“Luật ngầm” xe cứu thương trong nhiều bệnh viện:

Mất bò mới lo làm chuồng!

14:26 | 14/07/2016
Những ngày qua, dư luận xôn xao, phẫn nộ trước hành động vô đạo đức của nhóm bảo vệ thuộc Công ty bảo vệ AZ (Bệnh viện Nhi Trung ương) chặn xe cứu thương của gia đình bệnh nhân khiến bệnh nhi tử vong… Qua vụ việc này dóng lên hồi chuông báo động về sự hiện diện “luật ngầm” xe cứu thương trong hệ thống bệnh viện hiện nay.
mat bo moi lo lam chuong Đuổi việc 3 bảo vệ Bệnh viện Nhi Trung ương chặn xe cứu thương
mat bo moi lo lam chuong Quá tải dịch vụ xe cứu thương: Cơ hội cho xe rởm lộng hành

Sau sự cố tại Bệnh viện Nhi Trung ương cản trở xe cứu thương chở bệnh nhân về quê khiến bệnh nhi tử vong gây bức xúc dư luận, Bộ Y tế và cơ quan trực thuộc mới liên tiếp ra công văn chỉ đạo, chấn chỉnh các cơ sở khám, chữa bệnh trên toàn quốc.

Cụ thể ngày 7.7.2016, Cục Quản lý khám, chữa bệnh đã có công văn số 737/KCB-QLCL về việc chấn chỉnh công tác vận chuyển người bệnh ra, vào tại các cơ sở khám, chữa bệnh và ngày 12.7. 2016, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đã ký công văn số 5439 /BYT – TCCB về việc chấn chỉnh các dịch vụ thuê, khoán tại các cơ sở khám, chữa bệnh và các cơ sở y tế trên địa bàn cả nước.

mat bo moi lo lam chuong
Chấn chỉnh luật "ngầm" về xe cứu thương tại các bệnh viện là trách nhiệm của Bộ Y tế.

Trong công văn, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nêu rõ: “Thời gian qua, tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, các cơ sở y tế một số tổ chức, cá nhân bên ngoài cung cấp các dịch vụ như bảo vệ, trông giữ xe, vận chuyển người bệnh cấp cứu… Tuy nhiên, hoạt động này còn tồn tại nhiều bất cập gây bức xúc trong dư luận xã hội và ảnh hưởng xấu đến hình ảnh người thầy thuốc và các cơ sở y tế”.

Trao đổi với phóng viên về việc xe cứu thương của nhiều bệnh viện hiện nay đang “lộng hành” khiến dư luận bất bình, bác sĩ Nguyễn Văn An - nguyên Viện trưởng Viện 51 (nay thuộc Quân Khu 3) cho hay, câu chuyện chặn xe cứu thương của Bệnh viện Nhi Trung ương vừa qua chỉ là giọt nước tràn ly. Bởi trên thực tế từ nhiều năm nay, không chỉ Bệnh viện Nhi Trung ương mà ngay cả rất nhiều bệnh viện khác, thậm chí cả các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện đều tình trạng chung như vậy. Bác sĩ An nhấn mạnh, lâu nay nhiều bệnh viện thường đặt ra quy định nội bộ vô lý, đó là chỉ cho xe cấp cứu bên ngoài đưa bệnh nhân đến, nhưng lại cấm xe cấp cứu bên ngoài đến đón bệnh nhân. Đơn giản vì, nếu bệnh nhân thuê xe cứu thương ở ngoài chở về giá chỉ khoảng 2,5 - 2,8 triệu đồng, nhưng nếu thuê xe trong bệnh viện phải mất khoảng 7 triệu đồng.

Thế nên, để chấn chỉnh kịp thời những hoạt động nêu trên và thực hiện nghiêm các quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh, các văn bản pháp luật có liên quan, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu thủ trưởng các đơn vị y tế trong toàn quốc (đặc biệt là bệnh viện) khẩn trương rà soát các hợp đồng đã ký kết về cung cấp dịch vụ tại bệnh viện, các cơ sở y tế, để có biện pháp ngăn ngừa những sai phạm, xử lý nghiêm, thậm chí chấm dứt các hợp đồng nếu xảy ra vi phạm hoặc có hành vi ứng xử không tốt, gây ảnh hưởng đến quyền lợi người bệnh và chất lượng khám bệnh, chữa bệnh; tổ chức đấu thầu rộng rãi, khách quan, minh bạch các dịch vụ thuê, khoán do tổ chức, cá nhân bên ngoài cung cấp theo quy định, lựa chọn những cơ sở cung cấp dịch vụ bảo đảm chất lượng và giá cả hợp lý, được tập thể chấp nhận; công khai, niêm yết giá các loại dịch vụ do các tổ chức, cá nhân cung ứng tại bệnh viện, các cơ sở y tế để người bệnh và người nhà người bệnh biết, tự do lựa chọn; xây dựng quy chế hoạt động trên nguyên tắc công khai, minh bạch...

Người đứng đầu ngành Y tế nhấn mạnh như vậy, song theo nhiều chuyên gia y tế, việc Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng những cơ quan, tổ chức bên ngoài làm ảnh hưởng đến uy tín người thầy thuốc và cơ sở y tế là chưa hợp lý. Bởi vì dù bất kỳ bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh có thuê dịch vụ ở bên ngoài thì đương nhiên phải chịu sự quản lý của cơ quan chủ quản, không thể có chuyện không hay biết để rồi những người đó làm ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh người thầy thuốc. Thậm chí, nhiều ý kiến còn nói những nội dung trong công văn của Bộ trưởng Bộ Y tế không phải mới, mà đã có từ khá lâu.

Cụ thể như việc niêm yết giá dịch vụ, cam kết thay đổi thái độ phục vụ, tập huấn kỹ năng giao tiếp... các quy định này đã được Bộ Y tế đưa vào trong cam kết thay đổi thái độ phục vụ với người bệnh từ rất lâu. Được biết, hiện nay cả nước đã có gần 100 bệnh viện ký cam kết thay đổi thái độ phục vụ người bệnh trong đó có Bệnh viện Nhi Trung ương. Rõ ràng, tình trạng độc quyền hay luật ngầm về xe cứu thương trong các bệnh viện đã có từ lâu, và không biết lãnh đạo Bộ Y tế có biết hay không? Song trên bình diện dư luận, chỉ khi xảy ra sự cố ở Bệnh viện Nhi Trung ương, Bộ Y tế với chức năng là cơ quan quản lý Nhà nước mới tá hỏa gửi công văn yêu cầu chấn chỉnh hoạt động liên quan đến dịch vụ xe cứu thương ở hệ thống bệnh viện trên cả nước chẳng khác nào “mất bò mới lo làm chuồng”.

Thu Trang

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này