Tăng mức xử phạt thôi chưa đủ

08:21 | 10/12/2016
Theo Nghị định 155/2016/NĐ-CP của Chính Phủ từ ngày 1/2/2017 sẽ tăng mức xử phạt hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường nơi công cộng, lên mức tối đa là 7 triệu đồng. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là ai, cấp nào đứng ra xử phạt cần được quy định rõ ràng. 
tang muc xu phat thoi chua du Ý thức kém, quản lý buông
tang muc xu phat thoi chua du Xử lý người xả rác thải vô tội vạ: Quyết liệt dù không dễ

Tăng phạt có giảm vi phạm?

Tại Điều 20 của Nghị định số 155/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường ghi rõ: phạt tiền từ 1 đến 3 triệu đồng đối với hành vi tiểu tiện, đại tiện không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng (mức phạt cũ từ 500-1 triệu đồng). Bên cạnh đó, hành vi vứt, thải, bỏ đầu, mẩu và tàn thuốc lá không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng, cũng sẽ được điều chỉnh mức phạt tiền từ 500 - 1 triệu đồng. Mức xử phạt cao nhất với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, sẽ được điều chỉnh cao nhất lên mức 5-7 triệu đồng (mức cũ 3-4 triệu đồng), đối với hành vi vứt, thải rác sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố, hay vứt rác vào hệ thống thoát nước thải đô thị, hoặc hệ thống thoát nước mặt trong khu vực đô thị.

tang muc xu phat thoi chua du
Xử phạt hành vi ô nhiễm môi trường là cần thiết. ảnh Hồng Hải.

Đánh giá về mức xử phạt trên, nhiều chuyên gia cho rằng, bên cạnh việc tăng cường thực hiện các biện pháp tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức của người dân, thì việc tăng mức chế tài, đặc biệt là chế tài liên quan trực tiếp đến kinh tế là điều cần thiết và góp phần bảo vệ môi trường chung cho mọi người. Tuy nhiên, nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại về vấn đề thực thi, tính công bằng, thậm chí là vấn đề tiêu cực có thể xảy ra khi mức xử phạt được tăng lên rất cao.

Chuyên gia tâm lý Trương Xuân Thiên chia sẻ, ở các nước phát triển, việc giáo dục người dân giữ gìn vệ sinh môi trường được thực hiện rất tốt và nó được triển khai chặt chẽ ngay từ cấp mầm non…vì thế, người dân có ý thức rất cao trong việc bảo vệ môi trường. Ngoài ra, việc xử phạt người vi phạm cũng được thực hiện rất triệt để, công khai, minh bạch, tạo niềm tin cho người dân. Ngoài ra họ còn có một hệ thống các nhà vệ sinh công cộng đạt chuẩn, đủ và tương đối thuận lợi, nên hạn chế tối đa tình trạng người dân vi phạm khi tiểu tiện nơi công cộng. Ông Thiên cũng cho biết thêm, hiện nay ở các thành phố lớn của Việt Nam, hệ thống cơ sở vật chất còn thiếu, đặc biệt là các nhà vệ sinh công cộng, các thùng rác công cộng. Vì thế, khi người dân có nhu cầu họ phải đi tìm rất xa, đó là chưa kể nhiều nhà vệ sinh còn khóa trái cửa, hay mất vệ sinh…cũng là một trong những nguyên nhân khiến người dân “buộc” đi tiểu tiện ngoài đường, hay xả rác bừa bãi không đúng nơi quy định. “Theo tôi nghĩ, trước khi thực hiện tăng mức xử lý vi phạm đối với các hành vi trên, thì Nhà nước cần tập trung xây dựng cơ sở vật chất, xây dựng nhiều hơn các thùng rác, nhà vệ sinh công cộng. Đồng thời tăng cường giáo dục ý thức người dân tại các trường học, các nhà văn hóa tiểu khu là vấn đề cực cần thiết” – ông Thiên cho hay.

Ai phạt, nộp ở đâu?

Lo lắng thiếu nhà vệ sinh công cộng, khiến người dân không thể tìm được nhà vệ sinh khi có nhu cầu là điều dễ nhận thấy tại các thành phố lớn. Thậm chí tại Hà Nội, theo số liệu từ Sở Xây dựng, hiện toàn thành phố mới chỉ có 340 nhà vệ sinh công cộng, trong đó có 236 nhà xây cố định, phấn bố tại các ngõ, xóm, khu tập thể cũ và 104 nhà vệ sinh bằng thép được đặt trên các tuyền đường, nơi vui chơi giải trí hay các điểm chờ xe buýt. Vức mức độ dân số như hiện nay, số lượng các nhà vệ sinh công cộng như vậy là quá ít, vì thế, khi chưa xây dựng hoàn chỉnh hệ thống nhà vệ sinh công cộng, nhưng lại tăng mức xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực này đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều.

Trước khi tăng các cơ quan chức năng cũng cần phải xem lại, liệu cơ sở vật chất của chúng ta đã đủ đáp ứng nhu cầu của người dân hay chưa. Bên cạnh đó, việc thực thi xử phạt sẽ do cơ quan nào xử lý, xử phạt như thế nào?

Anh Cao Mạnh Hà (Mai Dịch, Cầu Giấy, HN) cho biết, nhiều lần tham gia giao thông trên đường anh Hà có nhu cầu đi vệ sinh, nhưng tìm mãi không thấy nhà vệ sinh công cộng ở đâu, bí bách anh phải vào trung tâm thương mại để đi vệ sinh nhờ. “Tôi thấy tăng mức xử lý vi phạm đối với hành vi tiểu tiện hay xả rác ngoài đường là hợp lý. Tuy nhiên, trước khi tăng các cơ quan chức năng cũng cần phải xem lại, liệu cơ sở vật chất của chúng ta đã đủ đáp ứng nhu cầu của người dân hay chưa. Bên cạnh đó, việc thực thi xử phạt sẽ do cơ quan nào xử lý, xử phạt như thế nào, có tiêu cực xảy ra không?. Thậm chí, với những người không có tiền nộp phạt thì có biện pháp chế tài như thế nào, hay với những người vi phạm nộp tiền xong mà không có biện pháp chế tài khác thì dễ dẫn đến nhờn luật?” – anh Hà đặt câu hỏi.

Về vấn đề này, luật sư Đào Đăng Sơn cũng cho rằng, tăng mức chế tài là việc nên làm, song điều quan trọng cần hoàn thiện hệ thống nhà vệ sinh công cộng, thùng rác công cộng để đáp ứng nhu cầu của người dân trước khi xử phạt. Bên cạnh đó, đối với người vi phạm cần phải đưa tên lên truyền thông, loa phát thanh công cộng của phường, ngoài ra cần giám sát chặt chẽ việc người dân vi phạm thông qua việc tăng cường lắp đặt camera công cộng, lắp đèn chiếu sáng tại các khu vực vắng người…

“Theo tôi nghĩ, trước khi xử phạt cần có những biên bản cảnh cáo lần 1, lần 2, rồi nêu tên lên các phương tiện truyền thông, trang tin phường, sau đó mới tiền hành xử phạt. Ngoài ra khi xử phạt hành chính, cần bắt người vi phạm phải khắc phục lỗi vi phạm ngay tại chỗ bằng hành động sách nước rửa, dọn rác. Đối với người vi phạm không có tiền nộp phạt, thì cần sử dụng biện pháp cưỡng chế lao động công ích, gửi giấy tờ vi phạm về địa phương. Bên cạnh đó, cần tăng cường đào tạo nghiệp vụ, tăng cường đội ngũ xử lý vi phạm và có bộ phận thanh tra chuyên trách xử lý vấn đề này, tránh tình trạng tiêu cực xảy ra. Đồng thời, đẩy mạnh giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho thế hệ tương lai, nhằm thay đổi nhận thức, thói quen sinh hoạt của người dân…giải quyết được vấn đề đó, luật chắc chắn sẽ đi vào cuộc sống” – luật sư Sơn cho hay.

Tuấn Minh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này