Để cái đẹp, cái thiện được tỏa sáng

20:36 | 24/01/2017
Trong cái se lạnh của những ngày cuối đông, chuẩn bị đón xuân sang, bên ly trà nóng, mấy cụ già khu phố tôi trầm ngâm: “Nhà báo này, không hiểu chuyện gì đang xảy ra, nhưng cứ mỗi lần mở mạng ra đọc là đầy rẫy những tin tiêu cực; thậm chí ngay giới học đường cũng ra rả tin các học sinh nữ đánh nhau toàn vì những chuyện không đâu vào đâu”.
de cai dep cai thien duoc toa sang “Cuộc chơi” của tình bạn đầy thi vị
de cai dep cai thien duoc toa sang Nâng cao hiệu quả đối thoại tại nơi làm việc
de cai dep cai thien duoc toa sang Nét đẹp của lớp học tình thương

Tôi không biết giải thích thế nào, chỉ nói các cụ à, xã hội nào cũng thế, thời buổi xa lộ thông tin, chỉ cần một cái hắt xì hơi nhẹ, mấy phút sau đã nhan nhản tin trên mạng. Tuy nhiên, điều không thể phủ nhận, đúng là đạo đức xã hội đang có vấn đề và nhiệm vụ của chúng ta là phải đề cao cái đẹp, cái thiện để dần đẩy lùi những thói hư, tật xấu…

Chia tay các cụ sau tuần trà muộn ra về, lòng hỏi lòng điều gì đang dung túng cho cái ác lên ngôi? Phải chăng nó là hệ quả của xa lộ thông tin đang bùng nổ ở mức chưa từng có với sự bon chen của cơm, áo, gạo, tiền và ước muốn làm giàu bằng mọi giá của một bộ phận trong chúng ta?

de cai dep cai thien duoc toa sang
Mỗi người hãy luôn sống tốt, sống tử tế để trẻ em ngày mai được đón nhận những gì tốt đẹp nhất

Thực ra thời kỳ nào cũng vậy, thiện - ác là hai yếu tố luôn song hành. Vấn đề ở chỗ thời kỳ nào thì thiện nhiều hơn ác và ngược lại. Chỉ có điều, trong thời kỳ bùng nổ thông tin với sự xuống cấp của đạo đức xã hội, “guồng máy” thông tin đã cố tình khai thác những tin giật gân để câu khách và chính điều này vô tình đã cổ xủy cho những thứ ví rút “xấu xa” lan truyền trên mạng và cả đời sống xã hội.

Thử hỏi, một ngày mở mạng ra đọc, hết tin ông kia tham nhũng, người kia bỏ tù vì án oan sai, thanh niên lao vào đánh nhau chỉ vì cái nhìn không thiện chí ở quán nhậu, học sinh nữ đánh nhau như “phim chưởng” rồi quay video đưa lên mạng cũng chỉ vì chữ “tình”… thì ai mà không khỏi “lắc đầu” ngán ngẩm.

Chẳng thế mà gần khu tôi ở, có cậu 5 năm về trước học rất giỏi lại ngoan, bẵng đi thời gian giờ thấy cậu tóc thì nhuộm, còn đeo cả khuyên tai, thuốc lào, thuốc lá phì phèo trông rất “ngầu”. Hỏi anh bạn, con anh giờ làm gì?. “Làm ông tướng, nó bỏ học đú đởn với bạn bè”- anh trả lời.

Rồi anh kể, từ ngày sắm cho nó cái máy tính xách tay, chẳng thấy học đâu, cứ thấy theo bạn bè ăn chơi, đàn đúm. Khuyên thì nó bảo, ôi giời bố cứ vào mạng mà xem, xã hội này cần mỗi tiền, học hành cũng chỉ để kiếm tiền… thế là trượt dốc không phanh! Tuy nhiên, trong cái u ám của bức tranh xã hội như nhiều người vẫn nghĩ, tôi vẫn thấy bừng lên những gam sáng, mà nếu ai biết khơi dậy, nó sẽ tỏa sáng cho cả bức tranh sặc sỡ sắc xuân thì.

Này nhé, nếu chúng ta cứ mãi đổ lỗi cho xã hội, cho sự bùng nổ của thông tin thì e rằng quá cực đoan. Sinh thời, Hồ Chí Minh từng dạy “phần nào do giáo dục mà nên”. Bởi thế, cũng gần khu tôi ở, có cặp vợ chồng rất nghèo. Chồng làm nghề xe ôm, vợ bán nước chè quán cóc… đời sống có thể nói là khá chật vật.

Thế nhưng, đứa con trai đầu lòng của anh chị thì lại rất tuyệt vời. Ngoan và học rất giỏi, sau khi tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội, cậu được một công ty của Nhật mời làm và hiện đang làm việc tại Nhật Bản. Chẳng biết lương bao nhiêu, song nghe anh chị nói, mỗi tháng cháu biếu bố mẹ 10 triệu đồng, sửa nhà, công việc lớn nhỏ của gia đình giờ cháu tự lo.

Khi tôi hỏi, bí quyết gì khiến cháu ngoan như vậy? Anh chỉ trả lời: Khi cháu học cấp 2, tôi chỉ nói, bố mẹ nghèo, nhưng sẽ làm hết sức những gì có thể để cho con học. Con không học để thành người thì đó là lỗi của con. Chỉ vậy thôi, và cũng may vì thấy bố, mẹ nghèo nên cháu luôn chăm học, không đua đòi theo các bạn.

Kể ra hai câu chuyện trên và ngẫm lại những thói hư, tật xấu trong xã hội; đặc biệt là không ít giới trẻ bây giờ, cậy bố mẹ có tiền nên ăn chơi lểu lổng, tôi thầm nghĩ như lời một nhà văn từng viết: “Có người cho con tiền triệu để rồi chúng trở nên hư hỏng, nếu không biết cách giáo dục, song có người chỉ đầu tư cho con tiền trăm bằng tất cả trái tim để rồi chúng trở thành những con người tử tế”.

Và trong cái dòng chảy bất tận của thời gian, khi những mặt tối của xã hội vì nhiều lý do đang có chiều hướng gia tăng; đặc biệt lại được sự “cổ xúy” từ sự bùng nổ công nghệ thông tin với sự ra đời của các trang mạng xã hội, vấn đề này càng trở nên trầm trọng hơn bao giờ hết.

Hoàn cảnh nào, môi trường nào sẽ ra tạo những số phận và con người ấy, trong mớ hỗn loạn của thông tin, nếu ai đó vô tình hay cố ý cứ chạy theo những thông tin dật gân, câu khách thì rốt cuộc cũng chẳng đi đến đâu mà quan trọng phải cùng chung tay phát hiện ra những cái tốt, cái đẹp để đưa lên nhằm góp phần cho xã hội ngày trở nên tốt đẹp hơn, tự tin hơn và không còn sự bi quan.

Những ngày cuối năm, các tỉnh miền Trung ngập chìm trong nước lũ, mỗi chúng ta ai không khỏi xúc động khi hay tin những cô giáo ở Phú Yên sẵn sàng hy sinh mình để cứu học sinh thoát con nước lũ; ai trong chúng ta không mủi lòng với tinh thần “lá lành đùm lá lách” cùng nhau ủng hộ đồng bào để những dòng xe thiện nguyện nối dài cứ ùn ùn hướng tới khúc ruột miền Trung.

Ngay với bản thân tôi, một người làm báo, nhưng mỗi lần đưa những tờ báo về biếu hàng xóm, không ít người cảm kích và đề nghị báo hãy đăng tải nhiều hơn về những tấm gương người tốt, việc tốt, những tấm gương khởi nghiệp cho thanh niên.

Nhớ lại những ngày đầu tháng 11/2016, LĐTĐ có đăng hàng loạt bài về những chân dung khởi nghiệp trong chuyên mục “Người tốt, việc tốt” - khi biếu anh bạn có con “tóc nhuộm, tai đeo khuyên” như đề cập ở trên, anh vừa tỏ ra ngỡ ngàng, vừa tỏ ra khâm phục. Anh nói “tao phải đưa cho thằng giời đánh này nó đọc mới được”.

Thời gian thấm thoát trôi đi, một ngày cuối năm, ngồi cùng anh uống trà (cách thời điểm anh phàn nàn chuyện con 2 tháng), tôi lại hỏi: Cháu nó sao rồi? “Ôi giời, nó chả nói gì, nhưng thấy loáng thoáng nói với mẹ, mẹ hãy tin con, con sẽ làm tất cả để mẹ không thất vọng vì con”- anh cho hay.

Và được biết, hiện “chàng” đang lao vào con đường khởi nghiệp kinh doanh bằng việc mở quán bán lẩu. Với tôi, chẳng biết, cu cậu chuyển biến thế nào, nhưng giờ đây thấy tóc không còn nhuộm, khuyên tai đã được gỡ bỏ, gặp tôi, cậu bảo “chú hôm nào đến quán của cháu thưởng thức lẩu nhé”- tôi tủm tỉm cười. Lòng thấy trào dâng niềm vui…

Hóa ra, trong xã hội ngỡ tưởng xám xịt ấy, vẫn còn nhiều và rất nhiều những tấm gương xứng đáng để ngợi ca. Điều quan trọng, muốn xã hội ngày một đẹp hơn, bên cạnh những việc nâng lên những tấm gương đẹp, tâm gương tiêu biểu bằng nhiều hình thức (trong đó kênh thông tấn, báo chí đóng vai trò quan trọng) thì mỗi cá nhân bao gồm người có chức, có quyền; phụ huynh, thầy cô phải luôn luôn sống đẹp, sống tử tế để nhân dân và con trẻ noi theo. Có làm cho cái đẹp, cái thiện được tỏa sáng thì xã hội mới ngày càng trở nên tốt đẹp hơn.

Lê Hà

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này