Câu lạc bộ phụ nữ nhập cư:

Nơi hai tiếng nói gặp nhau

14:28 | 06/10/2016
Theo báo cáo của Trung tâm phát triển cộng đồng (Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) hiện khoảng 40 - 50 % người di cư ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là phụ nữ, và họ phải đối mặt với nhiều thử thách khắc nghiệt.  Tuy nhiên, với sự góp sức của cộng đồng cũng như những chính sách an sinh kịp thời họ đã trở thành một lực lượng lao động quan trọng của những miền đất họ đến.
tin nhap 20161006091837 Hỗ trợ pháp lý cho lao động nữ nhập cư: Hiệu quả từ cách làm hay
tin nhap 20161006091837 Lao động nhập cư cần được tiếp cận các chính sách an sinh

Trăm nỗi éo le

Chúng tôi tìm đến khu trọ chật hẹp nằm sâu trong một con ngõ nhỏ thuộc phường Định Công (Hoàng Mai) là nơi thuê trọ của khoảng 30 nữ lao động nhập cư. Họ ngủ trên những chiếc chiếu trải trực tiếp xuống nền nhà, mùa đông lạnh cắt da, mùa hè nóng như thiêu vì chật chội. Thậm chí, hơn 10 người dùng chung một nhà tắm nhỏ… đồ dùng thì tuềnh toàng, không ti vi cũng chẳng có vật dụng gì giá trị.

tin nhap 20161006091837
Phụ nữ nhập cư ở Hà Nội chủ yếu mưu sinh bằng nghề bán hàng rong. Ảnh minh họa.

Để kiếm tiền, các nữ lao động nhập cư đã phải làm đủ mọi công việc rất vất vả. Hai công việc phổ biến và dễ tiếp cận để họ có thể tăng thu nhập là bán hoa quả, rau xanh và thu mua phế thải. Trò chuyện với chúng tôi trong số 30 phụ nữ thuê trọ nói trên có tới 19 người làm nghề bán rong (hoa quả và rau). Chị Hậu, một người phụ nữ nhập cư 37 tuổi đến từ tỉnh Hải Dương chia sẻ, chị sống cùng với cô con gái 12 tuổi tại phường Thịnh Liệt, mỗi ngày đạp xe quanh Hà Nội để bán hoa quả dạo. “Mùa nào thức nấy, hôm nào may mắn kiếm được khoảng 120 nghìn đồng. Hôm nào ế chỉ đủ 2 mẹ con lấy tiền chi tiêu trong ngày. Vất vả lắm nhưng biết làm sao. Ở quê ruộng đất ngày một thu hẹp, khó khăn lắm”- chị Hâu tâm sự.

Kiếm kế mưu sinh nơi thành phố khó khăn, nên đa số các chị, các em mà chúng tôi có dịp tiếp xúc đều muốn đổi sang nghề giúp việc cho gia đình. Tuy nhiên, vì đa số xuất thân từ thôn quê, lại quen với công việc bán hàng rong, nên muốn làm nghề giúp việc gia đình không phải chuyện đơn giản. Chị Nguyễn Thị Lành đến từ Thái Bình cho hay: “Nếu không có người giới thiệu và có kinh nghiệm, thì rất khó tìm việc. Tôi cũng sợ rằng, mình không thể thỏa mãn yêu cầu của chủ nhà thành phố vì chưa quen với nếp sống của người dân đô thị”.

Việc làm, thu nhập đã khó song điều đáng nói họ hầu như không có bất kỳ sự bảo trợ của tổ chức xã hội nào. Phần lớn trong số các chị làm nghề tự do, còn nếu làm nghề giúp việc thì đa số không có hợp đồng lao động. Đã thế, theo thống kê có đến 99% lao động nhập cư không có bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế vì thế thường gặp khó khăn tiếp cận dịch vụ y tế.

Nữ lao động nhập cư bị cô lập với cộng đồng

Theo báo cáo của Hội Phụ nữ phường Phúc Xá (Ba Đình) có khoảng 700 nữ lao động nhập cư, chiếm 1/3 số lao động nhập cư trong phường. Phần lớn họ đều để con ở quê với gia đình vì khó khăn về nhà ở và việc học hành của trẻ ở Hà Nội. Đại diện Hội Liên hiệp phụ nữ phường Phúc Xá cho biết, cá biệt có trường hợp người nhập cư ( cả vợ lãn chồng có thu nhập khá vì làm những việc có thu nhập như xây dựng, buôn bán nhỏ - PV…) phải trả đến 30 triệu đồng cho người đứng ra đăng ký cho con của họ đi học. Vì thế, rất ít nữ lao động nhập cư mang theo con lên Hà Nội.

Vấn đề cũng đáng quan tâm theo kết quả khảo sát của Trung tâm Phát triển cộng đồng (CFSCD) thì nữ lao động nhập cư họ luôn gặp khó khăn khi đăng ký thường trú, bởi thủ tục rườm rà, phức tạp và bản chất công việc lưu động của họ. Số liệu nghiên cứu mới nhất được cung cấp bởi CFSCD cho thấy, chỉ có 52% trong 100 phụ nữ giúp việc gia đình nhập cư được đăng ký tạm trú. Đối với những người không đăng ký, 80% do không rõ hoặc không biết thông tin về đăng ký tạm trú. Thậm chí, người di cư không được tiếp cận hỗ trợ pháp lý về chính sách bảo hiểm... như người có hộ khẩu thường trú.

Cải thiện điều kiện sống cho lao động nhập cư

Thấu hiểu được nỗi niềm của những người phụ nữ nhập cư, được sự hỗ trợ và đồng hành của Tổ chức Bánh mỳ thế giới (BfDW), Trung tâm Phát triển cộng đồng (CFSCD) đã phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ 3 phường: Phúc Xá (quận Ba Đình); phường Thịnh Liệt và Định Công (quận Hoàng Mai) thành lập thí điểm Câu lạc bộ Phụ nữ nhập cư. Được biết, mô hình này nằm trong chuỗi dự án “Cải thiện điều kiện sống và góp phần nâng cao quyền năng của nữ lao động nhập cư ở Hà Nội” với thời gian kéo dài từ 1/4/2016 đến 31/12/2017.

Bà Lê Thị Thủy – Giám đốc CFSCD cho biết: "Chúng tôi tin rằng những nỗ lực chung này sẽ tạo ra một xã hội mà ở đó sẽ không có lao động di cư nào nói chung và nữ lao động di cư nói riêng, bị bỏ lại phía sau. Rõ ràng chúng ta còn cần phải làm rất nhiều việc để hỗ trợ nhóm lao động dễ bị tổn thương và đang ngày càng tăng này. Nhưng với những người như chị Hậu, chị Lành và nhiều người khác, một tương lai tươi sáng hơn không còn là điều gì đó quá xa vời."

Theo đó, mỗi câu lạc bộ gồm 30 thành viên, sinh hoạt định kỳ 1 tháng/lần. Đồng thời, họ cũng là người tổ chức các buổi sinh hoạt nhóm với phụ nữ di cư khác ở các xóm, và tổ, nơi mọi người chia sẻ thông tin và những khó khăn trong cuộc sống. Đây cũng là 30 thành viên chủ chốt đại diện phụ nữ di cư trên địa bàn trong cuộc gặp với các cấp chính quyền, để nói lên những tiếng nói và mối quan tâm của phụ nữ di cư.

Cho đến nay, Câu lạc bộ phụ nữ nhập cư đã duy trì hoạt động được 4 tháng, thông qua các buổi sinh hoạt thì những người lao động nhập cư được kết nối, nâng cao nhận thức và năng lực của bản thân. Những nhân tố tích cực của câu lạc bộ được tập huấn kiến thức và các kỹ năng về kinh doanh, chăm sóc sức khỏe, luật pháp. Ngoài ra, những thành viên nòng cốt còn được tập huấn các kỹ năng mềm để tự tin tham gia đối thoại thường kỳ với chính quyền địa phương; trình bày thực trạng nữ lao động nhập cư trong địa bàn sinh sống và mong muốn của mình. Hàng ngày, đại diện hội phụ nữ của 3 phường đã phối hợp với các cán bộ của CFSCD tập huấn và hỗ trợ về năng lực để các chị có thể tiếp cận và sử dụng các dịch vụ xã hội, dịch vụ pháp lý và được chăm sóc sức khỏe. Các chị cũng được cung cấp các thông tin về việc làm và được học về các tiêu chuẩn an toàn lao động và quyền của người lao động.

Trao đổi với PV sau khi có chương trình hỗ trợ lao động nhập cư, chị Hậu đang thuê nhà tại phường Thịnh Liệt quận Hoàng Mai ( đã đề cập ở trên) cho hay: " Các cuộc sinh hoạt nhóm đã trở thành không thể thiếu. Chúng không chỉ đem lại niềm vui, tiếng cười mà còn thêm động lực cho chúng tôi trong cuộc sống mưu sinh nơi chốn đô thành”.

Tuệ Liên

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này