Gần 1 tuần điều chuyển hoạt động các bến xe:

Nếp mới dần ổn định

15:01 | 07/01/2017
Sau gần 1 tuần thực hiện việc điều chuyển các bến xe theo Quyết định của UBNDTP, ghi nhận của PV tại các bến xe như Giáp Bát, Nước ngầm… nhìn chung các nhà xe đã quen dần với các bến mới.
nep moi dan on dinh Thực hiện 6 giải pháp để chống ùn tắc giao thông
nep moi dan on dinh Cần chấn chỉnh hoạt động vận tải liên tỉnh

Quen dần với bến mới

Ghi nhận thực tế của phóng viên Báo Lao động Thủ đô tại bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát, Nước Ngầm, sáng 5/1 cho thấy, an ninh trật tự tại các bến bãi đã được điều chỉnh phù hợp, đảm bảo cho các lượt xe liên tỉnh ra vào nhịp nhàng. Tuy nhiên, về phía các doanh nghiệp vận tải (DNVT) bị điều chuyển vẫn còn không ít những băn khoăn, lấn cấn. Theo một số chủ xe Thái Bình, Nghệ An, Thanh Hóa vừa được điều chuyển từ bến Mỹ Đình sang bến Nước ngầm, họ vẫn chưa quen với bến mới. Nếu như hôm mới chuyển đến bến xe Nước Ngầm, vài ngày đầu số lượng vé bán ra khá thấp, nhưng nay đã dần tăng lên.

nep moi dan on dinh
Nhiều tuyến xe liên tỉnh điều chuyển từ bến xe Mỹ Đình về bến Nước Ngầm đã ổn định hoạt động.

Bên cạnh những nhà xe than khó, than khổ, cũng có nhiều nhà xe đã xác định tư tưởng phải thay đổi và chấp nhận “thời cuộc” ngay khi nhận lệnh điều chuyển. Theo anh T, tài xế của hãng xe Hoàng Long, sau ngày điều chuyển bến bãi chính thức, lượng khách của nhà xe ít nhiều bị giảm sút. Nhưng, nhà xe vẫn tuân thủ mệnh lệnh điều chuyển và chấp hành mọi nội quy điều động ở bến mới. Đặc biệt, để đảm bảo đúng lộ trình, đảm bảo an toàn lưu thông của hành khách, giảm tai nạn giao thông, tránh ùn tắc, trên hông mỗi chiếc xe hãng Hoàng Long còn in to đậm dòng chữ “Nói không với bắt khách dọc đường”.

Chị Lê Thị Lan (quê Nam Định), hiện đang tạm trú ở quận Cầu Giấy – Hà Nội cho biết, trước đây chị hay đi xe bến Mỹ Đình để về quê, nay phải sang bến xe Nước Ngầm để đi cũng thấy bất tiện. Chị Hoa (quê Quỳnh Phụ - Thái Bình) hiện đang sống và làm việc ở huyện Ba Vì, cho hay, những lần trước về quê chị thường đi xe buýt từ Ba Vì xuống bến xe Mỹ Đình, hôm nay do nhiều đồ đạc, chị phải đi xe ôm từ Mỹ Đình sang bến Nước Ngầm hết 70.000 đồng. “Dù mất thêm thời gian và chi phí nhưng cũng buộc phải làm quen và ủng hộ quyết định của Thành phố. Nếu chuyển bến mà giảm được ùn tắc giao thông nội đô thì tôi nghĩ người dân cũng sẽ ủng hộ”, chị Hoa chia sẻ.

Luôn tạo điều kiện cho doanh nghiệp

Ghi nhận thực tế tại các bến Mỹ Đình, Nước Ngầm, Giáp Bát cho thấy, đây là thời điểm các cán bộ, công nhân viên, bảo vệ, an ninh của các bến xe phải hoạt động hết công suất để đảm bảo an ninh, trật tự bến bãi, không gây rối loạn giữa các nhà xe. Tại bến xe Nước Ngầm, các tuyến xe mới được điều chuyển từ các bến khác sang đã hòa nhịp với hoạt động chung của bến: Xếp đúng lốt, đi đúng tuyến, ra – vào nhịp nhàng, không có hiện tượng chèo kéo khách. Theo ông Nguyễn Tất Thành – Giám đốc bến xe Giáp Bát, so với các bến xe khác, bến Giáp Bát chịu sự điều chuyển ít nhất, nên về cơ bản không có sự xáo trộn sau khi điều chuyển. Cụ thể, bến Giáp Bát “chuyển đi” 82 lượt xe, “nhận về” 20 lượt xe. Các tuyến xe được điều chuyển đến bến Giáp Bát đều chạy tuyến Giáp Bát – Hà Nam.

Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội: giảm ùn tắc giao thông là nhiệm vụ cấp bách, là nỗ lực lớn của TP. Việc điều chuyển luồng tuyến sẽ giúp giảm ùn tắc, vì giảm được số xe khách chạy xuyên tâm TP. Kế hoạch điều chuyển bước đầu có thể khó khăn cho các DNVT, nhưng các DNVT vẫn phải thực hiện. Hiện TP đang chủ trương xây dựng mạng lưới vận tải công cộng để dần đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

Ông Nguyễn Mạnh Tuấn – Phó giám đốc bến xe Mỹ Đình cho biết, bến Mỹ Đình có gần 500 lượt xe liên tỉnh nhận lệnh điều chuyển sang các bến khác, trong đó có 440 lượt xe điều động sang bến Nước Ngầm. Trước đây, bình quân mỗi ngày bến Mỹ Đình có khoảng 1.400 lượt xe, chuyên chở khoảng 20.000 đến 25.000 lượt khách, sau lệnh điều chuyển, lượng khách và doanh thu tại bến Mỹ Đình sụt giảm đáng kể. “Dù vậy, chúng tôi vẫn sẽ chấp hành nghiêm chủ trương của Thành phố, sớm ổn định hoạt động của cho các nhà xe, phát huy hiệu quả phục vụ nhu cầu đi lại của người dân trong dịp Tết”, ông Tuấn chia sẻ.

Là bến xe “nhận vào” nhiều nhất sau lệnh điều chuyển, bến xe Nước Ngầm tiếp nhận mới tới 490 lượt xe liên tỉnh, điều đó đồng nghĩa với việc, bến xe này đang chịu áp lực khá lớn trong việc điều động xe mới, xe cũ, xe liên tỉnh ra vào bến, giữ gìn an ninh trật tự, đảm bảo an toàn cho hành khách đi xe tại bến. Được biết, đến sáng 5/1, bến Nước Ngầm đã nhận về 450 lượt xe liên tỉnh từ các bến, 50 lượt xe tuyến Ninh Bình sẽ điều chuyển đến bến vào 10/1 tới.

Nhận định quyết định điều chuyển các tuyến xe khách của Thành phố và Sở GTVT Hà Nội là đúng đắn và vì sự phát triển lâu dài về văn minh đô thị, ông Nguyễn Văn Lập – Giám đốc bến xe Nước Ngầm – cho rằng, đây là thời điểm “nước sôi lửa bỏng” nhất của lãnh đạo các bến xe, cũng như các DNVT. Riêng với bến xe Nước Ngầm, do tiếp nhận một lượng lớn các lượt xe, nên thời điểm này “khá căng” với toàn thể lãnh đạo, cán bộ, nhân viên của bến xe Nước Ngầm. “Chúng tôi làm việc hết công suất, hết sức sao cho không nhà xe nào không có lượt, không xe nào không có khách, không hành khách nào phải lỡ chuyến”, ông Lập chia sẻ.

Cũng theo ông Lập, để giảm tải những khó khăn trước mắt cho các DNVT được điều chuyển đến bến xe Nước Ngầm, trong 10 đến 15 ngày (tính từ 2/1) bến xe Nước Ngầm sẽ hỗ trợ 100% phí bến bãi, xếp lốt…, cho các nhà xe không có khách; giảm 20% phí bến bãi theo quy định cho các nhà xe bắt đầu quen khách.

Nguyễn Hạnh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này