Nỗ lực bảo vệ người lao động đi làm việc ở nước ngoài

18:19 | 14/12/2016
Theo số liệu của cơ quan chức năng, hàng năm, Việt Nam đưa khoảng 80.000- 90.000 lao động ra nước ngoài làm việc, chiếm khoảng 5% tổng số lao động được giải quyết việc làm. Mặc dù  có những đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế của đất nước, song lao động di cư ra nước ngoài cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
no luc bao ve nguoi lao dong di lam viec o nuoc ngoai CĐ bảo vệ người lao động đi làm việc ở nước ngoài
no luc bao ve nguoi lao dong di lam viec o nuoc ngoai Thí điểm cấp giấy phép dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài

Nhiều rủi ro nơi đất khách quê người

Theo thống kê của Bộ Lao động thương binh và Xã hội, hàng năm, Việt Nam đưa khoảng 80.000-90.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, chiếm khoảng 5% tổng số lao động được giải quyết việc làm. Hiện có khoảng 500.000 lao động Việt Nam đang làm việc hợp pháp tại hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 30 nhóm ngành nghề khác nhau.

Không chỉ gửi về nước khoảng 1,8 đến 2 tỷ đô la Mỹ/năm, người lao động đi làm việc ở nước ngoài khi trở về cũng có nhiều đóng góp cho công cuộc phát triển kinh tế xã hội của đất nước khi mang theo về những kỹ năng tay nghề, kiến thức, kinh nghiệm, nhận thức về văn hóa, xã hội mà họ đã học hỏi và tích lũy trong thời gian làm việc ở nước ngoài.

no luc bao ve nguoi lao dong di lam viec o nuoc ngoai
Hiện có 500.000 lao động Việt Nam làm việc hợp pháp ở nước ngoài

Mặc dù có những đóng góp tích cực như vậy, song do cơ chế bảo vệ người lao động khi đi làm việc tại nước ngoài chưa đầy đủ, đặc biệt là thiếu sự bảo vệ trực tiếp của các cơ quan, tổ chức đã khiến không ít người lao động Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách, rủi ro nơi đất khách quê người.

Rủi ro mà người lao động hay gặp phải nhất là họ phải làm việc trong môi trường độc hại, nguy hiểm, bị đánh đập, bóc lột sức lao động hay lạm dụng mà không được bảo vệ, bị trả lương không xứng đáng và bị phân biệt đối xử về lương so với người bản địa...

Ngoài ra, việc đa số lao động di cư xuất thân từ vùng nông thôn, trình độ văn hóa và hiểu biết thấp, nhiều hạn chế về ngôn ngữ và chưa được đào tạo nghề, không được phổ biến về luật pháp và phong tục của nước sở tại cũng là những rào cản khiến lao động di cư chịu thêm nhiều thiệt thòi.

Nỗ lực bảo vệ người lao động

Không chỉ tại Việt Nam, lao động di cư đang là một phần không thể thiếu của các quốc gia trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng. Đi liền với đó, vấn đề bảo vệ quyền lợi cho người lao động cũng trở thành một đòi hỏi cấp bách đối với các quốc gia xuất khẩu lao động.

Để có cơ sở vững chắc trong việc bảo vệ quyền của người lao động di cư, cộng đồng quốc tế đã không ngừng xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý vững chắc thông qua việc ban hành công ước quốc tế, các Hiệp định đa phương, song phương về bảo vệ quyền của người lao động di cư. Trong đó, quyền của người lao động di cư được đề cập một cách sâu sắc và trực tiếp thông qua hai công ước của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) là Công ước số 97 (1949) và Công ước số 143 (1975) về lao động di cư, Công ước quốc tế về quyền của người lao động di cư và các thành viên trong gia đình năm 1990 (Công ước 1990) v.v... Ngoài các Công ước quốc tế, quyền của người lao động di cư còn được các quốc gia đề cập trong các văn kiện mang tính chất châu lục, khu vực, các Hiệp định song phương.

Tại Việt Nam, từ tháng 7/2007, Luật Người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài được ban hành và có hiệu lực hướng tới việc thúc đẩy và bảo vệ quyền của người lao động và chấm dứt việc di cư bất hợp pháp là một trong những động thái tích cực cho thấy sự quan tâm của Chính phủ liên quan đến vấn đề bảo vệ quyền lợi của người lao động di cư trong bối cảnh hội nhập.

Năm 2012, Luật Công đoàn được ban hành cũng đã nhấn mạnh tới vai trò của công đoàn trong việc tư vấn cho người lao động về hợp đồng lao động và pháp luật, giải quyết tranh chấp và đại diện cho người lao động trong việc khởi kiện và tham gia tố tụng trong các vụ án lao động.

Phát huy hơn nữa vai trò của tổ chức Công đoàn

Riêng tổ chức CĐ với vai trò đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động cũng đã có nhiều hoạt động thiết thực hướng tới mục tiêu bảo vệ người lao động di cư ra nước ngoài như tổ chức các thảo chuyên đề về lao động di cư, tham gia Mạng lưới Hỗ trợ thông tin di cư lao động; tham gia với các Bộ, Ban ngành chức năng triển khai các hoạt động bảo vệ người lao động di cư; tích cực đề xuất nội dung pháp luật cần bổ sung, sửa đổi nhằm hoàn thiện pháp luật tạo hành lang pháp luật bảo vệ quyền lợi ích cho người lao động di cư và quyền công đoàn trong hoạt động này v.v...

no luc bao ve nguoi lao dong di lam viec o nuoc ngoai
Lao động Việt Nam ở nước ngoài đóng góp tích cực cho đất nước

Đặc biệt, vào tháng 7/2016 vừa qua, Tổng LĐLĐ Việt Nam và Quỹ Châu Á đã phối hợp triển khai Dự án “Tăng cường bảo vệ quyền cho lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc”. Mục tiêu chung của dự án là tăng cường bảo vệ quyền lao động cho những người chuẩn bị đi làm việc ở nước ngoài và những người đã trở về. Cụ thể là tăng cường cung cấp thông tin và tư vấn cho lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài thông qua việc nâng cao năng lực cho cán bộ công đoàn cơ sở (CĐCS) cấp xã, phường; tăng cường việc tiếp cận với các cơ hội việc làm cho những lao động trở về; tổ chức hội thảo vận động chính sách nhằm nâng cao nhận thức cho những nhà hoạch định chính sách và các bên liên quan về các vấn đề mà người lao động gặp phải; xây dựng các chiến lược vận động chính sách nhằm thúc đẩy việc bảo vệ quyền lao động cho lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Dù đã có nhiều cố gắng song thực tế phần lớn người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài chưa được tổ chức công đoàn bảo vệ. Đây là một thách thức đối với tổ chức công đoàn Việt Nam do năng lực hạn chế về tài chính, nhân lực và không thuộc các thỏa thuận ký kết giữa các chính phủ.

Trong thời gian tới, CĐ cần đóng vai trò lớn hơn trong việc giúp đỡ người lao động làm việc ở nước ngoài vượt qua những khó khăn cơ bản trước khi xuất cảnh, trong quá trình làm việc ở nước ngoài cũng như sau khi trở về nước. Đặc biệt cần có giải pháp để giúp người lao động tìm đến những tổ chức, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài có những đơn hàng tốt với chi phí phù hợp.

Muốn làm được vậy, vai trò của CĐ trong việc bảo vệ người lao động làm việc ở nước ngoài cần được luật hóa. Chương trình hợp tác giữa CĐ Việt Nam và CĐ các nước tiếp nhận lao động cũng cần được đẩy mạnh hơn nữa trong thời gian tới.

Ngọc Tú

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này