Thương binh Đỗ Đình Ngô: Làm giàu từ một bàn tay

15:17 | 08/11/2016
Về thôn Ngãi Cầu (xã An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội) hỏi thương binh Đỗ Đình Ngô, không ai là không biết. Là một thương binh loại 3/4, nhưng cơ ngơi mà ông xây dựng khiến cho nhiều người không khỏi giật mình và nể phục. 
thuong binh do dinh ngo lam giau tu mot ban tay Người Hiệu trưởng tâm huyết với nghề
thuong binh do dinh ngo lam giau tu mot ban tay Tấm gương của niềm tin và hy vọng
thuong binh do dinh ngo lam giau tu mot ban tay Làm giàu từ nấm Linh Chi đỏ

Sinh ra trong một gia đình thuần nông đông con, nghèo khó, mới học đến lớp 4, Đỗ Đình Ngô đã phải nghỉ học để giúp bố mẹ chăm lo việc nhà. Năm 1967, khi mới ở tuổi 17, chàng trai trẻ Đỗ Đình Ngô viết đơn xung phong nhập ngũ.

Sau một thời gian huấn luyện ở Hòa Bình, ông được bổ sung vào Đoàn 59, đi bộ hơn 3 tháng mới vào đến chiến trường, trực tiếp làm đường mòn Hồ Chí Minh. Với nhiều thành tích trong chiến đấu, người lính công binh Đỗ Đình Ngô được kết nạp vào Đảng CSVN giữa chiến trường khốc liệt đạn bom, khi mới 20 tuổi.

thuong binh do dinh ngo lam giau tu mot ban tay
Thương binh Đỗ Đình Ngô tâm huyết với trang trại gà của mình.

Sau khi bị thương, phải để lại cánh tay phải ở chiến trường năm 1972, ông được chuyển ra Trung tâm Thương binh Ba Vì (Hà Tây cũ, nay thuộc Hà Nội). Tháng 6/ 1975, sau 3 năm an dưỡng, ông cùng 15 đồng chí khác được lãnh đạo huyện Hoài Đức đón về quê. Ngày trở về, xen lẫn niềm hạnh phúc đoàn tụ là những giọt nước mắt đắng nghẹn bởi bản thân mất một bên tay phải, tài sản duy nhất ông có là chiếc ba lô đã sờn màu.

Tay phải không còn, mọi việc phải học lại từ đầu như hồi còn nhỏ, trước tiên, ông học cầm đũa ăn cơm, sau cầm bút viết, cầm chổi, xách nước, gánh lúa, đập lúa... bằng tay trái, ông Ngô kể, có lúc học mãi không làm được, muốn khóc mà nghẹn ngào không thành lời, nhớ lời Bác Hồ dạy: “Thương binh tàn nhưng không phế”, lại nghĩ mình là đảng viên, được Đảng và Quân đội rèn luyện, thấy mình như được tiếp thêm ý chí quyết tâm và nghị lực để vươn lên. Ông tâm sự: “Mình phải học ăn trước, học ăn rồi lại học làm, mình phải nuôi được bản thân mình trước đã chứ”.

Sau bao năm thay đổi công việc, ông lựa chọn làm nghề ấp trứng gà. Hiện tại, ông là chủ nhân trang trại gần 4.000 m2, cứ 4 ngày cho ra 30.000 - 50.000 gà con, trang trại luôn có 10 lao động, chủ yếu là con thương binh, với mức lương bình quân từ 5,5 - 6 triệu đồng/tháng.

Hàng ngày, ông cùng làm, cùng ăn với công nhân, coi họ như người thân trong nhà, ai đau ốm đều được chăm sóc tại bệnh viện, viện phí được ông chi trả. Nhờ cách đối xử ân cần, mọi người đều hết mình với công việc. Theo ông, để có được thành công như ngày hôm nay, mình phải đi kịp cơ chế, đi kịp thời đại, biết cải tiến từ trong suy nghĩ thì mới có thể phát triển được.

Dù tuổi đã cao, nhưng vì mong muốn của mình, thương binh Đỗ Đình Ngô ngày đêm nghiên cứu, tìm phương pháp duy trì, phát triển sự nghiệp, ông đùa: “Nhiều anh chị hỏi sao già rồi mà chưa nghỉ, nhưng tôi định vài ba năm nữa, mở rộng ít diện tích trang trại, con cái quản lý ổn định, tôi cũng thôi, cứ phải đợi khi nào làm ăn nhầm lẫn vài ba vụ thì mới giao cho chúng nó được”.

Tiếp xúc với thương binh Đỗ Đình Ngô, ai đấy đều “vỡ” ra đươc nhiều điều, rằng “lính cụ Hồ” chiến tranh thì chiến đấu giỏi, thời bình thì lao động giỏi, không những thế, suy nghĩ lúc nào cũng kịp thời và tân tiến.

Hồng Hải

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này