Kích cầu bằng thẻ khách hàng:

Khi thẻ VIP chỉ ngang tờ rơi quảng cáo

14:45 | 20/12/2016
Vài năm trở lại đây, các nhà bán lẻ, nhà hàng, cửa hiệu đua nhau lập thẻ VIP, thẻ khách hàng thân thiết nhằm tri ân và giữ chân khách hàng trung thành. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, nếu chỉ chạy theo những chương trình khuyến mại khủng mà quên đi việc tập trung đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ, sản phẩm thì giá trị của những tấm thẻ VIP kia cũng không thực sự bền vững.
tin nhap 20161220133411 Quảng cáo, rao vặt và chuyện “Đẹp mà không đẹp”
tin nhap 20161220133411 Ra ngõ gặp tiếp thị

Dễ dàng được phong khách VIP

Săn hàng “sale” thực chất cũng là một cách tiêu dùng thông minh khi nhiều người lựa chọn được món hàng ưng ý, bền về kiểu dáng lẫn chất lượng và giá cả đã “mềm mại” hơn nhiều nhờ giảm giá. Nắm bắt được tâm lý này, những doanh nghiệp lớn và có uy tín, bên cạnh việc giảm giá theo chu kỳ vòng quay của sản phẩm luôn có nhiều hình thức kích cầu khác, trong đó có hình thức phát hành thẻ khách hàng thân thiết để tích điểm, khuyến khích người tiêu dùng “trung thành” với nhãn hàng của mình. Còn đối với khách hàng, đây là cơ hội để họ có thêm sự lựa chọn mua sắm khi vừa muốn dẫn đầu các xu hướng tiêu dùng, vừa muốn tiết kiệm một phần nào đó.

tin nhap 20161220133411
Thay vì các chương trình khuyến mại, nhiều doanh nghiệp giữ chân khách bằng thẻ VIP. (ảnh minh họa)

Là khách hàng thường xuyên mua sắm tại một số hệ thống siêu thị lớn, chị Minh Trang (Kim Mã – Hà Nội) cho biết, chị quan tâm nhiều nhất đến lợi ích tiết kiệm sẽ nhận được khi làm thẻ khách hàng thân thiết nên không quên xuất trình thẻ để tích lũy và quy đổi điểm mua hàng. Chị chia sẻ, mỗi siêu thị có một tiêu chí cũng như ưu đãi dành cho các khách hàng thân thiết: “Với siêu thị Coopmart, khách hàng thân thiết sẽ được nhận phiếu chiết khấu trực tiếp khi mua hàng đạt 150 điểm; khách VIP được tặng điểm thưởng trong các chương trình khuyến mại.

Còn BigC thì không có đổi hạng thẻ nhưng có tích lũy Big Xu để giảm giá trực tiếp khi thanh toán. Lottemart thì đổi điểm không hấp dẫn nhưng có một số sản phẩm có giá tốt hơn nếu là thành viên…”. Cũng theo chị Trang, nhờ sử dụng thẻ để được chiết khấu nên chi tiêu hàng tháng của chị có phần giảm đi. Bên cạnh đó, chị Trang cũng chủ động lên danh sách những món cần mua và theo sát danh sách này để hạn chế việc chi quá tay.

Không chỉ các siêu thị mà các cửa hàng tạp hóa, đồ uống quy mô nhỏ cũng chọn cách làm thẻ VIP, hội viên thân thiết để giữ chân khách hàng. Thậm chí nhiều khách hàng còn cho biết, mình có cơ hội trở thành khách VIP ngay từ lần đầu tiên sử dụng dịch vụ của những đơn vị kinh doanh này. Thu Nga - nhân viên kế toán của một doanh nghiệp trên địa bàn quận Cầu Giấy cho biết, lần đầu chị và các bạn tới nhà hàng chuyên đồ nướng ở khu Cầu Giấy - Hà Nội, nhà hàng đã dành tặng những tấm thẻ giảm giá 5-15% khi thưởng thức các món ăn tại nhà hàng cho những lần sau. Còn chị Mai Lan (Hà Đông – Hà Nội) cũng được nhân viên siêu thị Metro hướng dẫn tận tình các thủ tục làm thẻ thành viên ngay lần đầu tới mua sắm tại đây. "Không chỉ tích điểm cho lần mua sắm đó mà ngay lần sau đó, tôi được chiết khấu 5%" – chị Lan cho biết.

Khuyến mại cần đi đối với chất lượng

Lý giải thẻ VIP trở nên phổ biến hiện nay, anh Nguyễn Phúc - chủ nhà hàng Ba Miền (Duy Tân – Hà Nội) cho hay, một phần do kinh tế khó khăn nên khách hàng VIP ngày càng ít đi. Nếu như trước đây, để trở thành VIP của bất cứ dịch vụ nào, không những cần thân thế tốt mà khách hàng còn phải là người thường xuyên sử dụng dịch vụ và mang về doanh thu lớn cho thương hiệu đó. "Thế nhưng, giờ để làm khách VIP dễ dàng hơn rất nhiều. Thay vì treo biển khuyến mại liên tục dễ gây phản cảm cho khách hàng khách thì việc bạn tặng thẻ VIP có chiết khấu 5% thì người mua thích hơn” – anh Phúc nói.

“Thực tế hiện nay, người tiêu dùng lại chịu thiệt thòi do phải mua với giá cao một cách bất hợp lý. Ví dụ như trong hệ thống siêu thị ở Hà Nội phải qua vài cấp đại lý rồi mới đến tay người tiêu dùng với mỗi cấp đại lý tỷ lệ chiết khấu chiếm khoảng 10-15%, như vậy giá đường đến tay người tiêu dùng đã bị đội lên rất nhiều. Vì thế thay vì tung chiêu khuyến mại ảo thì hệ thống phân phối cần làm tốt hơn, giảm tình trạng hàng hóa phải đi lòng vòng qua nhiều khâu trung gian, đẩy chi phí lên cao. Từ đó, người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi một cách thiết thực nhất” - Ông Vũ Vinh Phú – Chủ tịch hiệp hội siêu thị Hà Nội cho biết thêm.

Tuy nhiên, một số khách hàng lại cho rằng, các nhà hàng, dịch vụ hiện nay đang có xu hướng lạm dụng thẻ VIP mà quên đi việc đầu tư vào chất lượng dịch vụ. Anh Huy Khánh (Nguyễn Chí Thanh – Hà Nội) nêu quan điểm: “Nhiều nhà hàng hiểu sai về khái niệm khách VIP bởi khách VIP không cần các nhà hàng giảm 5% hay 10% mà chỉ cần nhân viên phục vụ thật tốt có nghĩa là chăm sóc khách VIP hơn khách bình thường hoặc gọi bất cứ món gì mà nhà hàng đều phục vụ được…”. Thậm chí, nhiều người còn chia sẻ những câu chuyện dở khóc dở cười xoay quanh tấm thẻ VIP này bởi chỉ cần một vài phút dừng đèn đỏ đã có thể sở hữu được nhiều tấm thẻ VIP của các dịch vụ khác nhau.

Đáng nói, nhiều tấm thẻ VIP cho các dịch vụ như khám phụ khoa, spa, thẩm mỹ… cũng được ấn vào tay bất kỳ người nào từ già, trẻ, trai, gái…mà không cần biết đối tượng đó có thực sự quan tâm hay tạo ra doanh thu gì cho dịch vụ kinh doanh của mình hay không. “Khi đó, giá trị của thẻ VIP cũng chỉ ngang những tờ rơi quảng cáo mà thôi” – một vị khách chia sẻ.

Thừa nhận thực tế này, Ông Vũ Vinh Phú – Chủ tịch hiệp hội siêu thị Hà Nội cho rằng, các chương trình khuyến mại của thẻ VIP, thẻ thành viên hiện nay các siêu thị đang áp dụng vẫn mang tính tượng trưng, không thiết thực. Đơn cử như mức chiết khấu thương mại áp dụng cho những đối tượng khách hiện nay của một số siêu thị ở mức không đáng kể như: 30.000 đồng siêu thị Coopmart, 50.000 đồng (Lottemart)... Bên cạnh đó, những món quà tặng khuyến mại có giá trị sử dụng nhỏ như thìa, muôi múc canh... là một trong những nguyên nhân khiến người tiêu dùng không mặn mà với hình thức ưu đãi này.

Tuệ Liên

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này