Khảo thí tiếng Anh:

Bao giờ mới là “thước đo” ?

09:53 | 20/10/2016
Khảo thí ngoại ngữ là một phần quan trọng của quá trình dạy và học ngoại ngữ. Thế nhưng, ở nước ta lâu nay việc dạy và học ngoại ngữ chẳng khác gì kiểu dạy  cho người “câm - điếc”. Do đó, tìm kiếm phương thức khảo thí mới để kiểm tra và đánh giá được trình độ, năng lực sử dụng tiếng Anh của người học đang là mối quan tâm hàng đầu của các nhà quản lý giáo dục Việt Nam.
bao gio moi la thuoc do Hội nghị quốc tế về khảo thí môn Tiếng Anh
bao gio moi la thuoc do Bộ GD&ĐT chính thức công bố dự thảo phương án thi năm 2017
bao gio moi la thuoc do Nhân sự Việt Nam: Mất cơ hội vì ngoại ngữ kém

Phát biểu tại Hội nghị quốc tế về khảo thí ngoại ngữ New Directions 2016 mới đây, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Bùi Văn Ga đã khẳng định: "Khảo thí ngoại ngữ là công cụ không thể thiếu trong quá trình dạy và học ngôn ngữ. Nó có thể được xem như thước đo khả năng sử dụng ngoại ngữ thực tế của học viên. Trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, công tác khảo thí ngoại ngữ lại càng có ý nghĩa quan trọng”.

Đồng quan điểm, bà Cherry Gough - Giám đốc Hội đồng Anh Việt Nam cũng cho rằng, khảo thí ngôn ngữ chính xác và hiệu quả là một phần quan trọng của quá trình dạy và học ngôn ngữ. Vì thế, việc nghiên cứu và tìm ra những phương thức tiên tiến nhất để giúp giáo viên Việt Nam, các trường và các nhà tuyển dụng kiểm tra được trình độ tiếng Anh của người học là vô cùng quan trọng. Nó giúp cho mục tiêu xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao cũng như mở ra các cơ hội giáo dục quốc tế, cơ hội việc làm tốt hơn và mở rộng mối quan hệ giao lưu với người dân và các tổ chức trên thế giới…

bao gio moi la thuoc do
Tìm kiếm phương thức khảo thí mới đang là mối quan tâm hàng đầu của các nhà quản lý giáo dục.

Thế nhưng, theo TS Nguyễn Thị Ngọc Quỳnh - Giám đốc Trung tâm khảo thí Đại học Ngoại ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội), dù khảo thí là hoạt động quan trọng, một khâu thiết yếu trong quá trình dạy và học ngoại ngữ. Nhưng ở Việt Nam, hoạt động này không được quan tâm ngay từ đầu. Vai trò của khảo thí ngoại ngữ chỉ được đặt đúng vị trí từ năm 2007, khi chuẩn bị cho Đề án ngoại ngữ 2020. Hiện, Bộ GDĐT đã và đang xây dựng nội lực khảo thí, giảm dần sự lệ thuộc vào khảo thí nước ngoài tiến đến xây dựng những công cụ đánh giá năng lực của Việt Nam. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách tổng thể khảo thí tiếng Anh của Việt Nam vẫn còn thiếu và yếu ở nhiều chỗ. “Thực tế cho thấy, nhiều trường đại học, cao đẳng áp dụng chuẩn đầu ra tiếng Anh cho sinh viên. Tuy nhiên, hiện tượng dù đạt chuẩn mà “nói không thông viết không thạo” vẫn còn diễn ra khá phổ biến đối với sinh viên các trường ĐH- CĐ”- bà Quỳnh nhìn nhận.

Vì thế, theo TS Vũ Thị Phương Anh - Phó giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng và Hỗ trợ chất lượng giáo dục, Hiệp hội các trường ĐH - CĐ Việt Nam, chừng nào Việt Nam chưa việc thay đổi hoạt động khảo thí cũng như chuyển việc dạy và học tiếng Anh từ áp lực sang động lực thì chất lượng tiếng Anh vẫn khó có thể cải thiện. Bên cạnh đó, việc xem xét đến tính vùng miền, địa phương khi đưa ra các mức chuẩn trong kiểm tra đánh giá cũng vô cùng quan trọng. “Bởi điều kiện kinh tế xã hội và mục tiêu phát triển của các vùng miền là khác nhau. Do vậy muốn thay đổi khảo thí để nâng cao chất lượng tiếng Anh cũng không nên cào bằng, thực hiện ồ ạt cho đồng loạt cả 63 tỉnh thành mà nên bắt đầu ở những thành phố lớn khi trình độ của người học đã đạt đến một mức nhất định”- TS Phương Anh khuyến nghị.

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia giáo dục, hiện cả nước mới chỉ có 10 cơ sở trực thuộc Bộ GDĐT được công nhận khả năng khảo thí ngoại ngữ, đủ khả năng đánh giá, kiểm tra, rà soát và cấp giấy chứng nhận cho người học. Song lại chưa có đơn vị nào giám sát bảo đảm chất lượng của 10 cơ sở trên cũng như chưa có những chính sách phù hợp để bảo đảm chất lượng việc đánh giá năng lực ngoại ngữ. Trao đổi cụ thể hơn về vấn đề này, bà Quỳnh cho rằng, việc khảo thí vẫn chưa bám sát với nhu cầu thực tế và có độ vênh nhất định khi những gì nhà trường đánh giá chưa thực sự phù hợp với nhu cầu của đơn vị sử dụng lao động. Tức là khả năng sử dụng ngoại ngữ trong thương lượng, đàm phán, nghiên cứu…của người học trong công việc. Trong khi đó, các đề thi đánh giá của các đơn vị, cơ sở tiến hành kiểm tra cũng chưa thực sự đủ chất lượng để có thể đánh giá chính xác trình độ của người học dẫn đến đầu ra chưa thực chất… Dẫn đến chứng chỉ tiếng Anh của Việt Nam cấp vẫn chỉ được lưu hành nội địa, chưa được quốc tế công nhận. Đây chính là rào cản lớn đối với nhân lực Việt Nam trong quá trình hội nhập mở cửa.

Hữu Thành

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này