An toàn lao động tại các làng nghề:

Cần được quan tâm đúng mức

08:08 | 02/11/2016
Môi trường lao động tại các làng nghề luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro khi người lao động chưa được trang bị đầy đủ thiết bị bảo hộ; người lao động còn chủ quan, thiếu kỹ năng cần thiết trong việc thực hiện an toàn lao động.  Vì thế, khi tai nạn lao động xảy ra, thiệt thòi nhất chính là người lao động.
can duoc quan tam dung muc Nồi hơi trong sản xuất: Cẩn trọng với "quả bom"
can duoc quan tam dung muc Biết luật để tránh mất quyền lợi
can duoc quan tam dung muc Vẫn nơm nớp tai nạn từ cần cẩu

Theo thống kê, trên địa bàn Hà Nội hiện có khoảng 1.350 làng nghề, trong đó có gần 300 làng nghề truyền thống được công nhận. Việc phát triển các làng nghề đã giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần xoá đói giảm nghèo. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích mang lại, người lao động tại các làng nghề hiện nay cũng đang phải đối diện với rất nhiều nguy cơ về vấn đề an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ).

can duoc quan tam dung muc

Qua tìm hiểu cho thấy, phần lớn cơ sở sản xuất ở làng nghề có quy mô nhỏ, thường đặt tại gia đình, người thợ chủ yếu làm việc bằng kinh nghiệm, truyền nghề cho nhau. Việc trang bị bảo hộ lao động ở nhiều cơ sở mang tính đối phó. Bên cạnh đó, môi trường lao động tại các làng nghề luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro một phần do chủ cơ sở chưa đầu tư máy móc, thiết bị có độ an toàn cao, người thợ chưa được trang bị đầy đủ thiết bị bảo hộ; một bộ phận công nhân còn chủ quan, thiếu kỹ năng, kiến thức bảo vệ mình trong hoạt động sản xuất. Việc tổ chức sản xuất tổ chức lao động không hợp lý, với lao động thủ công chiếm tới 70 - 80 % , và có tới gần 80% các khâu trong dây chuyền công nghệ người lao động phải làm việc trong điều kiện nặng nhọc, vất vả.

Cùng với mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận nên các cơ sở thường ít chú ý đầu tư cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động, việc thực hiện các trách nhiệm pháp lý về môi trường, an toàn vệ sinh lao động hầu như không thực hiện; không có hoặc thiếu bộ phận làm công tác ATVSLĐ; không trang bị hoặc trang bị không đầy đủ các phương tiện bảo vệ cá nhân cho NLĐ; việc tổ chức huấn luyện ATVSLĐ cho NLĐ mang tính sơ sài, hình thức, thậm chí nhiều nơi không tổ chức huấn luyện … Mặc dù, theo Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2016, khi tuyển dụng, người sử dụng lao động phải tổ chức tập huấn về ATVSLĐ, phòng, chống cháy nổ song vì lợi nhuận, chủ cơ sở sản xuất đã bỏ qua, dẫn đến hiểu biết và ý thức chấp hành kỷ luật lao động của người lao động hạn chế.

Theo các chuyên gia, để tăng cường công tác ATVSLĐ và cải thiện môi trường khu vực làng nghề, công tác tuyên truyền, hướng dẫn, vận động người dân nâng cao ý thức trách nhiệm cần được chú trọng.Ngoài ra cần phải có các quy định chặt chẽ về điều kiện hoạt động sản xuất kinh doanh đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Những cơ sở nào không đảm bảo yêu cầu về ATVSLĐ thì không cho hoạt động. Mặt khác, các cấp chính quyền cũng cần chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho các cơ sở sản xuất và người lao động về bảo đảm ATVSLĐ và bảo vệ môi trường; tăng cường các cuộc thanh kiểm tra việc tuân thủ luật pháp về lĩnh vực ATVSLĐ, kiểm tra việc sử dụng các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn tại các hộ gia đình, doanh nghiệp. Có như vậy, mới đảm bảo ATVSLĐ, phòng tránh được các TNLĐ tại các khu vực làng nghề.

Thanh Hoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này