NSƯT Chí Trung:

Đường đến nghệ thuật như một định mệnh

20:18 | 15/12/2016
Đó là tâm sự chân thành mà NSƯT Chí Trung – Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ (NHTT) chia sẻ với người hâm mộ trong cuộc trò chuyện về chuyện đời, chuyện nghề
duong den nghe thuat nhu mot dinh menh NSƯT Chí Trung có thể không tham gia “Táo quân” 2017?

Hết lòng với nghề đã chọn mình

Sinh ra và lớn lên tại Gia Lâm – Hà Nội, NSƯT Chí Trung là con nhà nòi nghệ thuật vì có bố là NSND Quý Dương và mẹ là nghệ sỹ violoncello Thúy Lan. Anh hóm hỉnh: “Mọi người thắc mắc là sao bố tôi hát hay thế mà tôi không những hát không hay mà còn không hát được. Tuy nhiên, tôi thì diễn hài được còn bố tôi chẳng thể nào diễn nổi Táo quân.”

duong den nghe thuat nhu mot dinh menh
Nghệ sĩ ưu tú Chí Trung.

Lắng nghe chia sẻ của anh về công việc, về cuộc sống mới thấy một Chí Trung khác, thẳng thắn, không văn hoa mỹ miều. Tính đến nay anh đã công tác 39 năm trong nghề, năm 1997 anh đã được phong tặng danh hiệu NSƯT với những đóng góp nổi bật cho sân khấu và điện ảnh. Anh bảo mình sống thực tế, hết mình với nghệ thuật, mà không màng nhiều danh vọng, danh vị cao hơn nữa vì danh vị đến một cách tự nhiên và được xã hội công nhận, chứ không phải được nhận bởi một số cơ chế định lý vật chất. “Nghề đã chọn tôi, chứ tôi không chọn nghề, bản thân tôi đến với nghệ thuật như một định mệnh đã được sắp đặt, nếu có kiếp sau có lẽ tôi sẽ chọn nghề khác thôi.”- Chí Trung nói.

Trong thập niên những năm 80-90, anh đã là nghệ sĩ trụ cột của NHTT với hơn 200 vai diễn chính: Ôtelo, Romeo & Juliet, Lời thề thứ 9, Thái sư Trần Thủ Độ….. Thế hệ khán giả theo dõi sân khấu từ những năm 80 thì đều biết Chí Trung là nghệ sỹ được đào tạo bài bản. Những năm gần đây, anh chuyển sang diễn hài và gặt hát được những thành công nhất định. Vì vậy, nhiều thế hệ trẻ và khán giả sau này cứ nghĩ xuất phát điểm của anh là nghệ sỹ hài. Anh bảo, nghệ sĩ hài hay bi, chính kịch hay bi kịch đều được đào tạo cơ bản. Anh ví von, người diễn viên cũng như một người thợ xây nhà có thể xây được nhà chung cư, nhà hộp chứ không chỉ xây mỗi nhà kiểu Pháp. Thế hệ của anh may mắn đều là những người thợ được đào tạo tốt, bài bản, chỉn chu như thế.

“Bươn trải” để theo đuổi đam mê

Tự nhận mình là người rất thực tế, NSƯT Chí Trung cho biết, vợ chồng đều là nghệ sĩ, lương ba cọc ba đồng nên anh phải làm thêm nhiều việc để tăng thu nhập nuôi con và trang trải cuộc sống. Anh nói vui về những tháng ngày cơ cực: “Ban ngày “đóng vai” dân “phe” vé, còn tối thì làm Romeo, Othelo”. Nhưng chính những năm tháng đó đã hun đúc một nghệ sĩ Chí Trung biết làm kinh tế song hành cùng làm nghệ thuật, và chính anh là hạt nhân xúc tác mạnh mẽ giúp NHTT đứng vững trong làng nghệ thuật ở thời buổi kinh tế thị trường. Ở thời điểm mọi người còn đang mơ màng, anh đã mạnh dạn đổi mới hoạt động của nhà hát cụ thể là Đoàn kịch 2 dẫn quân đi phát tờ rơi đến từng quầy, sạp chợ. Biến tất cả các nhà văn hóa của các xã, huyện, tỉnh trong cả nước thành sân khấu của NHTT. “Công việc tuy rất vất vả nhưng mà vui, hạnh phúc vô cùng vì chúng tôi đã có được thị phần khán giả rất lớn.” – anh tâm sự.

Với cuộc sống gia đình hiện tại, anh không nhận anh và vợ là cặp nghệ sỹ vàng, hạnh phúc nhất,.… như mọi người vẫn nói. Bởi đơn giản theo tâm niệm của anh, vợ chồng đến với nhau bởi cái duyên, cái phận. Anh hài hước bảo: “Giờ vợ chồng tôi sống với nhau như kiểu muôn loài không thể thiếu ôxy. Không ai nói trước điều gì nhưng những giây phút nào còn bên nhau hãy tôn trọng, trân quý nhau, hưởng thụ thời gian vàng bạc còn lại của cuộc đời khi nhịp tim vẫn đập và hơi thở vẫn còn.”

Quan điểm của anh rất rõ ràng, dù đam mê nghệ thuật đến mấy thì “cơm áo không đùa với khách thơ”, anh cùng đồng nghiệp nghệ sĩ trong nhà hát luôn cố gắng và hiểu rõ rằng, để tồn tại được cần phải có hướng đi đúng đắn, đột phá phù hợp với hoàn cảnh thực tế. Nhà hát Tuổi trẻ là một trong những nhà hát sinh sau đẻ muộn, vì thế nó có sức trẻ, không bị ràng buộc bởi định kiến của thế hệ trước. Các bậc lãnh đạo tiền bối đều được đào tạo ở nước ngoài về nên họ đã đưa phong cách mới, phong cách diễn trẻ trung đến mức độ bản năng nhưng đi vào lòng người, tạo nên phong cách riêng của nhà hát, không thể lẫn được.

Tuy nhiên, điều mà anh cảm thấy tự hào, hạnh phúc nhất đó là sự chuyển mình của cơ chế thị trường. Trong thời gian qua, NHTT đã gặt hái được nhiều thành công, giữ thị phần khán giả trong trái tim mình. Để đáp lại tình cảm to lớn đó, anh và các nghệ sĩ trong nhà hát phải sáng tạo, phấn đấu không ngừng, dựng nhiều vở diễn, tiểu phẩm, các chương trình dành cho nhiều đối tượng khác nhau. Anh cùng các diễn viên nghệ sĩ nhà hát đã dựng các vở của Lưu Quang Vũ và phối hợp cùng Ngân hàng CP Sài Gòn Hà Nội SHB xây dựng thành công chương trình “Chắp cánh niềm tin” tặng hàng trăm suất diễn cho các trường ĐH, CĐ, THCN trên địa bàn HN, các khối doanh nghiệp, trí thức, bộ đội, các khách hàng của SHB ở Hà Nội, và các tỉnh phía Bắc, một số tỉnh miền Trung.

Với cuộc sống gia đình hiện tại, anh không nhận anh và vợ là cặp nghệ sỹ vàng, hạnh phúc nhất,.… như mọi người vẫn nói. Bởi đơn giản theo tâm niệm của anh, vợ chồng đến với nhau bởi cái duyên, cái phận. Anh hài hước bảo: “Giờ vợ chồng tôi sống với nhau như kiểu muôn loài không thể thiếu ôxy. Không ai nói trước điều gì nhưng những giây phút nào còn bên nhau hãy tôn trọng, trân quý nhau, hưởng thụ thời gian vàng bạc còn lại của cuộc đời khi nhịp tim vẫn đập và hơi thở vẫn còn”.

Anh Tuấn

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này