Nguyên nhân chính phải tăng tuổi nghỉ hưu

15:51 | 26/10/2016
Theo tính toán của BHXH, số người đóng BHXH cho một người hưởng lương hưu của nước ta ngày càng giảm. Nếu năm 1996 có 217 người đóng cho 1 người hưởng, thì năm 2000 giảm xuống 34 người; năm 2012 là 9,3 người; đến năm 2015 chỉ có 8,13 người đóng cho 1 người hưởng.
nguyen nhan chinh phai tang tuoi nghi huu Đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu: Nên tính tới đặc thù nghề nghiệp
nguyen nhan chinh phai tang tuoi nghi huu Dự kiến tăng tuổi nghỉ hưu: Không thể nâng đều cho mọi đối tượng
nguyen nhan chinh phai tang tuoi nghi huu
Tăng tuổi nghỉ hưu đồng nghĩa với việc thiết lập những chính sách phù hợp, linh hoạt. Ảnh minh họa

Tuổi nghỉ hưu của Việt Nam đang được quy định là 60 đối với nam, 55 đối với nữ và độ tuổi nghỉ hưu này đã duy trì từ rất lâu. Hiện nay, tuổi thọ bình quân của nước ta tăng lên 73, nếu thời gian bình quân đóng BHXH và tuổi nghỉ hưu vẫn giữ nguyên thì thời gian hưởng lương hưu kéo dài khoảng 20 năm. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng mất cân đối quỹ BHXH.

Tại cuộc họp cung cấp thông tin định kỳ chiều 26/10, báo cáo của BHXH Việt Nam cho thấy, thực tế tuổi nghỉ hưu ở nước ta thấp hơn nhiều so với quy định: Tuổi nghỉ hưu bình quân năm 2012 chỉ là 54,17 tuổi, trong đó nam là 55,61 tuổi và nữ là 52,56 tuổi; tỷ lệ nghỉ hưu đúng tuổi chiếm khoảng 40,5%; số người nghỉ hưu sớm trước tuổi chiếm tỷ lệ cao, trên 50%.

Nguyên nhân của tình trạng tuổi nghỉ hưu thấp là do Luật BHXH năm 2006 quy định tỷ lệ giảm trừ cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi thấp, chỉ 1%; sang Luật BHXH năm 2014 đã điều chỉnh nâng lên 2%. Tuy nhiên, theo khuyến nghị của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), tỷ lệ giảm trừ này phải từ 5-6% thì mới hạn chế số người nghỉ hưu trước tuổi.

Theo Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu, quỹ BHXH là quỹ tài chính dài hạn với nguyên tắc cơ bản là đóng và hưởng, được hình thành chủ yếu từ đóng góp của người sử dụng lao động, người lao động và sự hỗ trợ của Nhà nước trong một số trường hợp nhằm bảo đảm khả năng chi trả các chế độ BHXH cho người lao động và thân nhân của họ. Vì vậy, quỹ BHXH được Nhà nước bảo hộ và ban hành các chính sách nhằm bảo toàn, tăng trưởng quỹ để bảo đảm an sinh xã hội bền vững.

Hiện nay, đang có sự mất cân đối giữa mức đóng và mức hưởng của quỹ hưu trí, chủ yếu do tỷ lệ đóng là 22% tiền lương tháng, trong khi tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa là 75% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH. Tỷ lệ hưởng lương hưu bình quân của nam là 2,5% cho một năm đóng, của nữ là 3% cho một năm đóng là quá cao so với bình quân các nước trên thế giới (chỉ là 1,7%).

Mặt khác, quy định điều kiện hưởng BHXH một lần quá thuận lợi và mức hưởng tăng lên so với quy định cũ (những năm đóng từ năm 2014 trở đi được tăng từ 1,5 tháng lên 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH).

Đưa chế độ hưu trở về đúng bản chất

Theo lý giải của BHXH Việt Nam, điều chỉnh tuổi hưu là cần thiết, bởi lẽ nghiên cứu kinh nghiệm của các nước phát triển như Mỹ, Đức, Italy, Tây Ban Nha và các nước trong khu vực như Lào, Campuchia… thì khi tuổi thọ bình quân tăng, các nước này đều có chính sách điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo hướng tăng lên tương ứng nhằm bảo đảm giữ vững ổn định quỹ hưu trí.

Ở Việt Nam tuổi thọ bình quân tăng nên việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu là phù hợp. Trước mắt có thể thực hiện đối với một số nhóm đối tượng, sau đó mở rộng ra toàn bộ lực lượng lao động, theo hướng bảo đảm bình đẳng giới, phù hợp với đặc thù nghề nghiệp, đặc điểm tâm sinh lý, điều kiện lao động, tận dụng nguồn lao động chất lượng cao, nhưng cũng phải tính đến việc bố trí việc làm cho lao động trẻ.

Theo tính toán của BHXH, số người đóng BHXH cho một người hưởng lương hưu của nước ta ngày càng giảm. Nếu năm 1996 có 217 người đóng cho 1 người hưởng, thì năm 2000 giảm xuống 34 người; năm 2012 là 9,3 người; đến năm 2015 chỉ có 8,13 người đóng cho 1 người hưởng.

Khi số người hưởng BHXH một lần hằng năm lớn sẽ dẫn đến quỹ phải chi tiền sớm và mục đích an sinh xã hội lâu dài cho mọi người lao động chưa đạt được.

BHXH Việt Nam đề xuất, với quy định tăng tuổi nghỉ hưu cần bổ sung quy định: Khi đã đủ tuổi nghỉ hưu mà người lao động tiếp tục làm việc thì tiếp tục được đóng BHXH.

Trong quá trình làm việc quá tuổi, nếu người lao động dừng làm việc tại bất kỳ thời điểm nào thì đều được hưởng lương hưu mà không bị ràng buộc bởi điều kiện nào (tính cơ động cao phù hợp với điều kiện nền kinh tế thị trường, đồng thời cũng là quy định mở cho người lao động và người sử dụng lao động trong việc sử dụng lao động theo quy định của pháp luật lao động khi hai bên đều có nhu cầu và người lao động đáp ứng đủ các điều kiện như: Kinh nghiệm, tay nghề, trình độ chuyên môn, khoa học kỹ thuật).

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này