ ông Mạc chịu lấy.

Để có tiền nhựa, miếng vá, ông đã trích nguồn lương của mình, mỗi tháng từ 100.000 – 200.000 đồng để phục vụ công việc. Không chỉ vá xe miễn phí, có những nhà hoàn cảnh khó khăn quá, ông cũng không ngần ngại giúp đỡ, như với trường hợp nhà ông Đỗ Văn Mùi, có hai con đi học, xe hay hỏng, ông Mạc thấy vậy liền đi mua xe cũ về sửa lại cho hai cháu.

Ngoài ra, ông còn hay tặng bơm, tặng đồ nghề keo vá cho nhiều hộ trong xã để họ có thể tự vá xe mỗi lần bị hỏng. Tâm sự về những việc thiện mình làm, ông Mạc nói: “Tôi tính thương người, lại sẵn có tay nghề nên giúp mọi người giúp đỡ mọi người chút, chỉ mong có sức khỏe để giúp được nhiều người hơn”.

Kể về tấm lòng thơm thảo của ông, nhiều người dân xóm Bãi còn cho biết, vào năm 2001, khi nhân dân trong xóm còn nghèo, đường đi lầy lội, cũng chính ông Mạc đã đứng ra vận động mọi người trong xóm làm đường bê tông.

Thế nhưng vì kinh tế nghèo, người dân góp mãi không đủ sức, thế là ông quyết định cho mọi người trong xóm vay thêm 12 triệu đồng để bê tông hóa 150 m đường làng. Số tiền này ông cũng không có sẵn, phải trừ dần vào tiền lương hàng tháng của mình. Đến nay, dù nhiều hộ nghèo vẫn còn nợ tiền nhưng thấu hiểu cho hoàn cảnh của họ, ông cũng xóa nợ.

Ở cái tuổi xưa nay hiếm, đã bị tai biến nhẹ, gia đình đã nhiều lần ngăn ông làm việc, muốn ông nghỉ ngơi, thế nhưng vì coi đó là niềm vui cuộc đời, nên ông chưa chịu từ bỏ. Ông Mạc tâm sự: “Những năm tháng tuổi già, tôi chẳng mong gì hơn, chỉ mong giúp cho những gia đình ở quê có một cái xe tốt để đi, vì thế mà cố níu cái nghề ấy bên mình”. Có lẽ, không chỉ riêng với người dân xóm Bãi mà bất cứ ai khi nghe về câu chuyện của người lính già, đều thấy con người ấy thật đáng quý.

Hồng Hải

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này