Tuổi trẻ với di sản văn hóa phi vật thể:

Có “bột”, sẽ “gột nên hồ”

10:48 | 23/08/2016
Việc bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) không phải chuyện xưa nay mới bàn. Tuy nhiên, hiện vấn đề này vẫn còn tồn tại nhiều việc đáng suy ngẫm. Huy động sức trẻ tham gia vào công cuộc đầy gian nan này đang là mục tiêu mà Sở Văn hóa - Thể thao (VHTT) Hà Nội hướng đến.
tin nhap 20160823100137 Trải nghiệm cùng di sản văn hóa phi vật thể

Thiếu cơ hội tiếp xúc nghệ thuật truyền thống

Việt Nam có kho tàng DSVHPVT khá phong phú. Mỗi DSVHPVT của dân tộc đã được UNESCO công nhận đều mang bản sắc văn hóa riêng của từng địa phương. Vì thế, DSVHPVT được coi là tài sản vô giá nhằm giáo dục truyền thống, nhân cách cho thế hệ trẻ. Mặc dù vậy, các loại hình nghệ thuật truyền thống đang còn “kén” khán giả, nhất là khán giả trẻ.

tin nhap 20160823100137
Nghệ thuật múa rối nước Đào Thục đang tồn tại với nhiều gian nan.

Ông Đinh Thanh Tiên - đại diện Làng múa rối nước Đào Thục - chia sẻ: Nghệ thuật múa rối nước của Việt Nam có một không hai trên thế giới, trong đó, múa rối nước Đào Thục có truyền thống hơn 300 năm. Song hiện nay, việc gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam đang còn nhiều khó khăn, bởi ở thời công nghệ số, giới trẻ ít quan tâm tới các loại hình nghệ thuật truyền thống. Thời gian qua, làng múa rối nước Đào Thục đã xoay xở nhiều cách để gìn giữ và quảng bá hình ảnh múa rối nước Đào Thục, nhưng cũng khá gian nan...

Trong thực tế, số đông giới trẻ hiện có thể thuộc lòng các bài hát, trào lưu âm nhạc quốc tế hay thần tượng những nhân vật showbiz luôn vướng scandal, thế nhưng lại không mấy quan tâm tìm hiểu cái hay, cái đẹp của nghệ thuật dân tộc, thậm chí có không ít các bạn trẻ không hề biết thế nào là ca trù, thế nào là dân ca ví dặm, thế nào là xẩm, là chèo,… Khi được hỏi về loại hình ca trù, một học sinh Trường THPT Nguyễn Trãi hồn nhiên tâm sự: “Giờ chúng em thích nghe nhạc quốc tế, nhạc trẻ, vì dễ nghe, dễ thuộc, chứ các loại hình nghệ thuật truyền thống có nghe cũng không chắc đã hiểu”.

Phải nhìn nhận rằng, việc gìn giữ, phát huy các giá trị DSVHPVT đang bộc lộ không ít bất cập, trong đó tồn tại lớn nhất là giới trẻ đang thiếu cơ hội tiếp cận với nghệ thuật dân gian. Chị Nguyễn Thảo - người sáng lập Dự án “Chèo 48h” - cho rằng: “Giới trẻ hiện thiếu không gian, cơ hội tiếp xúc với văn hóa dân gian một cách chân thành, gần gũi và sáng tạo. Để các bạn trẻ có được sự hiểu biết sâu sắc về một làng nghề, một loại hình nghệ thuật truyền thống, chúng ta cần tạo cơ hội để họ nhìn nhận được toàn bộ vấn đề dưới góc độ văn hóa..”.

Phát huy vai trò thế hệ trẻ

Theo ông Nguyễn Khắc Lợi - Phó GĐ Sở VHTT Hà Nội, trong khi việc toàn cầu hóa trên mọi lĩnh vực đang diễn ra nhanh và mạnh như hiện nay, thì DSVHPVT chính là một trong những phương án hiệu quả nhất giúp chúng ta định vị bản thân, giúp phân biệt Việt Nam với các quốc gia khác. Vì thế, bảo tồn và phát huy giá trị của DSVHPVT là một nhiệm vụ lớn, không chỉ riêng của ngành văn hóa mà còn là nhiệm vụ chung của toàn xã hội.

Bên cạnh chuỗi chương trình về các làng nghề thủ công trong và ngoài Hà Nội, Sở VHTT sẽ còn tổ chức đưa các học viên của lớp Chèo 48h về với làng Khuốc - một trong những chiếng chèo nổi tiếng của tỉnh Thái Bình để tham gia học tập, trải nghiệm thực tế. Dự án này hứa hẹn nhiều sự mới mẻ, hấp dẫn và mang tính thực tế cao.

Để thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị của các DSVHPVT ở Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung, Sở VHTT Hà Nội xác định, cần tích cực huy động sức trẻ tham gia vào công cuộc đầy gian nan này, bởi với sức trẻ, khả năng sáng tạo không giới hạn và tinh thần sẵn sàng dấn thân vào mọi thử thách, những chủ nhân tương lai của đất nước sẽ “gột nên hồ” nếu ngay từ bây giờ chúng ta cung cấp cho họ thật nhiều “bột” tốt.

Và một trong những gánh “bột” tốt mà lãnh đạo Sở VHTT Hà Nội muốn đem lại cho giới trẻ tới đây là chương trình “Trải nghiệm cùng DSVHPVT của Việt Nam năm 2016”. Chương trình không những mở rộng phạm vi tổ chức ra các tỉnh ngoài Hà Nội mà còn trở lại với một màu sắc tươi mới hơn, thực tiễn hơn khi hướng các đội chơi tham gia khai thác những tiềm năng cũng như khó khăn mà các làng nghề đang gặp phải. Từ đó, xây dựng những dự án phát triển làng nghề dưới sự đào tạo, định hướng của Ban Tổ chức từ Kỹ năng khai thác vấn đề, Lập dự án đến bảo vệ dự án.

Ông Nguyễn Khắc Lợi nhấn mạnh, trong thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung, góp phần giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô và đất nước

Lưu Nhi

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này