Tiếng rao đổi hàng ở Hà Nội

11:45 | 21/07/2016
“Ai có tóc rối đổi kẹo mạnh nha không?”, “Ai kẹo bột, kẹo vừng đây”. Những tiếng rao lảnh lót này đã trở thành ký ức tuổi thơ của nhiều thế hệ. Ai sống ở Hà Nội mà chưa một lần nghe tiếng rao. Những tiếng rao quà khiến trẻ con thèm rỏ dãi, gom góp chút tóc rối hay chiếc dép hỏng chỉ để đổi lại một cây kẹo mạch nha. Những tiếng rao mua, đổi hàng ở Hà Nội đã dần biến mất cùng với tốc độ phát triển của Thủ đô.
tin nhap 20160721103534 Đường Lâm, còn đó nét xưa
tin nhap 20160721103534 Những Hình Ảnh đẹp nhất về Hà Nội xưa - một thời dĩ vãng

Tiếng xe đạp xoành xoạch, đầu ngõ vang lên “Ai đồng nát tóc rối không?”. Gần như mỗi tháng một lần, khi tiếng rao ấy vang lên là trẻ con chúng tôi nhảy cẫng lên, chạy như bay vào góc buồng lấy chút tóc rối vo tròn. Thời ấy đói kém, dù mỗi búi tóc xù xì chỉ đổi được một cây kẹo mạch nha, nhưng cũng là thứ xa xỉ lắm rồi.

tin nhap 20160721103534

Không một ngõ ngách, đường phố nào của Hà Nội vắng tiếng rao của những người bán rong. Không biết tự bao giờ họ có mặt ở khắp nơi và đã dần trở thành một phần của Hà Nội. Những người bán rong chủ yếu đến từ các vùng quê khác nhau hoặc ngoại thành Hà Nội. Vì vậy, tiếng rao của họ cũng mang nhiều âm thanh, giọng điệu khác nhau. Có tiếng rao lảnh lót, có tiếng rao trầm, ấm hay thậm chí có tiếng rao như một giai điệu âm nhạc.

Có những tiếng rao mộc mạc, giản dị như chính người rao “Phớ ơ” để chỉ món tào phớ được làm từ nước đậu, hay những câu rao vần vè, có âm điệu, bài bản như “Bàn là, quạt cháy, máy bơm. Ti vi, tủ lạnh, nồi cơm, đầu màn. Côngtơ, cátxet, bộ đàm. Hỏng không dùng nữa thành hàng bán đi...”. Hoặc những cô đồng nát cứ ngân mãi “Ai đồng nát, sắt vụn, bán không…”. Tiếng rao rất ngọt, giọng lơ lớ cứ kéo dài mãi. Thi thoảng, ta lại nghe những tiếng rao ngọng chữ “l” và “n”. Nghe thấy tiếng rao, lũ trẻ con lại chạy ào ào ra đầu ngõ để nhại lại những câu như thế.

Ở thời hưng thịnh của báo giấy cách đây chục năm, người Hà Nội có thói quen mua báo giấy vào mỗi sáng sớm. Từ thanh niên đến người già, thời điểm diễn ra vụ án Năm Cam, hễ cứ thấy đầu ngõ vang lên tiếng rao “Báo mới đây, báo mới đây” là ai cũng phải ra mua bằng được.

Những âm thanh đó không chỉ chứa đựng những giai điệu ngọt ngào, trong đó còn có cả hương thơm, mùi vị, màu sắc kích thích tất cả giác quan của chúng ta. Buổi tối, nhất là lúc trời lành lạnh, nghe rao biết bao thức quà bình dị, dân dã mà thơm ngon: Nào là khoai nướng, sắn luộc, ngô luộc, nào là bánh giò nóng, bánh khúc nóng... Hay những câu như “Bánh mì Sài Gòn đây, một ngàn một chiếc, đặc biệt thơm ngon” thì ai có thể kìm lòng cho được. Người bán rong chỉ gói gọn hàng trong một cái thúng nhỏ đội lên đầu hay đèo cùng xe đạp. Thi thoảng, có người kẽo kẹt quẩy hàng bằng đôi quang gánh. Tiếng rao vụt qua rất nhanh, chỉ cần chậm chân là họ đi mất hút. Đôi khi, tiếng gọi vọng lại “Bánh mì ơi”. Chị bán bánh mì hớn hở quay lại, cởi chiếc khăn che mặt, nở nụ cười thân thiện, rồi nhanh tay lấy bánh cho khách.

Có tiếng rao cất lên nghe mà thấy thương cảm xót xa, vì đó là tiếng mưu sinh của những người lao động nghèo. Tiếng rao ấy chứa chan nỗi vất vả của bao thân phận. Họ là những người lặn lội từ khắp các miền quê Thanh Hóa, Nam Định... lên Hà Nội. Người thì thu gom đồng nát, sách báo cũ; người thì len lỏi bán từng tờ báo, từng lá vé số với đầy nhọc nhằn, vất vả.

Tiếng rao cùng gánh hàng rong đã trở thành một âm thanh, hình ảnh thân quen của Hà Nội. Những tiếng rao với đủ giọng điệu khác nhau khiến cho phố phường Hà Nội trở nên sinh động. Nhiều du khách nước ngoài cảm thấy rất thích thú, tò mò trước những tiếng rao nghe rất thân thương, dù họ không hiểu gì cả.

Ngày nay, đời sống văn minh hiện đại, các câu rao hàng mang tính dân gian đặc thù dần biến mất. Hàng quán, siêu thị mọc lên khắp nơi, nhiều tuyến phố cấm bán hàng rong. Tiếng rao cũng dần biến mất, thay vào đó là những câu rao được thu sẵn vào băng đĩa, phát đi phát lại. Chúng mang những nội dung khôi hài, những giai điệu âm nhạc hiện đại, gây khó chịu thính giác của người dân Thủ đô. Những tiếng rao công nghiệp, đinh tai nhức óc ấy cùng nhịp sống hối hả khiến nhiều người thèm muốn được nghe lại tiếng rao mộc mạc, trầm bổng của những gánh hàng rong một thời.

Những người gắn bó với Hà Nội, hay hoài niệm về một Hà Nội xưa cũ với những gáng hàng rong có tiếng rao bình dị - âm thanh của sự vất vả mưu sinh, đang dần chìm trong quên lãng…

Phương Bùi

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này