Huyện Thường Tín:

Phát triển nhờ chuyển dịch cơ cấu kinh tế

18:31 | 16/03/2017
Ngay từ năm 2006, huyện Thường Tín đã xác định việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi trên diện tích trồng lúa kém hiệu quả là hướng đi đúng. Để tránh tình trạng chuyển đổi tự phát, manh mún, huyện đã quy hoạch vùng chuyển đổi và có định hướng cơ cấu cây trồng vật nuôi cho các vùng chuyển đổi, lựa chọn cây trồng, con nuôi thế mạnh để phát triển kinh tế như nhãn, bưởi Diễn, cam Canh, chuối tiêu hồng… Đến tháng 12/2016 toàn huyện chuyển đổi từ diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang các mô hình sản xuất có hiệu quả là 813 ha.
phat trien nho chuyen dich co cau kinh te Hiệu quả từ chuyển đổi cơ cấu kinh tế
phat trien nho chuyen dich co cau kinh te Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế

Nói về nội dung này, Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Nguyễn Tuấn Thịnh cho biết: Cơ cấu chuyển dịch nông nghiệp của huyện theo hướng xây dựng nền nông nghiệp chất lượng cao, đẩy mạnh phát triển ngành chăn nuôi theo hướng an toàn từng bước nâng cao tỷ trọng, phát triển thủy sản theo quy hoạch và đẩy mạnh các vùng sản xuất rau sạch ngắn ngày. Để làm được điều đó, huyện đã đẩy mạnh công tác dồn điền đổi thửa. Đến nay, tổng diện tích đất nông nghiệp đã dồn điền đổi thửa trên địa bàn là 4.546,2 ha đạt 105,7%; đã cấp 28.519 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau dồn điền đổi thửa đạt 99,8%.

phat trien nho chuyen dich co cau kinh te
Cơ sở sản xuất rau quả Thanh Hà_Mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện Thường Tín.

Bên cạnh đó, huyện đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi gắn với quy hoạch vùng sản xuất trong xây dựng nông thôn mới, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung như: Vùng sản xuất lúa hàng hóa ở các xã Thắng Lợi, Dũng Tiến, Văn Tự,…; vùng hoa cây cảnh ở xã Vân Tảo, Hồng Vân,…; vùng nuôi trồng thủy sản ở xã Thống Nhất, Thư Phú, Lê Lợi,… Đồng thời, chú trọng đầu tư, chuyển giao, sử dụng các kết quả khoa học – công nghệ trong nông nghiệp như giống cây con mới, mô hình liên kết 4 nhà, đẩy mạnh và đổi mới công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Theo ông Thịnh, huyện Thường Tín đã và đang xuất hiện nhiều cách làm hay, tư duy mới trong phát triển nông nghiệp hàng hóa, xây dựng thương hiệu nông sản gắn với thị trường tiêu thụ. Người dân đã tự tin hơn khi bắt tay làm giàu trên mảnh đất quê hương. Trên địa bàn huyện đã hình thành một số vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa có giá trị kinh tế cao như mô hình ứng dụng công nghệ nhà màng, nhà lưới để sản xuất rau chất lượng cao theo tiêu chuẩn Vietgap với doanh thu 2,5 tỉ đồng/ năm; mô hình khoai tây xã Dũng Tiến 18ha, sản lượng 12,5 tấn/ha đạt doanh thu 2,9 tỉ đồng/ vụ; mô hình Bầu xã Văn Phú đạt với doanh thu 12,6 tỉ đồng/ vụ; mô hình dưa chuột xã Dũng Tiến với năng suất 33,3 tấn/ha đạt doanh thu trên 10 tỉ đồng mỗi năm,…

Trong chăn nuôi, huyện thực hiện quy hoạch các vùng chăn nuôi tập trung xa khu dân cư theo quy hoạch nông thôn mới để thực hiện mô hình chăn nuôi, thả cá, kết hợp trồng cây ăn quả. Đồng thời đưa nhanh ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật và giống mới vào sản xuất. Đến nay, toàn huyện có 93 trang trại. Các trang trại và mô hình chuyển đổi đã mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất như nâng cao tỷ lệ lợn 3 máu ngoại, lợn hướng nạc (đạt 100%); phát triển chăn nuôi gia cầm siêu thịt, siêu trứng; triển khai mô hình bò siêu thịt BBB… nhờ đó nâng cao được giá trị sản xuất, giải quyết việc làm cho nhiều lao động trong xã.

Giá trị trung bình đạt từ 180 – 200 triệu đồng/ ha, nhiều trang trại, mô hình đạt trên 250 triệu đồng/ ha. Tiêu biểu như trang trại của ông Nguyễn Đình Viện doanh thu 6,6 tỉ đồng/ năm hay như hộ ông Chu Trọng Tiến xã Hồng Vân với mô hình chăn nuôi lợn thịt đạt doanh thu 8 tỷ đồng/ năm… Hiện tỷ trọng ngành chăn nuôi của huyện đang chiếm 42% giá trị sản xuất nông nghiệp.

Những kết quả trên, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín là sự nỗ lực của lãnh đạo và nhân dân huyện Thường Tín đã đồng lòng, sáng tạo trong sản xuất, thay đổi cách nghĩ, cách làm trước những diễn biến bất thường của thời tiết, dịch bệnh và giá cả thị trường. Đến nay, với việc tận dụng lợi thế, áp dụng khoa học công nghệ, đầu tư hạ tầng và giống nhiều hộ dân ở đây đã tạo được kinh tế ổn định từng bước vươn lên thoát nghèo.

Năm 2016, thu nhập bình quân trong huyện đạt 32,5 triệu đồng/ người/ năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn dưới 3,8%. “Có thể nói chuyển đổi cơ cấu cây trồng là một trong những cách làm hiệu quả, góp phần xóa đói giảm nghèo, giúp bà con nông dân làm giàu trên mảnh đất của mình” - ông Nguyễn Tuấn Thịnh khảng định.

Nguyễn Công

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này