Thay đổi nhận thức để phát triển bền vững

22:11 | 24/11/2016
Việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, vùng sản xuất nhỏ, manh mún…là một trong những hạn chế khiến vấn đề sản xuất, tiêu thụ RAT còn gặp nhiều khó khăn.
thay doi nhan thuc de phat trien ben vung Đồng thuận, đồng lòng xây dựng nông thôn mới

RAT đáp ứng nhu cầu 60% người dân Hà Nội

Sau 7 năm thực hiện đề án sản xuất, tiêu thụ RAT trên địa bàn Hà Nội, diện tích canh tác RAT trên địa bàn Thủ đô đã tăng lên rõ rệt với 12.000ha diện tích RAT, phân bố rộng khắp trên 22 huyện, thị xã. Bên cạnh đó, chủng loại rau cũng đa dạng hơn với trên 40 loại, sản lượng đạt 600.000 tấn/năm, đáp ứng khoảng 60% nhu cầu người dân trên địa bàn Hà Nội.

thay doi nhan thuc de phat trien ben vung
Mô hình sản xuất RAT ở Thanh Xuân (Sóc Sơn).

Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, hiện trên địa bàn Thủ đô đã có 5000 ha diện tích trồng RAT được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm (ATTP); rau cơ bản đảm bảo ATTP: chỉ 1-2% số mẫu kiểm nghiệm vượt giới hạn tối đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), các loại bao bì thuốc BVTV sau khi sử dụng được thu gom, tiêu hủy đảm bảo vệ sinh môi trường. Đặc biệt, thói quen canh tác và sử dụng thuốc BVTV của người dân đã thay đổi rõ rệt.

Là một trong những xã đi đầu trong việc thực hiện, triển khai đề án sản xuất, tiêu thụ RAT trên địa bàn Hà Nội, trong những năm qua, được sự hỗ trợ của Sở NN&PTNT Hà Nội, Chi cục Bảo vệ thực vật TP Hà Nội, xã Thanh Xuân (Sóc Sơn), việc phát triển mô hình RAT trên địa bàn xã thay đổi mạnh mẽ. Với diện tích ban đầu 7.700m (năm 2008), đến nay diện tích RAT trên địa bàn xã đã tăng lên 21ha. Qua đó, mỗi tháng cung cấp cho thị trường Hà Nội bình quân từ 30-50 tấn RAT. Ông Hoàng Văn Mót – CTHĐQT, Giám đốc HTX Bái Thượng (xã Thanh Xuân, Sóc Sơn) cho biết, trong quá trình sản xuất RAT việc phát triển, nâng cao cơ cấu tổ chức hoạt động của các nhóm, liên nhóm là một trong những vấn đề hết sức quan trọng. Bởi trong quá trình sản xuất, các nhóm và liên nhóm sẽ có nhiệm vụ tự giám sát lẫn nhau. Qua đó, nâng cao hiệu quả kinh tế, nâng cao ý thức và chủ động hơn trong sản xuất, đồng thời hạn chế sử dụng thuốc các loại thuốc BVTV.

Là một trong những đơn vị phân phối rau hữu cơ Thanh Xuân (Sóc Sơn), ông Trần Quân, Giám đốc chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Sói Biển cho hay, đề án sản xuất, tiêu thụ RAT là rất tốt, nó không chỉ mang lại niềm tin cho người nông dân, mà thông qua các cửa hàng phân phối, hệ thống siêu thị, các loại RAT, thực phẩm sạch sẽ đến gần hơn với người tiêu dùng. Điều quan trọng đó là, đề án giúp người nông dân, người tiêu dùng thay đổi thói quen, nhận thức và phong tục tập quán về trồng trọt, mua sắm. “Bên cạnh việc thực hiện tốt chỉ đạo của đề án sản xuất, tiêu thụ RAT; chúng tôi đã có nhiều chương trình, kế hoạch nhằm tăng cường chuỗi liên kết với người dân, vùng trông RAT. Trong quá trình hợp tác, phát hiện những sai sót hoặc cách làm chưa hiệu quả, chúng tôi đưa ra ý kiến, phối hợp cùng bà con cải thiện, nâng cao chất lượng sản phẩm, quy chế đóng gói, tem nhãn…làm sao để mang lại nguồn thu nhập tốt nhất cho người nông dân, cũng như cho chính các doanh nghiệp, các nhà phân phối, đồng thời đảm bảo lợi ích cho người tiêu dùng” – ông Trần Quân nói

Khắc phục những bất cập

Việc thành công của đề án sản xuất, tiêu thụ RAT trên địa bàn Hà Nội trong thời gian qua cho thấy, đề án đã và đang đi đúng hướng và mang lại nhiều lợi ích cho người nông dân, cũng như người tiêu dùng. Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất, tiêu thụ RAT, người nông dân gặp không ít khó khăn, đặc biệt là vấn đề đầu ra cho sản phẩm, bên cạnh việc thu hút lao động vào lĩnh vực nông nghiệp cũng là một trong những vấn khó khăn, bất cập.

Ông Hoàng Văn Mót, Giám đốc HTX Bái Thượng cho rằng, hiện nay việc sản xuất nông nghiệp, cụ thể là phát triển RAT ở địa phương vẫn còn gặp nhiều khó khăn, trong đó việc chưa có quy chuẩn chung, quy chuẩn quốc tế về RAT, khiến cho người trồng gặp nhiều bất lợi. Ngoài ra, quỹ đất để phát triển loại hình này còn thiếu, người dân, HTX vẫn còn thiếu đất, sản xuất manh mún, hệ thống kênh mương nội đồng chưa phát triển, khiến cho việc sản xuất, giao thương gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt lao động địa phương tham gia vào mô hình này chủ yếu là lao động già, không thu hút được lao động trẻ. Điều này cho thấy, mặc dù RAT đang phát triển mạnh, nhưng sản xuất còn gặp nhiều rủi do, thu nhập còn bấp bênh, khiến lao động trẻ không mặn mà với đồng ruộng.

Cùng chung quan điểm với ông Mót, ông Trần Quân, Giám đốc chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Sói Biển chia sẻ, hiện nay chưa có tổ chức nào được nhà nước thành lập, hoặc chỉ định hoạt động chứng nhận sản phẩm hữu cơ cho thị trường nội địa, đặc biệt là công tác kiểm tra, giám sát chất lượng sản phẩm nông nghiệp còn nhiều hạn chế. Do vậy, dù doanh nghiệp, HTX tuân thủ tuyệt đối quy trình sản xuất theo phương pháp hữu cơ vẫn chưa được công nhận. Điều đó ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất và tiêu thụ sản phẩm…

Trước những khó khăn trên, ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, thời gian tới Sở sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, tăng cường hỗ trợ đạo tạo, chuyển giao kỹ thuật để người dân không sử dụng thuốc BVTV khi cạnh tác, đồng thời đẩy mạnh kiểm tra ATTP và xử lý vi phạm. Bên cạnh đó, sẽ kiến nghị Chính phủ sớm ban hành qui định về kiểm soát nguồn gốc xuất xứ, sửa đổi những bất cập trong vấn đề chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP, ban hành quy chế sản xuất rau hữu cơ…để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nông dân, người tiêu dùng, doanh nghiệp phát triển, thay đổi ý thức hướng đến thực phẩm sạch, thực phẩm an toàn.

Đạt Đỗ

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này