Hoài niệm xem phim rạp

11:13 | 16/08/2016
Những kỷ niệm về nhu cầu giải trí của người dân Hà Nội thời khốn khó vẫn là khoảng ký ức không phai mờ trong lòng nhiều người dân Thủ đô.
tin nhap 20160816095620 Khó thật!

Ký ức phim rạp thời bao cấp

Nhiều người Hà Nội bây giờ vẫn còn đọc vanh vách tên các rạp chiếu phim ở Hà Nội, có đến hơn 20 rạp nổi tiếng như: Đại Nam (phố Huế), Tháng Tám, Kim Đồng (Hàng Bài)... Trong ký ức của họ, đã có lúc phải tiết kiệm từng hào để dành đến rạp Dân Chủ hay Bạch Mai mua vé xem phim.

tin nhap 20160816095620
Rạp Tháng 8 là một trong những rạp truyền thống của Thủ đô, nay rất thưa thớt khán giả.

Bà Hoàng Thị Lan (ở phố Huế) hồi tưởng: Thời đó, rạp chiếu phim áp lưng vào nhà dân, nên không thể nào quên về những lần vượt tường, trốn chui trốn lủi trong nhà vệ sinh để xem trộm phim vì không có tiền mua vé. Rồi những lần bị bảo vệ rạp bắt được, véo tai đỏ ửng, hay đến giờ chiếu phim mà chưa có điện khiến khán giả phải chờ đợi bực bội, nhưng vẫn háo hức chờ, là những kỷ niệm in sâu trong tâm trí người dân Hà Nội cho đến tận bây giờ.

Nếu như thời thiếu niên của lứa tuổi 6X, 7X được xem rất nhiều phim hay ở rạp Kim Đồng như “Ba người lính ngự lâm”, “Nàng tiên cá”… chủ yếu là phim của các nước xã hội chủ nghĩa thì đối với thế hệ trước đó, những bộ phim truyện được xây dựng từ các tiểu thuyết kinh điển như “Thầy lang”, “Những con chim xanh”… lại là những tác phẩm tung hoành cả ngày lẫn đêm ở hàng loạt các rạp chiếu phim trên phố Hàng Quạt, Hàng Chiếu, Hàng Cót…

Không những thế, nhiều người còn nói vui về thời kỳ hưng thịnh của phim rạp đã mang lại đời sống khá phong lưu cho những người “ăn theo”. Đó là nhóm họa sĩ chuyên vẽ pano hay dân phe vé… Một họa sĩ từng gắn bó lâu năm với rạp Tháng 8 cho biết: “Thời những năm 1980, rạp Tháng 8 nổi tiếng nhất và luôn kín chỗ. Hằng tuần, cửa rạp cứ thay đổi pano giới thiệu phim mới, là chúng tôi làm không hết việc…”. Cũng bởi cung không đủ cầu, nên việc xếp hàng dài cả mấy tiếng đồng hồ để mua vé khiến nhiều người tìm đến “phe” vé để mua lại. Có những bộ phim ăn khách, giá vé của dân “phe” gấp 2 - 3 lần, mà người xem vẫn tranh nhau mua.

Cho đến những năm đầu 1990, khi đầu video đã tràn ngập trong các gia đình, đồng thời là sự xuống cấp về cơ sở vật chất, chất lượng phim, mà các rạp chiếu phim ở Hà Nội dần rơi vào tình trạng vắng khách trầm trọng. Hàng loạt các rạp chiếu phim bị chuyển đổi mục đích. Rạp Kim Đồng thành bãi gửi xe ô tô, rạp Đại Đồng, Mê Linh thành vũ trường, chỉ còn vài rạp lớn còn kéo được khán giả đến nhờ lựa chọn được những phim kinh điển của điện ảnh Việt Nam và thế giới như “Cuộc sống tươi đẹp”, “Casablanca”, “Mùa ổi”, “Thương nhớ đồng quê”… Tuy thế, phần lớn khán giả đến cũng chỉ vì tò mò rồi lại thưa thớt dần.

Nguy cơ xóa sổ rạp truyền thống

Thời oanh liệt của phim rạp tưởng như lùi vào dĩ vãng, nhưng nó lại có dấu hiệu trỗi dậy từ năm đầu thế kỷ 21. Sau bộ phim gặt hái Oscar “Titanic” là làn sóng người hâm mộ tăng lên chóng mặt. Từ đó, khán giả bắt đầu quay trở lại rạp và háo hức đón xem những bộ phim mới, phim bom tấn như “Xác ướp Ai Cập”, “Kẻ hủy diệt”… Nhưng lúc này, các rạp truyền thống lại bị cạnh tranh mạnh mẽ bởi các rạp hiện đại. Hiện, các trung tâm thương mại đều chú trọng đầu tư rạp chiếu phim với máy lạnh, âm thanh lập thể, ghế ngồi thoải mái hơn. Ban đầu là Trung tâm chiếu phim Quốc gia, Vincom… và nay là hàng loạt những hệ thống rạp chiếu phim 3D như CGV, Galaxy Cinema…

Trong khi đó, một số rạp như Dân Chủ, Ngọc Khánh… dù đã nhanh tân trang để thu hút khán giả, nhưng vẫn ngày càng thể hiện sự “đuối sức” trong cuộc đua khốc liệt này. Vào tháng 11.2015, rạp Dân Chủ (phố Khâm Thiên) đã đóng cửa. "Hồi trai trẻ, tôi từng tích cóp, nhịn ăn phở để đến đây xem phim. Dạo rạp này đông khách, người ra vào tấp nập, khiến cả con phố như cũng nhộn nhịp hơn. Giờ rạp không còn hoạt động gì nữa, lại thấy hơi tiêng tiếc…" - ông Trần Văn Hạnh (một người dân sống gần rạp Dân Chủ) bùi ngùi tâm sự.

Cho đến thời điểm này, nhiều rạp chiếu phim truyền thống đã chuyển đổi mục đích sử dụng, nhưng dù với lý do gì, thì người Hà Nội vẫn thấy nao lòng, tiếc nuối. Mỗi khi đi qua các rạp chiếu phim truyền thống, lại thấy cả một thời xa xưa bỗng ùa về…

Tuệ Liên

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này