Tích cực, chủ động thực hiện các biện pháp phòng cúm A/H7N9

20:16 | 03/03/2017
Mặc dù Việt Nam chưa ghi nhận có bất kỳ trường hợp nào bị nhiễm bệnh cúm A/H7N9, tuy nhiên, nguy cơ lan truyền dịch bệnh này ở nước ta lại rất lớn. Do vậy, người dân cần tích cực, chủ động thực hiện các biện pháp phòng dịch hiệu quả.
tich cuc chu dong thuc hien cac bien phap phong cum ah7n9 Các chợ dân sinh vẫn thờ ơ trước nguy cơ dịch cúm A/H7N9:
tich cuc chu dong thuc hien cac bien phap phong cum ah7n9 Chưa phát hiện người nhiễm cúm A(H5N1), (H5N6), (H7N9)

Đó là phát biểu của ông Đàm Xuân Thanh, Phó Cục trưởng Cục Thú Y – Bộ NN&PTNT tại buổi họp báo thường kỳ tháng 3/2017. Ông Thanh cho biết, Bộ NN&PTNT kết hợp với Bộ Y tế đang tích cực thực hiện các biện pháp phòng ngừa dịch cúm A/H7N9.

Theo Phó Cục trưởng Cục Thú Y, hiện tại Việt Nam chưa ghi nhận có bất kỳ trường hợp nào bị nhiễm bệnh cúm A/H7N9 nguy hiểm ở trên người. Tuy nhiên, nước ta lại có đường biên giới giáp danh với Trung Quốc. Việc buôn bán, giao thương, đặc biệt là việc buôn bán gia cầm nhập lậu có nguy cơ lan truyền dịch bệnh rất lớn.

tich cuc chu dong thuc hien cac bien phap phong cum ah7n9

Toàn cảnh họp báo thường kỳ tháng 3/2017 của Bộ NN&PTNT

Ông Đàm Xuân Thanh phân tích, hiện nay các ca bệnh cúm A/H7N9 ở Trung Quốc đang gia tăng đột ngột, cao hơn nhiều so với các năm trước. Xuất hiện nhiều ca bệnh ở các tỉnh Vân Nam, Quảng Đông, là nơi có đường biên giáp với Việt Nam. Virus H7N9 cũng đã gia tăng về độc lực. Trong khi đó việc kiểm soát, ngăn chặn gia cầm nhập lậu vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Vẫn còn tồn tại tình trạng nhập lậu gia cầm và các sản phẩm qua các lối mòn, đường ngách mà các lực lượng tuần tra còn chưa kiểm soát hết.

Bên cạnh đó, đặc điểm của virut gây cúm A/H7N9 là chúng có khả năng biến đổi rất gen nhanh và độc tính rất cao. Đối với gia cầm mang H7N9 không hề có các biểu hiện ốm yếu như khi mắc virus H5N1, do đó người nuôi, giết mổ có thể rất chủ quan. Virus H7N9 cũng chưa có vắc xin dự phòng trên gia cầm như H5N1. Tỷ lệ tử vong của các ca bệnh H7N9 cũng rất cao.

Bởi vậy, ông Đàm Xuân Thanh khuyến cáo, cùng với các cấp ban ngành chức năng, người dân cũng nên chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh hiệu quả. Cụ thể, người dân cần phải mua và sử dụng gia cầm có nguồn gốc rõ ràng. Không tham rẻ, lấy thực phẩm gia cầm kém chất lượng để tự rước bệnh vào người. Nên mua những loại thực phẩm gia cầm có kiểm dịch của cơ quan thú y.

tich cuc chu dong thuc hien cac bien phap phong cum ah7n9

Ông Đàm Xuân Thanh, Phó Cục trưởng Cục Thú Y- Bộ NN&PTNT phát biểu tại họp báo.

Đặc biệt, người dân tuyệt đối không nên ăn tiết canh gia cầm, như tiết canh ngan, vịt… “Ngay đến các loại dụng cụ đã dùng giết mổ, chế biến thịt gia cầm cần rửa sạch, sát khuẩn bằng cách rửa xà phòng và luộc lại nước sôi” – ông Thanh nhấn mạnh.

Còn đối với những hộ đang chăn nuối gia cầm, theo Phó Cục trưởng Cục Thú y, người chăn nuôi cần khử trùng tiêu độc chuồng trại, mua giống dảm bảo rõ nguồn gốc để tránh gia cầm nhiễm bệnh.

Ông Thanh lưu ý, hiện nay đã có vắc xin phòng dịch cúm AH5N1 và H5N6 bởi vậy người chăn nuôi nên chủ động tiêm phòng để ngăn ngừa dịch hiệu quả. Với những trang trại có gia cần chết vì dịch bệnh, thì cần nhanh chóng báo cơ quan thú y để kịp thời tiêu hủy, tránh để cho dịch bệnh lây lan gây nguy hiểm.

Minh Khuê

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này