Chuyện về quê

16:00 | 29/12/2016
Ái Minh ít được về quê nội, vì nghe mẹ nói về quê “bẩn” lắm, không khéo mất vệ sinh lại sinh bệnh tật. Vì thế, khi nào có việc quan trọng, Ái Minh mới được về quê, rồi lại tức tốc lên xe đi về thành phố.
chuyen ve que Độc chiêu đi xe chung tiết kiệm ngày Tết
chuyen ve que Nghiện về quê

Hôm rồi, Ái Minh nghe bố mẹ cãi nhau kịch liệt về chuyện ăn tết ở quê hay ở thành phố. Nghe nói ông nội ốm mấy tháng nay, ông muốn cả nhà Ái Minh về quê ăn tết với ông. Bố thì nhất trí cao nhưng mẹ thì không chịu. “Về đấy những 5 ngày để bọn trẻ con thành người rừng hết à?”. Mẹ nói thế, bố nổi cáu: “Cả đời chỉ có 5 ngày đó thôi, cô tính sao thì tính”. Bố mẹ giận nhau suốt cả tuần, cho đến hai mươi tám tết, mẹ chuẩn bị đồ đạc đóng thành mấy vali để về quê. Vừa xếp đồ mẹ vừa làu bàu: “Trời không chịu đất thì đất chịu trời. Về đấy biết ăn ngủ thế nào, chơi cái gì, mất cả tết”.

chuyen ve que
Ảnh minh họa.

Mẹ dặn hai chị em mang những vật dụng cá nhân cần thiết cứ như chuẩn bị đi đày khiến Ái Minh lo lắng ra mặt. “Ở quê có wifi không hả mẹ?”. “Mẹ không biết”. “Thế con dùng 3G có được không?”. “Chắc cũng tạm nhưng sóng yếu lắm”. “Chán nhỉ, thế không vào được mạng thì biết chơi cái gì?”. “Thôi con chịu khó mấy ngày, rồi về mẹ cho đi chơi bù”. Chị Ái Châu xị mặt ra, phụng phịu lên giường đắp chăn.

Hai chín Tết, cả nhà về quê. Chặng đường gần 300 cây số khiến ai cũng mệt lử, mẹ càng được dịp cau có hơn, cứ như thể cái mệt ấy là lỗi của bố. Mọi việc có vẻ căng thẳng khi chị Ái Châu đêm qua khóc đỏ mắt, sáng nay chẳng nói với ai câu nào. Ái Minh thì cắm đầu vào cái iPad với những trò chơi nấu ăn, công chúa thời trang, sơn móng tay, vẽ vời mới tải về tối qua. Dù sao cũng được chơi thỏa thích, tết ở đâu cũng được, miễn không phải học. Học văn hóa, học ngoại ngữ, học thêm môn toán, học nhạc, học vẽ ..học..học và học khiến Ái Minh phát ngán.

Ông nội thấy cả nhà tay xách nách mang về quê ăn tết thì mặt tươi hẳn lên, ông cố ngóc đầu khỏi cái gối cũ kỹ nhìn từng đứa rồi mỉm cười, môi run run: “Các con đã về đấy à? tốt quá, tốt quá rồi”. Bố nắm lấy tay ông, mẹ thì cười cười gật đầu chào ông. Chị Ái Châu bị mẹ nhắc đến 2 lần mới lí nhí chào ông. Sau màn chào hỏi, cả nhà mang đồ vào căn phòng khá rộng, phòng dành riêng cho nhà Ái Minh mỗi dịp về thăm quê. Tuy thế, mọi thứ đều trông cũ kỹ và ngai ngái mùi vải mốc.

Nhà ông nội cũng thuộc hàng khá giả ở quê, nhà xây lát đá hoa hẳn hoi, cũng to và rộng rãi, thế nhưng so với thành phố thì chẳng ăn nhập gì, với lại những đồ dùng từ ngày xưa vẫn bày đầy trong nhà chưa chịu bỏ nên trông rất “bẩn”, không sáng bóng được như nhà Ái Minh ở thành phố.

Buổi chiều lúc ngủ dậy Ái Minh thấy bà nội lom khom chắt nước từ cái ấm vào cái nồi bánh trưng ngun ngút khói. “Lại đây, ngồi trông bánh trưng với bà”. Ái Minh vừa định ngồi xuống ghế thì nó đã bật nhổm dậy vì tiếng mẹ ở trong vọng ra: “Minh đi vào nhà ngay, sao lại ra gần lửa thế này, nguy hiểm quá”. Thoắt cái đã thấy Ái Minh bị kéo giật vào trong nhà. Bà nội móm mém cười: “Có gì nguy hiểm đâu, cái bếp lửa ấy mà”.

Mẹ thì thào với Ái Minh: “Con không được ra đó, nhỡ lửa bắn vào người, cả nước sôi nữa. Ở gần bếp toàn than với tro, bẩn lắm, nghe chưa”. Bà nội nghe thấy, liền nghiêm nét mặt, nói với mẹ: “Các con cũng sinh ra và lớn lên ở quê, cũng đã từng trải qua những thời gian sống như những đứa trẻ ở đây. Nếu không có tuổi thơ ấy, chắc gì con đã thành đạt như ngày hôm nay. Vì thế, hãy để bọn trẻ trải nghiệm cuộc sống, các con đừng quên mình xuất thân từ đâu, và cũng nên dạy con cái biết đến giá trị truyền thống”.

Nghe bà nói xong, mẹ buông một câu: “Bây giờ khác xưa rồi mẹ ạ, cái gì cũng phải khoa học. Báo đài chả đưa tin có mấy vụ chết vì ngộ độc khói bếp than đấy. Nhiều người có biết thông tin đâu, cho nên người ta đưa lên báo đài, truyền hình mà vẫn dùng, chết là phải”. Bà nội nghe mẹ nói xong câu đó, vứt cái cời than rồi bỏ vào nhà thở dốc. Bố nghe thấy thế cầm tay mẹ lôi vào trong nhà.

Ái Minh chỉ nghe thấy bố mẹ cãi vã ngày một to hơn, cuối cùng mẹ sắp quần áo cho vào vali rồi bắt xe ôm đi một mình ra đầu làng. Hai chị em ngơ ngác nhìn theo, nhưng bố nhất quyết dắt tay hai đứa vào nhà rồi bảo: “Đây mới là nhà ta, còn ở trên đó chỉ là nơi ở trọ”. Ái Minh không hiểu lắm, nhưng nó nhận thấy cái bếp củi và nồi bánh trưng của bà rất có ý nghĩa của ngày tết và quyết định quay vào nhà, không nhìn theo mẹ nữa.

Bảo Thoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này