Thịt lợn biến thành thịt bò:

Người tiêu dùng bị lừa đến bao giờ?

09:59 | 11/10/2016
Rốt cuộc cơ quan nào phải chịu trách nhiệm chính trong việc để xảy ra tình trạng “thịt lợn biến thành thịt bò” gây bức xúc dư luận thời gian qua đến nay vẫn chưa có câu trong trả lời. Còn hàng ngày, hàng giờ  thịt lợn mạo danh thịt bò vẫn cứ được bày bán…
tin nhap 20161011094028 Đừng quảng cáo một đàng, bán hàng một nẻo
tin nhap 20161011094028 Cẩn thận với thị trường đồ ăn chay

Không nguồn gốc, không giấy phép kinh doanh vẫn bán

Chiều 8/10, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền đã ký văn bản về việc báo cáo nhanh kết quả kiểm tra, xác minh thông tin phản ánh về an toàn thực phẩm (ATTP) gửi UBND TP Hà Nội.

Theo đó, tại thời điểm kiểm tra, chợ Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm) có hơn 40 hộ kinh doanh thịt gia súc, gia cầm, trong đó có 4 hộ kinh doanh thịt bò. Khi tiến hành kiểm tra 2 hộ kinh doanh thịt gia súc, gia cầm tại đây, họ đã bán hết hàng. Tuy nhiên, khi kiểm tra trên giấy tờ, 2 hộ kinh doanh này không có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (GCNĐKKD), không có Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật ngoài tỉnh, nhưng đã được cán bộ thú y tại chợ kiểm tra và xác nhận đủ tiêu chuẩn bán ra thị trường. Kiểm tra tại chợ Cổ Nhuế cũng quận Bắc Từ Liêm cho thấy có 20 hộ kinh doanh thịt gia súc, gia cầm, trong đó có 4 hộ kinh doanh thịt bò. Riêng tại hộ kinh doanh Vũ Thị Phương (bị báo chí phản ánh), qua tiến hành kiểm tra, xác minh thì hộ kinh doanh này đã tạm dừng hoạt động.

tin nhap 20161011094028
Người dân đang chờ cơ quan chức năng làm rõ việc có hay không “thịt lợn hô biến thành thịt bò”.

Còn tại chợ Gạch (huyện Phúc Thọ) có 35 hộ kinh doanh thịt gia súc, gia cầm, trong đó có 2 hộ kinh doanh thịt bò. Tại thời điểm kiểm tra hộ kinh doanh các sản phẩm thịt bò, thịt lợn, thịt gà Nguyễn Quang Thái (địa chỉ thôn Dục, Thọ Lộc, Phúc Thọ), cơ sở không xuất trình được Giấy đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP, Giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y. Cơ sở này báo cáo nhập thịt của bà Nguyễn Thị Bích Ngọc và Nguyễn Thị Giang tại chợ Nghệ (Sơn Tây) nhưng không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc của thực phẩm.

Đoàn kiểm tra đã yêu cầu ông Nguyễn Quang Thái dừng việc kinh doanh và chỉ được kinh doanh thực phẩm khi thực hiện đầy đủ các điều kiện đảm bảo ATTP theo quy định.
Trước những vi phạm trên, Sở Y tế Hà Nội đề nghị UBND quận Bắc Từ Liêm, UBND huyện Phúc Thọ tiếp tục kiểm tra, xác minh thông tin, làm rõ vấn đề “thịt lợn phù phép thành thịt bò” có hay không trên địa bàn, đồng thời xử lý vi phạm (nếu có) đối với các hộ kinh doanh thịt gia súc trên địa bàn. Ngoài ra, Ban Quản lý chợ đầu mối Minh Khai, chợ Cổ Nhuế, chợ Gạch phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường công tác quản lý các hộ kinh doanh thịt lợn, thịt bò đảm bảo ATTP, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Người tiêu dùng nói gì?

Về vấn đề “thịt lợn biến thành thịt bò” Cô Nguyễn Thị Tuyết (phố Minh Khai) nêu kiến nghị, các cơ quan chức năng cần phải xử lý nghiêm, bởi nhiều năm nay người dân đang bị lừa, tiền thật mua của giả. Hơn nữa, việc cô Tuyết lo ngại đó là hóa chất mà những tiểu thương này sử dụng để giúp “thịt lợn thành thịt bò” sẽ ảnh hưởng như thế nào tới sức khỏe của người tiêu dùng. “Tại sao đã có cơ quan quản lý là Cục Thú y tại sao vẫn để cho các hộ kinh doanh không có giấy phép, không có giấy chứng nhận nguồn gốc mà vẫn được bày bán công khai. Phải chăng, có sự tiếp tay của cơ quan chức năng?”- cô Tuyết nhấn mạnh.

Việc biến thịt lợn thành thịt bò rõ ràng là một dạng làm ăn gian dối, do đó cần phải truy cứu trách nhiệm hình sự. Còn đối với những cơ quan chức năng tiếp tay cho các tiểu thương trong việc gian dối trong kinh doanh (nếu có đầy đủ chứng cứ) cũng phải chịu trách nhiệm liên đới.

Cùng quan điểm trên, bác Lê Xuân Vĩnh (Cổ Nhuế) cho rằng, nếu cơ quan chức năng muốn lấy mẫu để xác minh đó là thịt bò giả hoàn toàn không khó. Vì hoạt động kinh doanh của các tiểu thương bán thịt bò hay các loại thịt thường vào buổi sáng sớm, nhưng “lạ thay” cơ quan chức năng lại đến vào buổi trưa thì đương nhiên họ sẽ bán hết hàng.

Cũng liên quan đến vấn đề thịt bò được “hô biến” thành thịt lợn, cách đây không lâu, tại cuộc họp báo về tháng hành động về ATTP kết quả khá bất ngờ. Theo đó, trong số 44 mẫu thịt bò tươi được lấy phân tích, chỉ có 35 mẫu là thịt bò, còn lại 1 mẫu là thịt trâu, 8 mẫu là thịt lợn. Với 12 mẫu nạm bò, phân tích đã xác định có 10 mẫu thịt là nạm bò thật, 2/12 mẫu là thịt lợn. Trong số 10 mẫu thịt bò được lấy tại các cửa hàng bán phở bò, có hai cửa hàng bán phở bò thực chất là phở thịt lợn. Đáng lưu ý, 23 mẫu xúc xích bò được lấy phân tích, có 8 mẫu không phát hiện hàm lượng thịt bò, 15 mẫu hàm lượng thịt bò rất thấp. Ngoài ra, 20 mẫu giò bò được phân tích có 9/20 mẫu không thấy thịt bò; 8/20 mẫu hàm lượng bò rất thấp (ở mức 13%); 2/20 mẫu xác định thịt bò chiếm khoảng 30 - 33%; chỉ một mẫu có lượng bò cao nhất nhưng cũng chỉ chiếm 60%.

Theo Luật sư Nguyễn Việt Hùng (Văn phòng Luật sư Kinh Đô), việc biến thịt lợn thành thịt bò rõ ràng là một dạng làm ăn gian dối, do đó cần phải truy cứu trách nhiệm hình sự . Còn đối với những cơ quan chức năng tiếp tay cho các tiểu thương trong việc gian dối trong kinh doanh (nếu có đầy đủ chứng cứ) cũng phải chịu trách nhiệm liên đới.

Đủ khả năng test để xác định thịt lợn hay thịt bò đã có. Cơ quan chức năng cũng đã báo cáo về tình hình kinh doanh thịt ở các chợ, song vấn đề quan trọng nhất cơ quan nào phải chịu trách nhiệm chính thì vẫn chưa rõ ràng. PV LĐTĐ đã liên hệ với các sở là Y tế và Nông nghiệp đều chưa nhận được câu trả lời.

Thu Trang

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này