Đổi mới và phát triển giáo dục: Phải bắt đầu từ người thầy...

18:10 | 23/12/2016
Giáo dục - Đào tạo (GDĐT) luôn được Đảng, Nhà nước coi là quốc sách hàng đầu. Vì vậy, muốn phát triển, chấn hưng kinh tế đất nước cần phải đổi mới chất lượng GDĐT hơn nữa. Đây chính là nội dung đã được các chuyên gia đưa ra tại “70 năm sư phạm Việt Nam, đổi mới và phát triển” vừa được tổ chức tại Hà Nội.
phai bat dau tu nguoi thay Thi THPT quốc gia 2017: Thí sinh tự do, giáo dục thường xuyên được xếp phòng thi riêng
phai bat dau tu nguoi thay Bộ GDĐT gửi công điện khẩn về việc phòng chống mưa lũ ở miền Trung
phai bat dau tu nguoi thay Bộ GDĐT không tổ chức biên soạn

Bắt đầu từ ngành Sư phạm

Nhìn lại 70 năm ngành sư phạm Việt Nam, kể từ ngày 8/10/1946 khi Chính phủ đã ký Sắc lệnh về việc thành lập ngành sư phạm - nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình - nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, phải thấy mục đích tột cùng của giáo dục là xây dựng con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Từ đó, nhất thiết phải đổi mới tư duy giáo dục, thay đổi cách làm giáo dục.

Với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước về GD ĐT Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Thị Nghĩa khẳng định, ngành Giáo dục đang thực hiện đổi mới căn bản toàn diện giáo dục từ chú trọng nội dung kiến thức sang phát triển năng lực người học, chuyển từ trọng tâm phát triển về số lượng sang coi trọng phát triển về chất lượng, đồng thời phát triển về quy mô, số lượng. Sứ mệnh đó của sự nghiệp giáo dục phụ thuộc phần lớn vào ngành sư phạm, các trường sư phạm vì không thể có chất lượng giáo dục tốt nếu không có thầy tốt.

phai bat dau tu nguoi thay
Một giờ dạy học. Ảnh minh họa

Cùng chung quan điểm trên, GS.VS Phạm Minh Hạc - Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nhấn mạnh: Từ năm học 2016-2017, vấn đề giáo viên nổi lên là nhiệm vụ thứ hai của ngành giáo dục. Đây là việc đúng, vì nếu nhiệm vụ này không được giải quyết thấu đáo sẽ khó thực hiện được sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo.

Còn theo GS.TS Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, đã đến lúc cần sắp xếp lại hệ thống sư phạm trong cả nước, gắn việc đào tạo, bồi dưỡng định kỳ theo chu trình bắt buộc; thay đổi cơ chế tài chính trong đào tạo, tài chính tính theo chương trình đào tạo chứ không tính trên đầu sinh viên; đào tạo gắn với nhu cầu xã hội thông qua điều tra tổng thể và dự báo số lượng; đào tạo mở; các trường sư phạm phải thay đổi quyết liệt về chương trình đào tạo, mô hình đào tạo.

Những thách thức lớn đặt ra

Theo PGS.TS Nguyễn Thúy Hồng - Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý CSGD, Giám đốc chương trình phát triển các trường sư phạm, hiện có 3 vấn đề lớn mà ngành sư phạm đang gặp phải và cần giải quyết sớm. Đó là, năng lực các cơ sở đào tạo lớn, vượt quá nhiều so với nhu cầu về số lượng giáo viên cần đào tạo nhưng lại chưa đáp ứng được nhu cầu về chất lượng của đội ngũ giáo viên ở các trường mầm non, phổ thông (đơn cử như nhiều sinh viên sư phạm tốt nghiệp gặp khó khăn khi tìm kiếm việc làm; cơ cấu giáo viên có sự mất cân đối giữa một số môn học, bậc học, các vùng miền; năng lực nghề nghiệp và kỹ năng nghề của nhiều giáo viên chưa đáp ứng những yêu cầu đổi mới của giáo dục hiện nay…). Đấy là chưa kể, cơ sở vật chất và đội ngũ chuyên gia, giảng viên có năng lực, giàu kinh nghiệm của các cơ sở đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới đào tạo cũng như sự tác động khác từ những mặt trái của cơ chế thị trường hay sự cạnh tranh mạnh mẽ của các cơ sở đào tạo có yếu tố nước ngoài... Thẳng thắn nhìn nhận, GS.VS Phạm Minh Hạc cho hay, gần đây kinh tế thị trường phát triển mạnh, tuyển sinh vào các trường sư phạm khó khăn, lương nhà giáo vào loại thấp. Ngoài ra, chất lượng đội ngũ giáo viên nhìn chung có vấn đề, như vấn đề chuẩn nhà giáo (nhất là ở đại học), cũng có vấn đề về đạo đức, tuy chỉ với số rất ít.

Giải bài toán khó

Để từng bước có được một đội ngũ giáo viên vừa hồng vừa chuyên, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa cho biết, Bộ đã và đang thực hiện quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm, trong đó có các trường ĐH trọng điểm hàng đầu của quốc gia để đóng vai trò đầu tàu về đào tạo và đổi mới nội dung chương trình, phương pháp đào tạo, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT và từng bước hội nhập quốc tế.

Tính đến thời điểm hiện nay, cả nước có 114 cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và 4 cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục sư phạm, trong đó có 9 trường ĐH sư phạm, 5 trường ĐH sư phạm kỹ thuât, 1 trường đại học giáo dục, 1 trường học viện cán bộ quản lý giáo dục, 33 trường CĐ sư phạm, 47 khoa/ngành sư phạm trong các trường đại học đa ngành, 18 khoa/ngành sư phạm trong các trường cao đẳng đa ngành, 2 trường trung cấp sư phạm và 3 cơ sở bồi dưỡng cán bộ quản lí cơ sở giáo dục.

Còn để giải quyết thực trạng sinh viên sư phạm ra trường không có việc làm như hiện nay, PGS.TS Nguyễn Duy Lương - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc nêu quan điểm: “Phải có kế hoạch sát thực với nhu cầu nhân lực phát triển giáo viên của địa phương, khu vực. Kiên quyết dẹp bỏ nạn “lạm phát” giáo sinh. giáo sinh ra trường phải có chất lượng thực sự. Chất lượng giảng viên cũng phải được nâng lên. Thu hẹp và củng cố lại hệ thống các cơ sở đào tạo giáo viên cũng là cách nâng cao chất lượng và tránh lãng phí.

Đồng quan điểm, GS,TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, muốn giáo dục phát triển, trước hết cần có đội ngũ thầy cô có chất lượng tốt. Giải được bài toán này thì phải sắp xếp lại hệ thống sư phạm trong cả nước; gắn việc đào tạo, bồi dưỡng định kỳ theo chu trình bắt buộc…

Đúc kết lại, các chuyên gia cho rằng, muốn đổi mới căn bản GDĐT, điều quan trọng phải bắt đầu từ đổi mới hệ thống các trường sư phạm, từ phương thức đào tạo đến cách thức tiếp cận sự vận động không ngừng của sự phát triển thế giới hiện tại và tương lai.

K.Thoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này