Chuyện về người giữ lửa làng nghề

16:39 | 19/01/2017
Dáng người cao gầy, giọng nói ấm áp và đôi mắt luôn ánh lên ngọn lửa yêu nghề, đó là ấn tượng đầu tiên khi tiếp xúc với nghệ nhân Đỗ Quang Hùng,74 tuổi của làng lụa Vạn Phúc - Hà Đông. Với hơn nửa đời người gắn bó, miệt mài với lụa, trải qua bao thăng trầm trong nghề, đến nay ông đã xây dựng được thương hiệu lụa “Hùng Loan Silk” danh tiếng.
chuyen ve nguoi giu lua lang nghe Thăm làng gốm Bát Tràng
chuyen ve nguoi giu lua lang nghe Phong phú sản phẩm làng nghề truyền thống

Nặng tình với lụa

Theo tương truyền, nghệ dệt lụa của làng lụa Vạn Phúc do bà tổ Lã Thị Nga khai mở nghề dệt và truyền dạy cho người dân cách trồng dâu nuôi tằm, se tơ, dệt vải. Từ những cách dệt thủ công rồi với máy 50 kim ban đầu đến nay làng đã có máy 1.200 kim tiếp đến 2.000 kim với khoảng 1.092 hộ đang sản xuất và kinh doanh các sản phẩm về lụa. Trong đó, các mặt hàng lụa sa tanh là mặt hàng truyền thống lâu đời nhất của làng. Hiện loại lụa này đang trở thành quý phẩm của làng bởi nó được làm bằng 100% chất liệu tơ tằm với các đường nét hoa văn cầu kỳ và hiện ở Vạn Phúc cũng chỉ còn rất ít nhà sản xuất loại lụa này vì năng suất thấp và cần sự tỉ mẩn.

chuyen ve nguoi giu lua lang nghe
Ông Hùng giới thiệu các mẫu lụa do gia đình mình sản xuất.

Biết quay tơ giúp mẹ từ năm 10 tuổi, được truyền nghề bằng cả tâm huyết và khát vọng của người cha trong những năm chiến tranh khốn khó vừa dệt vải vừa chạy càn của giặc Pháp, sau bao biến cố cuộc đời từ cầm súng chiến đấu bảo vệ tổ quốc, đến cán bộ phòng văn hóa thông tin, nhưng ông Hùng vẫn đau đáu về tiếng thoi đưa mỗi chiều tan sở của mẹ. Theo ông Hùng vào những năm đầu của thế kỷ 20, bà ngoại ông đã mang sản phẩm của mình là Cty lụa Hồng Vân sang Pháp tham dự hội chợ. Cũng từ những năm đó, sản phẩm của gia đình ông đã có mặt tại Hà Nội, Sài Gòn, Hải Phòng với hàng chục gian hàng lớn nhỏ.

Năm 1992, kinh tế đất nước mở cửa, các doanh nghiệp có điều kiện được tự do buôn bán phát triển, sau khi nghỉ chế độ, vợ chồng ông đã đi vay khoảng 40 triệu đồng mua khung cửi, mua tơ mở lại xưởng dệt. Và ông trung thành với lối dệt thủ công từ nhiều đời của các cụ truyền lại mặc dù rất nhiều nhà trong làng đã sử dụng máy móc hiện đại để thay thế. Hiện với xã hội phát triển, các máy dệt hiện đại đã giúp họ giải quyết được các vấn đề như chọn và pha màu và thiết kế mẫu. Trong khi đó, để có được những vuông vải đẹp với hoa văn và màu tự nhiên, ông Hùng phải tỉ mẩn, kiên trì học hỏi sáng tạo các chi tiết hoa văn vừa độc đáo vừa ấn tượng. Nhiều đêm ông phải thức trắng để pha trộn tìm các màu phù hợp với hoa văn. Từ sự mày mò tự học hỏi kinh nghiệm thực tế và các phương thức gia truyền của các cụ xưa, ông đã tạo ra được những vuông lụa bền đẹp, nổi tiếng với hoa văn, đường nét không rườm rà, phức tạp, nhưng lại phóng khoáng và kiêu sa.

Năm 2010, sản phẩm lụa mang thương hiệu Hùng Loan của gia đình ông đi tham gia cuộc thi các làng nghề thủ công truyền thống kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội đã đứng đầu về các sản phẩm lụa tơ tằm tham gia cuộc thi và đoạt giải B. Điều này đã khích lệ và khẳng định con đường mà ông đang đi là đúng, vì đã bảo tồn và phát triển được thượng hiệu của làng nghề truyền thống. Những sản phẩm của nhà ông làm ra luôn đạt tới mức hoàn mỹ với độ bền, mềm, mịn và thẩm mỹ tinh tế với các hoa văn sang trọng.

Với phương châm sản phẩm chất lượng và uy tín thì tiếng lành sẽ đồn xa khi đó khách hàng sẽ tìm đến mình, do vậy nghệ nhân Đỗ Quang Hùng không mở cửa hàng kinh doanh như các gia đình khác. Vợ chồng ông đã dùng ngay chính ngôi nhà trong ngõ sâu của mình ở để làm nơi sản xuất và bán sản phẩm. Trong thời đại công nghiệp phát triển với những máy móc hiện đại thì vẫn còn những làng nghề truyền thống được duy trì và phát triển.

Muốn giữ nghề phải có tâm với nghề

Theo ông Hùng, làm nghề này ngoài yêu nghề còn cần sự tỉ mỉ từ chọn kén tốt để có những sợi tơ đẹp, óng và dai. Để có nguồn hàng như tơ 7 kén 1 sợ xe 3, hoặc 7 kén xe 2, ông phải vào tận vùng nguyên liệu tơ tằm Bảo Lộc (Lâm Đồng) chọn mua sản phẩm. Ông Hùng cho rằng chất lượng tơ tốt mới cho ra đời những vuông vải đẹp và như vậy giá thành từ nguyên liệu đầu vào đã đắt gấp đôi, thậm chí gấp 3 so với các loại tơ thường.

chuyen ve nguoi giu lua lang nghe

Ông Hùng cho biết, để có một tấm vải đẹp đến tay người dùng, người thợ ngoài việc phát huy truyền thống, kinh nghiệm của cha ông để lại cần không ngừng học hỏi , tìm tòi để sản xuất ra những sản phẩm ngoài chất lượng còn đáp ứng được cả thẩm mỹ. Đặc biệt như đối với những vuông lụa có họa tiết tới 34 ô kẻ với nhiều màu sắc ngang dọc khác nhau, người thợ phải mắc cửi nhiều lần và trong quá trình dệt phải tập trung cao độ. Trung bình mỗi ngày xưởng nhà ông chỉ dệt được 5m lụa, nhưng nêu phải thay đổi và mắc cửi nhiều lần thì chỉ dệt được 2-3m/ngày do cứ hết họa tiết lại phải thay thoi.

Do phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình và làm việc tỉ mẩn để có những vuông vải chất lượng tốt thì cũng đòi hỏi người thợ phải có tay nghề cao và mức lương cũng phải thỏa đáng với công sức của họ. Một mét lụa của xưởng ông bán ra thị trường giá cũng đắt hơn nhiều lần (khoảng 350.000đ/m) so với các mặt hàng cùng loại. Nhưng hàng nhà ông làm ra bao nhiêu bán hết bấy nhiêu, nhiều khi không đủ hàng ông phải cáo lỗi và hẹn khách hàng dịp khác. Ông cho biết, hiện sản phẩm của Hùng Loan đã tiếp nối và phát huy được danh tiếng của Hồng Vân xưa kia có mặt ở nhiều nước trên thế giới trong đó có các kinh đô thời trang lớn. Cùng đó, nhiều nhà may lớn trong nước đã coi xưởng của gia đình ông là “địa chỉ đỏ” khi tìm đến các sản phẩm lụa cao cấp.

Vĩ thanh

Nhưng hiện ông Hùng cũng rất trăn trở với sự phát triển của làng nghề, ông cho biết hiện chính quyền đã đầu tư 250 tỉ đồng để duy trì, trùng tu và bảo tồn làng lụa Vạn Phúc theo hướng phát triển làng nghề cùng du lịch văn hóa. Đảng ủy, UBND phường Vạn Phúc cũng đã tạo điều kiện hỗ trợ cho một số hộ gia đình sản xuất 100% tơ tằm tại khu đền phường cửi và hợp tác xã dệt. Cùng đó, Hiệp hội làng nghề Vạn Phúc cũng đã phối hợp với ngành du lịch công nhận các cửa hàng dịch vụ đạt chuẩn để phục vụ khách du lịch. Đây là hướng đi đúng, có như vậy mới bảo tồn và phát huy được thương hiệu lụa Vạn Phúc. Nhưng việc quy hoạch cũng rất khó khăn vì bởi cơ chế thị trường, nhiều gia đình đã sản xuất theo lối công nghiệp pha tơ bóng, pha sợi lanh để hạ chi phí và giá thành và đã khiến khách hàng hiểu nhầm về chất lượng của lụa Vạn Phúc.

Trong khi đó, một mét lụa tơ tằm ở Trung Quốc có giá khoảng 3 triệu đồng và ở Nhật Bản có giá từ 4 – 5 triệu đồng, vì nó được làm thủ công rất cầu kỳ. Ông Hùng cho rằng hiện các sản phẩm làng nghề truyền thống đang gặp khó khăn bởi sự cạnh tranh với các sản phẩm công nghiệp vì phần lớn các sản phầm làng nghề là làm thủ công. Nhưng nếu những người dân làng nghề biết dựa vào nhu cầu thực tế của người dân để phát huy truyền thồng của làng mình thì làng nghề dệt lụa sẽ ngày càng phát triển. Quan trọng nhất là phải tuân thủ nghiêm các quy trình sản xuất, từ nguyên liệu đầu vào đến chất lượng đầu ra.

Trước khi chia tay, ông Hùng cho biết hiện ông đang rất khó khăn trong việc chọn người kế nghiệp nghề tổ. Vì hai người con trai của ông đã rẽ sang hướng khác lập nghiệp và cũng có thành công nhất định, giờ ngại về làm nghề tầm tang này vì nó tỉ mẩn đầu tư rất nhiều công sức và hiện họ đang hối hả với cuộc sống công nghiệp không muốn chạy theo tiếng thoi đưa nhàm chán này.

Đặng Tiến

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này