Tin đồn thất thiệt xoài mút làm bằng cao su:

Để không bị “sập bẫy” tin đồn

06:29 | 06/08/2016
Mặc dù các cơ quan chức năng lên tiếng “minh oan”, nhưng một lần nữa câu chuyện về trái xoài mút (xoài hạt lép) có vỏ hột làm từ cao su dẫn đến làn sóng người tiêu dùng tẩy chay sản phẩm này, một lần nữa khiến người tiêu dùng bị sập bẫy bởi “ma trận”. 
de khong bi sap bay tin don Chiêu phân biệt hoa quả chín ép cực dễ dàng
de khong bi sap bay tin don Bán 3kg xoài không mua đủ ly cà phê đá ở miền Tây
de khong bi sap bay tin don Dưa hấu Việt bẽ bàng trước 'giấc mơ xoài Nhật'

Mới đây, trên mạng xã hội đã xuất hiện một đoạn clip "tố" xoài có xuất xứ từ Trung Quốc có hạt làm bằng nhựa, đang được bày bán tràn lan trên thị trường với tên gọi "xoài Thái". Thông tin này đã khiến nhiều người hoang mang, rồi tẩy chay khiến giá xoài mút bị rớt giá thê thảm.

de khong bi sap bay tin don
Mặc dù tin đồn thất thiệt về xoài mút được minh oan, nhưng nhiều người vẫn e dè khi mua xoài. Ảnh minh họa

Ngay sau đó, Bộ NNPTNT cũng như các chuyên gia đã kịp thời lên tiếng về những thông tin liên quan đến sản phẩm xoài mút. Tiến sĩ Nguyễn Văn Phong - Trưởng bộ môn Công nghệ sinh học (Viện Cây ăn quả miền Nam) khẳng định: “Những gì mà cư dân mạng đồn đoán không phải là cao su gì cả, mà là lớp vỏ lụa bên trong dùng để bao nhân của hạt xoài. Tất cả các giống xoài đều có lớp vỏ lụa này. Tuy nhiên, tùy vào các giống khác nhau, lớp vỏ lụa này dày hay mỏng...”.

Qua khảo sát của phóng viên, hơn 2 tuần trước, dọc các tuyến đường ở Hà Nội như Nguyễn Xiển, Giảng Võ, bên cạnh những loại hoa quả quen thuộc như nho, thanh long, dừa, dưa hấu... thì loại xoài trái nhỏ, vỏ màu vàng tươi khá hút khách.

Đây là giống xoài mới của các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam bộ được bán với giá từ 30.000 - 40.000 đồng/kg. Tuy nhiên, khi hay tin xoài Trung Quốc làm bằng cao su thì các loại xoài của Việt Nam cũng bị vạ lây, giá giảm sút trông thấy.

Anh Quang – một tiểu thương thở dài: “Giờ người ta sống mất niềm tin về nhiều thứ, từ vụ cam, bưởi ngâm hóa chất giờ đến vụ xoài này nữa. Mình đăng tin sai lệch gây hoang mang như thế, các trang trại cầm chắc lỗ, tiểu thương chúng tôi cũng điêu đứng. 10 thông tin đính chính không bằng một thông tin đả phá”.

Đáng nói, đây không phải lần đầu xuất hiện những thông tin thất thiệt theo dạng “tin đồn” phát tán trong xã hội một cách thiếu căn cứ kiểm chứng. Còn nhớ, tháng 5.2015, người nông dân Đồng Nai từng khốn đốn đủ đường khi giá mít rớt giá thảm hại chỉ vì tin đồn mít bị “chích thuốc”. Vì tin đồn, nhiều người tiêu dùng đã tẩy chay, “nói không” với mít, hậu quả hàng trăm tấn mít bỏ thối, gây thiệt hại nặng nề cho người trồng mít ở Đồng Nai.

Theo luật sư Quách Thành Lực – Giám đốc Công ty Luật Hà Nội Tinh Hoa cho biết, về chế tài xử lý, Nhà nước ta có khá nhiều văn bản xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý thông tin điện tử trên internet. Ví dụ như Nghị định 174/2013/NĐ - CP ngày 13.11.2013 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực công nghệ thông tin, viễn thông…

Trên thực tế hiện nay, các thông tin thất thiệt này đều được lan truyền qua kênh mạng xã hội hoặc các trang thông tin điện tử không chính thống. Mặc dù Bộ Thông tin và Truyền thông đã có Thông tư số 09/TT-BTTTT ngày 19.8.2014 quy định chi tiết về hoạt động quản lý, cung cấp, sử dụng thông tin trên trang thông tin điện tử và mạng xã hội, tuy nhiên, việc kiểm soát và xử lý những kẻ tung tin xấu, tin đồn thất thiệt thông qua mạng xã hội vẫn chưa được thực hiện nghiêm túc, kém hiệu quả, thậm chí có nơi còn buông lỏng, xem nhẹ vấn đề này, nên các hệ lụy tiêu cực cho xã hội ngày càng lớn.

Tuệ Liên

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này