Vi phạm quảng cáo bảng, biển: Cũ chưa xong, mới đã mọc

13:56 | 12/08/2016
Đầu tháng 8.2016, lần đầu tiên, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội đã ban hành Chỉ thị “Tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong hoạt động quảng cáo trên địa bàn thành phố Hà Nội”. Theo đó, thành phố yêu cầu các địa phương phải tổ chức xử lý, cưỡng chế, tháo dỡ các biển quảng cáo vi phạm còn tồn tại sau thời gian 1 tháng. Nhưng đến nay, gần nửa tháng trôi qua, trong khi việc triển khai xử lý vi phạm vẫn “ì ạch”, thì hàng loạt biển mới lại đua nhau mọc lên (!?).
vi pham quang cao bang bien cu chua xong moi da moc Xử phạt 7 công ty vi phạm quảng cáo
vi pham quang cao bang bien cu chua xong moi da moc Xử lý nghiêm vi phạm quảng cáo băng rôn trái phép
vi pham quang cao bang bien cu chua xong moi da moc Mức phạt vi phạm quảng cáo thực phẩm chức năng còn quá nhẹ

Vẫn nghiên cứu... chỉ thị

Để công tác xử lý vi phạm trong hoạt động quảng cáo trên địa bàn được tập trung về một đầu mối, UBND Thành phố đã ban hành Quyết định số 3347/QĐ-UBND ngày 23.6.2016 thành lập đoàn kiểm tra liên ngành xử lý vi phạm. Ngày 14.7.2016, kế hoạch hoạt động của đoàn liên ngành được triển khai đến các ban, ngành, địa phương trên địa bàn.

vi pham quang cao bang bien cu chua xong moi da moc
Cần sớm xử lý những biển quảng cáo vi phạm.

Đến nay, dù một số quận, huyện đã triển khai tháo dỡ các bảng, biển vi phạm, thế nhưng, theo thống kê của đoàn kiểm tra liên ngành, tính đến ngày 8.8.2016, số lượng biển quảng cáo tấm lớn đứng độc lập ngoài trời xây dựng trái phép trên toàn địa bàn vẫn tăng đều - từ 156 biển lên 190 biển, chỉ trong thời gian ngắn. Ngoài ra, còn có 212 bảng quảng cáo hộp đèn trên dải phân cách đã vi phạm trong hoạt động quảng cáo.

Một số ví dụ vi phạm: Trong khuôn viên siêu thị Big C (phố Trần Duy Hưng) ngoài 2 biển trái phép cũ, đã mọc thêm 2 bảng vi phạm mới - nâng tổng số bảng vi phạm trong khuôn viên này lên 4 bảng. Trên dọc đường Phạm Hùng, nhiều tấm biển cỡ lớn được dựng ngay trên các đảo giao thông.

Theo quy hoạch quảng cáo trước đó, toàn Thành phố có hơn 500 bảng, biển cỡ lớn, tuy nhiên sau hơn 5 năm vẫn còn 256 vị trí không có người thuê dù đã hạ giá thành.

Nhiều chuyên gia cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này chính từ sự phá giá của các tấm biển “chui” không phép kể trên.

Dưới chân cầu Nhật Tân, 2 tấm bảng cỡ lớn nằm chình ình ngay trên đất của một doanh nghiệp Nhà nước. Đường Võ Chí Công dài 4 km, nhưng có đến 19 bảng quảng cáo được dựng lên; UBND quận Nam Từ Liêm tháo dỡ được 6 biển cũ thì lại mọc ngay thêm 3 biển mới…

Theo tìm hiểu của phóng viên, Sóc Sơn là huyện có số biển quảng cáo vi phạm nhiều nhất. Trong khi việc xử lý 43 biển nằm trên địa bàn các xã Thanh Xuân, Phú Giang, Mai Đình, Phú Cường… vẫn đang dậm chân tại chỗ, thì chỉ trong hơn 1 tháng đã có thêm 25 biển bảng mọc lên, nâng tổng số biển bảng quảng cáo độc lập xây dựng trái phép trên địa bàn huyện lên con số 68 bảng (!?).

Theo ông Tô Văn Động - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao (VHTT) Hà Nội, Trưởng đoàn Thanh tra liên ngành, tính đến ngày 9.8.2016, đại diện huyện Sóc Sơn khi lên họp cùng đoàn liên ngành cũng mới chỉ báo cáo rằng, huyện vẫn đang tiếp tục nghiên cứu chỉ thị và vẫn chưa có kế hoạch triển khai cụ thể…(!?).

Xử lý hết vi phạm, sẽ… công bố quy hoạch

Về vấn đề này, ông Tô Văn Động cho biết, ngày 10.8 vừa qua, Sở đã tổ chức buổi gặp gỡ với 40 doanh nghiệp làm quảng cáo trên địa bàn Hà Nội. Về cơ bản, các doanh nghiệp đều tiếp thu và thống nhất sẽ tự tháo dỡ. Đối với các doanh nghiệp không tự tháo dỡ, đoàn liên ngành sẽ tiến hành cưỡng chế, chi phí do doanh nghiệp tự chi trả.

“Hiện chúng tôi mới tiến hành tháo dỡ các biển quảng cáo tấm lớn xây dựng trái phép, bảng biển quảng cáo trên dải phân cách không đúng quy định. Còn các biển quảng cáo ven đường, chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai trong giai đoạn sau. Về cơ bản, quy hoạch quảng cáo mới đã có, tuy nhiên phải chờ xử lý hết các biển vi phạm, thì mới công bố” - ông Tô Văn Động nhấn mạnh.

Nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng bùng nổ các biển quảng cáo sai phép như hiện nay, chính là bởi sự chậm chễ trong việc ban hành Quy hoạch quảng cáo 2016 trong khi Quy hoạch năm 2015 đã sắp hết hạn. Ông Tô Văn Động cho biết: “Về vấn đề này, Sở VHTT xin nhận trách nhiệm”.

Tuy nhiên, ông Tô Văn Động cũng cho biết thêm, quy hoạch quảng cáo chịu ảnh hưởng của nhiều bộ luật như Luật Xây dựng, Luật Quảng cáo, Luật Đất đai, trong khi đó, các văn bản hướng dẫn luật đều chậm được ban hành.

Bên cạnh đó, những thay đổi trong các thông tư, văn bản hướng dẫn cũng khiến cho quá trình xây dựng quy hoạch quảng cáo của TP bị trì hoãn. Ví dụ, Thông tư số 19 của Bộ Xây dựng không những ban hành chậm hơn mà lại có sự thay đổi, nếu như trước đây dải phân cách dưới 3m vẫn có thể được lắp biển quảng cáo, thì nay lại không được.

Do đó, hàng loạt biển quảng cáo trên dải phân cách của các phố Xã Đàn, Láng Hạ… đều không được phép.

Hiện, thành phố Hà Nội đang rất quyết tâm trong việc chấn chỉnh những vi phạm quảng cáo đang ngày càng tràn lan, gây mất mỹ quan đô thị trên địa bàn.

Điều này thể hiện rõ, khi lần đầu tiên, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã ký ban hành chỉ thị chỉ đạo các cấp, các ngành cùng vào cuộc xử lý vi phạm trong hoạt động quảng cáo. Như vậy, không có lý do gì để việc chấn chỉnh những vi phạm trong hoạt động quảng cáo bị trì hoãn như hiện nay.

Tuấn Dũng

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này