Cải thiện bữa ăn ca của công nhân: Nhiều nơi còn bỏ ngỏ

09:57 | 25/08/2016
Bữa ăn giữa ca tại doanh nghiệp (DN) có vai trò quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người lao động (NLĐ) cũng như năng suất lao động đối với DN. Tuy nhiên, nhiều đơn vị, DN chưa tổ chức được bữa ăn ca cũng như chưa đảm bảo được chất lượng bữa ăn giữa ca cho NLĐ, còn để xảy ra mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới các cuộc ngừng việc tập thể và đình công trong thời gian qua.
cai thien bua an ca cua cong nhan nhieu noi con bo ngo Ban hành Nghị quyết về “Bữa ăn ca của công nhân”
cai thien bua an ca cua cong nhan nhieu noi con bo ngo Nâng cao chất lượng bữa ăn ca cho người lao động

Khẩu phần ăn ít dinh dưỡng

Hiện nay, phần lớn các DN đã thực hiện chế độ ăn ca và đều áp dụng giá mỗi suất ăn từ 10.000-15.000 đồng. Tuy nhiên, do chất lượng thực phẩm và điều kiện chế biến chưa tốt, nên dễ dẫn đến nguy cơ ngộ độc thực phẩm.

cai thien bua an ca cua cong nhan nhieu noi con bo ngo
Giờ ăn của CB,CNLĐ Công ty TNHH Kyoei Việt Nam.

Trên thực tế, nhiều DN đã dành cơ sở hạ tầng đầu tư bếp ăn tập thể cho NLĐ, nhưng vì tiết kiệm chi phí, không cử người của DN hoặc tuyển đội ngũ đầu bếp chuyên nghiệp mà thuê LĐ không có trình độ nấu ăn hoặc giao khoán cho cơ sở chế biến suất ăn sẵn bên ngoài.

Chất lượng bữa ăn ca hiện nay tại một số khu công nghiệp - chế xuất (KCN-CX) cũng chưa đáp ứng được nhu cầu năng lượng để tái tạo sức lao động. Theo kết quả khảo sát của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, chất lượng bữa ăn ca của NLĐ còn nghèo về giá trị dinh dưỡng và giá trị suất ăn thấp.

Để Nghị quyết 7C/NQ-BCH về “Chất lượng bữa ăn ca của NLĐ” thực sự hiệu quả, CĐ các cấp cần phải chủ động và quyết liệt hơn nữa trong việc đấu tranh, bảo vệ quyền lợi cho NLĐ.

Với CĐCS, ngoài việc chủ động tham gia với người sử dụng LĐ thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm, cần thực hiện khởi kiện hoặc đề nghị CĐ cấp trên cơ sở khởi kiện giám đốc DN khi DN để xảy ra ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng của NLĐ.

Khẩu phần ăn ca mới chỉ đáp ứng được 12% lượng kalo được cung cấp từ protein, 16% từ chất béo, còn lại 72% là từ các chất bột đường như gạo, ngô, khoai; giá trị thực chất chỉ khoảng 10.000 đồng/suất ăn.

Xuất phát từ thực tế trên, ngày 25.2.2016, Tổng LĐLĐVN đã ban hành Nghị quyết số 7C/NQ-BCH về “Chất lượng bữa ăn ca của NLĐ”, chính thức có hiệu lực từ tháng 2.2016.

Đây được coi là nghị quyết mang tính lịch sử của tổ chức CĐ, lần đầu tiên đi vào vấn đề rất cụ thể, đó là bữa ăn của NLĐ. Nghị quyết trên ra đời cũng nhằm đề cao trách nhiệm của CĐCS, để CĐ các cấp thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng bữa ăn ca của NLĐ.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Tổng LĐLĐVN, tính đến hết tháng 6.2016, mới có 58/82 LĐLĐ tỉnh, thành phố, CĐ ngành Trung ương ban hành văn bản triển khai thực hiện. Tính đến giữa tháng 6.2016, báo cáo của 74/82 LĐLĐ tỉnh, thành phố và CĐ ngành, CĐ Tổng Công ty cho thấy: Mới có 20.160 DN có CĐCS tổ chức bữa ăn ca cho NLĐ (chiếm 51,98% tổng số CĐCS).

Trong số DN thực hiện hỗ trợ, tổ chức bữa ăn ca, có 15.998 DN có mức ăn ca với giá trị từ 15.000 đồng trở lên, chiếm 79,88%. Bên cạnh đó, 9.449 CĐCS đã ký kết Thỏa ước Lao động tập thể (TƯLĐTT) có nội dung về bữa ăn ca của NLĐ, chiếm 40,51%, trong đó 7.612 bản TƯLĐTT giá trị bữa ăn ca đạt từ 15.000 đồng trở lên, chiếm 83,88%.

Có kiểm tra, có cạnh tranh thì khác hẳn

Anh Nguyễn Thiện Khoan- Tổ trưởng Tổ CĐ tại Công ty TNHH Kyoei Việt Nam (KCN Sóc Sơn, Hà Nội) cho biết: Hiện nay, công ty anh đang áp dụng chế độ ăn ca cho toàn bộ cán bộ, CNLĐ ở mức 26.000 đồng/suất. Đây được xem là nỗ lực của tổ chức CĐCS sau khi đã tiến hành khảo sát mức ăn ca chung trong KCN, sau đó thương lượng với ông chủ Nhật Bản.

Theo anh Khoan, hằng tuần, theo sự phân công, các tổ trưởng CĐ sẽ phối hợp với cán bộ Phòng Hành chính đi kiểm tra, giám sát bếp ăn từ thực phẩm đầu vào như phiếu kiểm dịch, trọng lượng thức ăn so với số suất ăn ngày hôm đó, việc tuân thủ quy trình nấu ăn tại nhà bếp...

Cán bộ giám sát cũng sẽ đột xuất kiểm tra từ cách để, lưu trữ thực phẩm, đơn giản như không được để đồ ăn xuống nền bếp, không được dùng dầu ăn đã đổi màu... Hằng ngày, tổ kiểm tra đều yêu cầu lưu lại mẫu thức ăn, suất ăn và hình ảnh. Tất cả những việc kiểm tra, giám sát này đều được làm báo cáo bằng văn bản gửi về Ban chấp hành CĐ và Phòng Hành chính Công ty.

“Nhiều khi cán bộ CĐ như chúng tôi đi kiểm tra cũng bị xem là soi mói, bị nhìn với ánh mắt thiếu thiện cảm, nhưng đó là trách nhiệm của mình, mình vẫn phải làm thôi” - anh Khoan tâm sự.

Cũng theo anh Khoan, ngoài việc kiểm tra, giám sát, CĐ Công ty sẽ lên thực đơn suất ăn cho 2 tuần kế tiếp và nhà bếp sẽ đi chợ, thực hiện nấu ăn theo đúng thực đơn đó. CĐ Công ty còn phát động CNLĐ lấy lượng cơm vừa đủ dùng, tránh lãng phí. Số gạo tiết kiệm được hàng tháng, sau đó được thống kê, tính toán quy ra tiền, sau đó sẽ tăng cường thêm đồ tráng miệng cho CNLĐ như 1 hộp sữa chua hoặc kem trong tháng.

Tuy nhiên, anh Khoan cũng thừa nhận một thực tế: Thường xuyên có kiểm tra, giám sát, chất lượng bữa ăn khác hẳn, còn nếu lơ là, có thời gian mình kiểm tra liên tục thấy họ làm tốt rồi, không kiểm tra nữa là nhà bếp lại làm kém hơn ngay.

“Quan trọng là CĐCS phải sát sao và vào cuộc kịp thời” - anh Khoan khẳng định. Anh Khoan cho biết: Thực tế, tại Kyoei Việt Nam đã có lúc chế biến không vệ sinh, trong rau có cỏ, thức ăn từng có giòi... Nhưng ngay khi có việc đó, CĐ cùng các tổ chức tiến hành niêm phong suất ăn, báo cáo theo phân cấp để mang đi kiểm định, sau đó có báo cáo và trả lời xác đáng cho CNLĐ.

Sau việc nhà thầu cung cấp suất ăn không đảm bảo vệ sinh đó, Công ty đã quyết định thuê thêm một nhà thầu khác nữa cung cấp suất ăn cho CNLĐ (Công ty có 2 cơ sở) để có đối chiếu, so sánh chất lượng cung cấp. Cũng chính nhờ có sự cạnh tranh về thị phần cung cấp nên chất lượng phục vụ của nhà thầu đã có tốt hơn.

Trở lại vụ việc ngừng việc tập thể ngày 16.8 của 1.600 CNLĐ Công ty TNHH Đồ chơi Chee Wah Việt Nam (KCN Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) vì phát hiện thức ăn có giòi, nhiều CNLĐ Công ty bày tỏ bức xúc vì sự thiếu trách nhiệm của cán bộ CĐCS khi CNLĐ đã nhiều lần phản ánh về chất lượng thực phẩm nhưng đều rơi vào im lặng.

“Chúng tôi rất mong CĐ KCN-CX Hà Nội cần phối hợp với các ban, ngành liên quan kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật lao động, an toàn vệ sinh thực phẩm của DN trên địa bàn để bảo vệ sức khỏe và quyền lợi cho CNLĐ” - một công nhân bày tỏ.

Để Nghị quyết 7C/NQ-BCH về “Chất lượng bữa ăn ca của NLĐ” thực sự hiệu quả, CĐ các cấp cần phải chủ động và quyết liệt hơn nữa trong việc đấu tranh, bảo vệ quyền lợi cho NLĐ.

Với CĐCS, ngoài việc chủ động tham gia với người sử dụng LĐ thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm, cần thực hiện khởi kiện hoặc đề nghị CĐ cấp trên cơ sở khởi kiện giám đốc DN khi DN để xảy ra ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng của NLĐ.

Lan Ngọc

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này