Công đoàn Việt Nam:

Nỗ lực cải thiện điều kiện sống cho người lao động

14:22 | 28/07/2016
Với phương châm “Quyền lợi đảm bảo, phúc lợi tốt hơn” cho đoàn viên công đoàn (CĐ) và người lao động (NLĐ), nhiều mô hình mới, cách làm hay trong việc chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho NLĐ đang được các cấp CĐ cả nước triển khai thực hiện, được đông đảo đoàn viên và NLĐ đón nhận. 
cong doan viet nam no luc cai thien dieu kien song cho nguoi lao dong Tăng cường phối hợp đảm bảo quyền lợi cho lao động
cong doan viet nam no luc cai thien dieu kien song cho nguoi lao dong Viện RIAM cần giải quyết chế độ cho người lao động thỏa đáng!

Đánh giá về việc thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu của CĐ Việt Nam trong nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội CĐ Việt Nam lần thứ XI (giai đoạn 2013-2016), Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐVN Trần Thanh Hải cho biết: Nửa nhiệm kỳ (2013-2016) đánh dấu hoạt động hiệu quả của tổ chức CĐ Việt Nam qua việc ban hành Nghị quyết về “Chất lượng bữa ăn ca của người LĐ”.

cong doan viet nam no luc cai thien dieu kien song cho nguoi lao dong
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ân cần thăm hỏi công nhân lao động.

Đây là lần đầu tiên Tổng LĐLĐVN ban hành nghị quyết về một vấn đề cụ thể, được thực hiện bằng biện pháp thương lượng, đối thoại và bổ sung vào thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) nhằm nâng dần chất lượng bữa ăn ca, góp phần đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo sức khỏe NLĐ.

“Kiên quyết giảm các hoạt động hình thức, tập trung hướng về cơ sở, tạo điều kiện cho CĐ cơ sở hoạt động, chăm lo trực tiếp đến các vấn đề thiết thực với người LĐ như thu nhập, đời sống, việc làm, bữa ăn giữa ca, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế... hướng tới “Quyền lợi đảm bảo, phúc lợi tốt hơn” cho người LĐ là mục tiêu hướng tới của tổ chức CĐ Việt Nam trong thời gian tới.

Trước những thách thức mới, đặc biệt việc Việt Nam hội nhập TPP, đòi hỏi tổ chức CĐ cần dũng cảm nhìn thẳng sự thật, đổi mới mạnh mẽ về “nội dung và phương thức hoạt động” để xứng đáng là đại diện chân chính của đoàn viên CĐ và người LĐ, tiếp tục đóng góp quan trọng vào sự phát triển bền vững của tổ chức CĐ Việt Nam nói riêng và đất nước nói chung”- Chủ tịch TLĐLĐ Việt Nam Bùi Văn Cường nhấn mạnh.

Đến nay, đã có 58/82 LĐLĐ các tỉnh, thành phố, CĐ ngành Trung ương ban hành văn bản triển khai thực hiện. Nhiều DN đã đưa mức ăn giữa ca thấp nhất từ 15.000 đồng trở lên.

Điển hình, tại tỉnh Thanh Hóa, hầu hết các DN đã nâng mức ăn của người LĐ từ 13.000 đồng lên tối thiểu đạt 15.000 đồng; LĐLĐ TP.Đà Nẵng đưa mức ăn giữa ca của người LĐ với mức tối thiểu từ 20.000 đồng trở lên vào thương lượng và ký kết TƯLĐTT nhóm DN du lịch. CĐ các khu kinh tế Hải Phòng thương lượng với nhóm DN (5 DN có vốn đầu tư Hàn Quốc) điện tử thành công với giá trị bữa ăn ca từ 19.000 đồng trở lên...

Cạnh đó, nhờ sự vào cuộc sát sao của TLĐLĐVN về chính sách tiềng lương, sau 3 năm thực hiện, tiền lương tối thiểu vùng tăng bình quân 13,5% mỗi năm, đạt được 87% nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ và gia đình. Ở khu vực hành chính, sự nghiệp, mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức cũng tăng 5,2% kể từ ngày 1.5.2016.

Trước những thách thức của hội nhập TPP, hoạt động chăm lo, bảo vệ quyền lợi cho người LĐ của tổ chức CĐ đã có chuyển biến mạnh về chất với mục tiêu hướng tới sự thiết thực và hiệu quả vì người LĐ.

Trong đó chương trình “Nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện có hiệu quả TƯLĐTT” đã được các cấp CĐ chú trọng, có nhiều giải pháp hiệu quả. Đến nay, các cấp CĐ đã ký kết được 26.155 bản TƯLĐTT, chiếm 75,72% số doanh nghiệp (DN) có tổ chức CĐ, tăng 4,83% so với đầu nhiệm kỳ. Nhiều bản TƯLĐTT đã có nội dung cao hơn quy định pháp luật, có lợi cho NLĐ…

Một trong những nội dung đổi mới, tích cực hướng về cơ sở được đoàn viên CĐ đánh giá cao là CĐ đã chủ động tham gia, phối hợp với chính quyền, chuyên môn đồng cấp từng bước nâng cao chất lượng đối thoại tại nơi làm việc theo quy định.

Đến nay, đã có hơn 16.000 DN thực hiện đối thoại tại nơi làm việc với NLĐ. Nhiều CĐ cơ sở đã chủ động tham mưu, phối hợp với chính quyền tổ chức hội nghị, chủ động hướng nội dung vào những vấn đề bức thiết, cụ thể đối với NLĐ và DN, tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, duy trì việc làm, ổn định thu nhập, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần và điều kiện làm việc của NLĐ.

Với những nỗ lực của các cấp CĐ và sự phối hợp hiệu quả của các cấp, các ngành, tình hình tranh chấp lao động dẫn đến ngừng việc tập thể trong những năm qua có xu hướng giảm mạnh với 1.146 cuộc (giai đoạn 2013-2015), giảm 798 cuộc so với giai đoạn 2010-2012.

Bên cạnh đó, hoạt động tư vấn pháp luật được quan tâm với 862.400 lượt LĐ được tư vấn, tuyên truyền pháp luật; đại diện cho NLĐ đã tham gia tố tụng tại tòa án với 479 vụ, giúp 7.745 LĐ được nhận trở lại làm việc và bồi thường với số tiền hơn 16,8 tỉ đồng, truy đóng bảo hiểm xã hội cho 263.994 người và trả trợ cấp thôi việc cho 27.063 người...

Ngọc Bảo

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này