Gần 50% lao động làm việc không phù hợp với trình độ:

Lệch pha cung - cầu

19:44 | 14/02/2017
Điều tra của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về việc chuyển tiếp từ trường học đến việc làm của thanh niên Việt Nam từ 15-29 tuổi cho thấy còn tồn tại sự không phù hợp với yêu cầu công việc, chưa tận dụng hết tiềm năng lao động và việc làm chất lượng thấp.
lech pha cung cau Lao động làm việc ở ngoài bỏ trốn xử lý thế nào?
lech pha cung cau Nhiều doanh nghiệp tuyển dụng lao động sau Tết

Từ 6 đến 18 tháng mới tìm được việc làm

Được Tổng cục Thống kê thực hiện trong năm 2015 với sự hỗ trợ của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), kết quả điều tra vừa được công bố cuối tháng 1.2017 cho thấy mối tương quan chặt chẽ giữa trình độ học vấn và thời gian chuyển tiếp sang thị trường lao động của thanh niên.

lech pha cung cau
Nhu cầu tìm việc trong sinh viên mới tốt nghiệp ở mức cao

Theo ILO, hầu hết các thanh niên được khảo sát đều đã từng đi học hoặc tham gia một chương trình đào tạo (đối tượng này chiếm 97,5% năm 2015); khoảng một nửa thanh niên (32,7%) nhập học năm 2015; số còn lại có 35,9% chưa hoàn thành chương trình học và 28,9% đã thôi học trước khi tốt nghiệp.

Kết quả điều tra chuyển tiếp từ trường học đến việc làm cho thấy mối tương quan chặt chẽ giữa trình độ học vấn và thời gian chuyển tiếp sang thị trường lao động của thanh niên: Các bạn trẻ có trình độ đại học cần trung bình 7,3 tháng để chuyển tiếp từ trường học sang công việc ổn định và thấy hài lòng đầu tiên, trong khi đó thời gian này cho người có trình độ trung học phổ thông là 17,8 tháng.

Điều tra chuyển tiếp từ trường học đến việc làm của ILO được thực hiện tại 53 quốc gia từ năm 2012 đến 2016 và khảo sát 2 lần tại một số nước.

Tại Việt Nam, đợt đầu tiên được thực hiện trong năm 2012-2013 với mẫu khảo sát là hơn 2.700 thanh niên và đợt thứ hai trong năm 2015 với hơn 2.200 mẫu khảo sát.

Khoảng hơn một nửa thanh niên có việc làm đã được đào tạo đầy đủ cho công việc họ đang làm (50,5% lao động (LĐ) trẻ có bằng cấp phù hợp với yêu cầu công việc). Tuy nhiên, không phải tất cả thanh niên được đào tạo đều có thể tìm thấy công việc phù hợp với trình độ của họ; 26% LĐ trẻ có trình độ học vấn cao hơn yêu cầu công việc mà họ đang làm. Mặt khác, trình độ thấp hơn yêu cầu trong LĐ trẻ vẫn là một vấn đề tại Việt Nam khi có tới 23,5% LĐ trẻ nằm trong nhóm này.

Từ góc độ thị trường LĐ, thông tin về thị trường LĐ Việt Nam trong quý 3/2016, Viện Khoa học Lao động Xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cho biết, quý 3/2016, cả nước có hơn 1,1 triệu LĐ trong độ tuổi LĐ bị thất nghiệp.

Khảo sát của nhóm nghiên cứu cũng cho thấy, tỉ lệ thất nghiệp cao nhất ở nhóm có trình độ cao đẳng chuyên nghiệp với 8,36%, tăng mạnh so với quý trước. Tiếp theo là nhóm đại học trở lên (4,22%) và trung cấp chuyên nghiệp (3,79%). Tỉ lệ thất nghiệp thanh niên là 7,86%, tăng so với quý 2/2016 và cùng kỳ năm 2015. Riêng tỉ lệ thất nghiệp trong thanh niên thành thị là 8,78%, gấp gần 4 lần tỉ lệ thất nghiệp chung (2,34%).

"Điều này có nghĩa là doanh nghiệp đang chưa tận dụng hết tiềm năng, năng suất của nhiều LĐ trẻ, mặt khác lại không thể hoạt động ở mức năng suất lao động tối đa của mình bởi họ tuyển dụng LĐ thiếu khả năng." Giám đốc ILO Việt Nam Chang-Hee Lee giải thích. Cũng theo ông Chang-Hee Lee, sự không phù hợp với yêu cầu công việc có thể tạo ra gánh nặng lên từng cá nhân, doanh nghiệp và toàn xã hội.

Đáng chú ý là gần 2/3 (khoảng 64,2%) sinh viên theo khảo sát của ILO nói thích làm việc trong khu vực nhà nước. Sự lựa chọn này theo các chuyên gia về lao động việc làm của ILO cũng dễ hiểu bởi việc làm trong khu vực nhà nước có sự hấp dẫn do tính ổn định, nhưng khả năng cung cấp việc làm cho một số lượng lớn lao động trẻ ở khu vực này có giới hạn.

Chưa tận dụng hết tiềm năng của LĐ trẻ

Điều tra chuyển tiếp từ trường học đến việc làm cho thấy tỉ lệ không tận dụng được hết tiềm năng của lực lượng LĐ trẻ ở mức cao (43,1% năm 2015). Năm 2015, tỉ lệ này gồm 34% thanh niên làm các công việc không thường xuyên – nghĩa là các công việc tự làm hoặc làm các công việc hợp đồng có thời hạn dưới 12 tháng, 4,2% thất nghiệp và 4,9% LĐ trẻ không còn là học sinh/sinh viên nhưng cũng không tham gia hoạt động kinh tế.

Đáng chú ý là trình độ học vấn càng cao thì tỉ lệ thất nghiệp càng cao. Tỉ lệ thất nghiệp của thanh niên có trình độ đại học là 4,7%, trong khi tỉ lệ này ở thanh niên tốt nghiệp trung học phổ thông là 3%. Tỉ lệ thất nghiệp cao nhất trong năm 2015 thuộc nhóm thanh niên có trình độ tiểu học (6,4%).

Theo thống kê của ILO, mặc dù đa số LĐ trẻ (58,6%) làm công việc được trả lương, hơn 1/3 thanh niên vẫn làm những công việc dễ bị tổn thương như LĐ tự làm hoặc LĐ làm cho gia đình không được trả lương; và gần một nửa thanh niên làm việc được trả lương nhưng không có hợp đồng bằng văn bản.

Từ thực tế của Việt Nam, Giám đốc ILO Việt Nam Chang-Hee Lee nhận định. "Nhiều LĐ trẻ ở Việt Nam đang ở trong tình trạng không được bảo vệ ở nơi làm việc, đồng thời nhiều người khác cũng không tìm được những kiến thức, kỹ năng phù hợp từ ghế nhà trường để làm việc trong thị trường lao động hiện tại."

Vì vậy, ILO kêu gọi cần tăng cường sự phối hợp giữa Chính phủ, Công đoàn và doanh nghiệp để đẩy mạnh phát triển việc làm cho thanh niên và phát triển kinh doanh với khu vực tư nhân. Đây được coi là đầu tầu kiến tạo việc làm, giải quyết việc làm cho LĐ trẻ.

Bảo Duy

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này