Ứng phó về mặt tâm lý với bệnh ung thư

09:42 | 06/09/2016
Tinh thần có thể quyết định một nửa cơ hội chiến thắng bệnh ung thư. Vậy làm sao để giành được 50% cơ hội chiến thắng đó? TS.Lê Văn Hảo - Viện Tâm lý học (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) đưa ra những phân tích khoa học và những chia sẻ bổ ích giúp bệnh nhân ung thư và người nhà ứng phó tốt hơn với bệnh ung thư.
ung pho ve mat tam ly voi benh ung thu Chăm sóc, giảm đau cho bệnh nhân ung thư rất quan trọng
ung pho ve mat tam ly voi benh ung thu Bé gái 6 tuổi bị thủng thực quản do nuốt đồ chơi
ung pho ve mat tam ly voi benh ung thu Chưa có văn bản nào cho phép
ung pho ve mat tam ly voi benh ung thu Một số bệnh da hay gặp trong mùa hè và thuốc trị
ung pho ve mat tam ly voi benh ung thu
TS. Lê Văn Hảo – Viện Tâm lý học (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam)

PV: Thưa TS.Lê Văn Hảo, khi một người biết mình mắc bệnh ung thư, sẽ có những diễn biến tâm lý như thế nào?

- Ung thư là một trong những căn bệnh đáng sợ nhất trong lịch sử. Từ “ung thư” thường được dùng để mô tả một cái gì đó như một tai họa ẩn mình, mang tính chất tàn phá rất kinh khủng. Khi được chẩn đoán là bị ung thư, trong trạng thái bị sốc ban đầu, người bệnh thường đặt câu hỏi: Sao lại là mình? Mình sẽ nói gì với gia đình? Cuộc sống của mình sẽ ra sao? Chuyện gì sẽ xảy ra?...Rất nhiều câu hỏi rối bời và chưa có câu trả lời.

Nhiều người cho rằng, khi vừa chẩn đoán bị ung thư, con người thường có 6 nỗi sợ, gồm: Sợ chết, sợ bị phụ thuộc (vào gia đình, con cái, bạn đời), sợ hình dạng cơ thể mình sẽ xấu xí, sợ bị khuyết tật, sợ bị đổ vỡ (ví dụ như các mối quan hệ), sợ khó chịu (đau đớn/đau khổ). Các nỗi sợ này trong tiếng Anh đều bắt đầu bằng từ D, nên người ta gọi là “6 D’s (death, dependency, disfigurement, disabillity, disruption, discomfort). Như thế, nếu trong bạn xuất hiện vài nỗi sợ như vậy, thì hãy nhớ rằng, hầu hết những người cùng cảnh ngộ như bạn trên thế giới đều ít nhiều trải qua và có cảm giác tương tự. Các phản ứng trên đây xuất hiện trong một giai đoạn điều trị hoặc sau điều trị. Trong trạng thái đó, một số bệnh nhân lại học cách cảm nhận sâu sắc hơn về cuộc sống nói chung và đời sống tâm linh nói riêng hay trân trọng, quý giá thời gian dành cho người thân và những việc làm có ý nghĩa…

PV: Theo TS, bệnh nhân sẽ phải chuẩn bị tâm lý ứng phó thế nào với căn bệnh ung thư trong thời gian điều trị bệnh?

- Ứng phó là các nỗ lực về mặt nhận thức, cảm xúc và hành vi để giải quyết vấn đề do thực tế bạn bị ung thư tạo ra. Nói cách khác, ứng phó và tìm cách để hiểu hoặc làm những gì cần thiết để cải thiện tình hình, chứ không phải là chấp nhận vấn đề một cách vô vọng. Nhìn chung, quá trình ứng phó này liên quan đến ít nhất 2 giai đoạn: Giai đoạn đối mặt/đương đầu tương ứng với câu hỏi “Có gì đó làm mình vô cùng lo phiền?” và giai đoạn xoay xở/chế ngự “Mình sẽ làm gì với nó?”. Việc bệnh nhân thích ứng ra sao với bệnh ung thư của họ phụ thuộc rất nhiều vào thái độ phản ứng của họ đối với chẩn đoán ưng thư vì chẩn đoán ung thư này sẽ ảnh hưởng đến cơ hội sống của bệnh nhân.

Ung thư thường là chủ đề cấm kỵ về mặt xã hội và lâm sàng. Người ta dùng các lối nói tránh như bị u/bướu, bị K… để tránh dùng từ ung thư. Điều này phản ánh một thái độ tiêu cực phổ biến đối với ung thư trong bệnh nhân, gia đình và nhân viên y tế. Nó cũng phản ánh nỗi sợ và một số nhận thức sai lệch về ung thư. Bách sĩ hay nhân viên y tế cũng có thể e ngại khi trao đổi hay thông báo tin xấu này cho bệnh nhân và gia đình họ. Nhận thức về bệnh ung thư cũng tác động tới sự thay đổi niềm tin về khả năng phục hồi và hành vi tìm kiếm sự trợ giúp từ các nhân viên y tế hay tâm lý.

Nhìn chung, những bệnh nhân dùng chiến lược ứng phó bằng cách nhìn nhận lạc quan hơn về căn bệnh của mình (tức là chấp nhận nó, tìm kiếm giải pháp, sự hỗ trợ của người thân…) thường ứng phó tốt hơn những người bi quan, tuyệt vọng. Sau sự đối mặt là sự xoay xở, đấu tranh với căn bệnh. Đây là một giai đoạn có thể kéo dài, tiến triển theo từng bước một (từ phủ nhận, tức giận… cho đến chấp nhận) và thống nhất về mặt nhân thức, cảm xúc và hành vi.

ung pho ve mat tam ly voi benh ung thu
Ảnh minh họa.

PV: Vậy, theo TS, khi đã chấp nhận thực tế là bị ung thư, người bệnh nên làm gì để có một tâm lý tốt để điều trị bệnh hiệu quả nhất?

- Như đã chia sẻ, hiệu quả điều trị ung thư không chỉ phụ thuộc vào điều trị y khoa mà còn phụ thuộc vào thái độ và niềm tin của bệnh nhân và gia đình về căn bệnh ung thư. Trước hết, bệnh nhân cố gắng duy trì các hoạt động thường ngày ở mức phù hợp, đặc biệt là các hoạt động thường yêu thích. Vận động phù hợp tốt cho sức khỏe và thể chất và đặc biệt là giúp bệnh nhân dễ vượt qua tâm trạng u uất, trầm cảm. Như thế nó cũng giúp người bệnh giữ được mức độ độc lập nhất định, không phải phụ thuộc nhiều vào người thân, nhất là trong các việc cá nhân, thường nhật. Sau đó, bệnh nhân nên tìm hiểu các thông tin, kiến thức về y khoa liên quan đến bệnh và điều trị bệnh của mình - như hỏi bác sĩ, y tá các câu hỏi liên quan đến bệnh ung thư và cách điều trị nó; tích cực tham gia vào quá trình ra các quyết định liên quan đến điều trị; thực hiện các bài tập thư giãn; giảm lo âu trong quá trình điều trị, sau điều trị.

Ngoài ra, bệnh nhân cần ứng phó với những đổi thay về mặt thể chất, chóng mặt, buồn nôn, chế ngự các cơn đau; chấp nhận những thay đổi về thể chất (rụng tóc); chấp nhận thực tế là mình bị ung thư, duy trì hy vọng; giảm cảm giác tiêu cực về ung thư; duy trì óc hài hước; thường xuyên chia sẻ cảm xúc, mối quan tâm, bận tâm với người thân; tìm sự hỗ trợ từ gia đình và người cùng cảnh ở bên ngoài…

Nhiều bệnh nhân ung thư hiểu rằng mắc bệnh ung thư không phải là chấm hết. Và, chính tinh thần lạc quan, không đầu hàng số phận đã giúp cho nhiều bệnh nhân ung thư kéo dài sự sống, thậm chí khỏi bệnh.

Xin cảm ơn ông!

Thu Trang (thực hiện)

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này