Trần Lập – những nốt nhạc còn mãi

14:54 | 28/02/2017
Con đường nghệ thuật của Trần Lập không dài, nhưng dấu ấn anh để lại đủ truyền cảm hứng cho một thế hệ thanh niên những năm đầu thập niên 2000 về lối sống tích cực, lạc quan và có ích. Tinh thần yêu đời, kiên cường ấy của Trần Lập vẫn luôn sống mãi trong những lời ca, giai điệu anh từng hát năm nào.
tran lap nhung not nhac con mai Như đã hẹn, cùng gặp lại Trần Lập
tran lap nhung not nhac con mai Về nơi an nghỉ của cố nhạc sĩ Thanh Tùng và Trần Lập
tran lap nhung not nhac con mai Chào anh nhé, Trần Lập!

Trần Lập – “Hẹn gặp lại”

Với giới sinh viên Hà Nội nói riêng, khán giả nói chung, khoảng nửa cuối thập niên 1990 và đầu những năm 2000, cái tên Trần Lập và ban nhạc Bức tường là hiện tượng đã để lại dấu ấn đẹp, sâu đậm trong ký ức một thời tuổi trẻ. Những đêm nhạc của anh bao giờ cũng chật kín khán giả. Họ đến để được cháy hết mình với những bản nhạc rock đầy mạnh mẽ nhưng ca từ giàu ý nghĩa, tràn đầy nhiệt huyết sống của Trần Lập và đêm nhạc “Trần Lập - Hẹn gặp lại” diễn ra vào tối ngày 26/2 tại cung Quần Ngựa, Hà Nội vừa qua cũng vẫn hệt như sự diện diện đầy đủ của ban nhạc Bức Tường ngày nào. Tại đêm diễn này, khán giả không chỉ gặp lại anh mà còn được gặp lại tuổi thanh xuân của chính mình. Hơn một năm sau liveshow Đôi bàn tay thắp lửa, Trần Lập đã trở lại đúng như lời hứa: “Hẹn gặp lại” trước lúc ra đi. Hơn 1000 khán giả đã được sống trọn vẹn một thời thanh xuân đầy đam mê, chìm đắm trong những dịu ngọt, diết da cháy bỏng của tình yêu và hừng hực những khát khao dâng hiến cho đời. Trong ba tiếng đồng hồ, họ đã được cười, được gào thét cuồng nhiệt và thậm chí lặng lẽ rơi những giọt nước mắt khi nhớ đến Trần Lập. Anh đã truyền cảm hứng để họ nhận ra giá trị của thanh xuân, giá trị của cuộc đời.

tran lap nhung not nhac con mai
Con đường nghệ thuật của Trần Lập không dài nhưng dấu ấn anh để lại đủ truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ.

Đêm nhạc “Trần Lập - Hẹn gặp lại” không chỉ tôn vinh sự nghiệp và những cống hiến của Trần Lập trong suốt hơn 20 năm qua mà còn mong muốn truyền đi những thông điệp giàu cảm hứng của anh, thông điệp về nghị lực và khát vọng sống, hướng mọi người đồng lòng “vì một cộng đồng khoẻ mạnh”. Trần Lập đã trở lại. Nhưng không phải bằng xương thịt. Tinh thần của Trần Lập đã được những đồng đội của anh trong ban nhạc Bức tường cùng các nghệ sĩ thể hiện và truyền tải một cách vẹn nguyên tới công chúng. Và khán giả đến cung Quần Ngựa không phải để nghe Trần Lập hát, cũng không hẳn đến để tưởng niệm anh hay để hồi ức anh. Họ đến để hồi ức về tuổi thanh xuân của chính mình. Tuổi thanh xuân gắn liền với những “Bông hồng thủy tinh”, “Mắt đen”, “Cây bang”, “Cơn mưa tháng 5” hay “Tiếng gọi”. Tuổi thanh xuân được truyền cảm hứng từ người chiến binh mang tên Trần Lập.

Anh Trần Minh Tùng - kỹ sư công nghệ thông tin cho hay: “Tôi biết đến Trần Lập cùng ban nhạc Bức Tường từ những năm cấp 3. Những năm tuổi thanh xuân đó, âm nhạc của anh đã truyền cảm hứng cho tôi rất nhiều. Thông thường những bản nhạc rock có chút gì bất mãn với thời cuộc nhưng cái cách phản kháng của Trần Lập mang tính tích cực, xây dựng tốt đẹp hơn. Những ban nhạc rock khác thường gào thét và sáo rỗng chỉ để ý phong cách bề ngoài, lời lẽ chưa trau chuốt thì Trần Lập lại đi sâu vào ca từ. Ngoài ra, tôi rất nể phục tinh thần của anh Lập trong công việc cũng như cuộc sống. Hình ảnh anh ngồi trên sân khấu Đôi bàn tay thắp lửa đã gây xúc động khiến tôi hình dung anh như một chiến binh luôn “cháy” trên sân khấu”.

Âm nhạc của anh luôn còn mãi

Không chỉ những bài hát nổi tiếng trên, mà còn có các sáng tác hướng về cộng đồng và số phận không may trong xã hội như “Đôi bàn tay”, “Niềm tin cho cát bụi”…khẳng định cá tính khác biệt và “đẳng cấp” cho Trần Lập cùng Bức Tường so với các nhóm rock cùng thời. Trần Lập cũng thành công khi đưa nhạc dân gian Việt Nam vào rock, tiêu biểu như “Bài ca sông Hồng” sử dụng âm thanh của đàn tính, mang âm hưởng đồng bằng Bắc Bộ, ra khơi thổi làn gió mới vào dân ca Nam Bộ Lý kéo chài. Bên cạnh đó, những sáng tác mang tính sử thi theo cốt truyện dân gian như Người đàn bà hóa đá (từ Sự tích nàng Tô Thị), Chuyện tình của Thủy Thần (truyện Sơn Tinh Thủy Tinh), Dấu vết nghiệt ngã (chuyện An Dương Vương xây thành Cổ Loa)... cũng đã ghi dấu giọng ca sinh năm 1974 vào làng rock Việt đương đại.

Trần Lập (tên đầy đủ là Trần Quyết Lập) sinh ngày 12/12/1974 tại Nam Định. Anh là nhạc sĩ và ca sĩ chính của ban nhạc Rock Bức Tường, hoạt động từ năm 1995 tới 2006. Ngày 17/3/2016, sau một thời gian chống chọi với bệnh ung thư trực tràng, Trần Lập đã ra đi mãi mãi để lại niềm thương tiếc vô hạn cho khán giả.

Âm nhạc và cuộc đời Trần Lập là một sự nhất quán cao để khi tìm đến, ai cũng có thể thấy trong đó ngọn lửa đam mê, tình yêu cuộc sống mãnh liệt. Nhìn lại cuộc đời 42 năm của anh, có thể thấy âm nhạc và con người anh như hòa quyện làm một. Cuộc đời phong trần, bươn chải đã định hình một phong cách âm nhạc Trần Lập. Ngược lại, từ âm nhạc, người ta hiểu hơn về một con người luôn dám ước mơ, dám theo đuổi hoài bão, biến điều không thành có. Các bài hát vừa hừng hực khí thế, vừa gợi nhiều suy tư, trăn trở và màu sắc chủ đạo vẫn luôn là sự lạc quan, tin vào tình yêu, cuộc sống, ý chí, bản lĩnh của mỗi con người. Ca từ của anh không bi quan và không có những nỗi buồn, thương ủy mị. Ở đó là lời nhắn nhủ tuổi trẻ đối mặt với cuộc sống, tình yêu với một thái độ sống tích cực. Ở đó, chất bụi bặm của cuộc đời, sự trong veo, phóng khoáng của tuổi trẻ kết tinh nên những “Bông hồng thủy tinh” đẹp nhất. Ở đó, những “Tâm hồn của đá” không có chỗ trụ ngụ, bởi anh muốn sức nóng của bầu nhiệt huyết trong các ca khúc của mình có thể phá tan lớp băng phủ lên sự vô cảm. Âm nhạc của Trần Lập cùng Bức Tường sẽ mãi truyền cảm hứng theo thời gian, không chỉ vì giai điệu vừa sâu lắng vừa máu lửa, mà còn bởi ca từ giàu tính nhân văn, hướng con người đến suy nghĩ và mục đích tốt đẹp.

Phương Bùi

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này