Xóm nghèo người Nùng làm nông thôn mới

20:04 | 01/07/2016
Tại độ cao trên 2.000 mét so với mực nước biển, trên đỉnh Hạ Lang có một xóm nhỏ của người Nùng mang tên Lũng Phiô. Ở đó, từ năm này qua năm khác, người dân vẫn bám đất, bám rừng vừa là để sinh nhai, vừa là để cùng các lực lượng vũ trang bảo vệ biên cương Tổ quốc…
tin nhap 20160701085506 Tình quân - dân nơi địa đầu của Tổ quốc

Người Nùng trồng lúa, nuôi dê

Trước chuyến đi lên Cao Bằng, tôi được nghe nhiều câu chuyện về người chiến sĩ Biên phòng, mỗi một câu chuyện thường mang nhiều sắc thái khác nhau, nhưng tựu chung, hình ảnh người chiến sĩ Biên phòng thật gần gũi với bà con, luôn được bà con yêu mến, tin tưởng. Chính vì vậy, dù những việc “lông gà, vỏ tỏi”, ai cũng đều tìm đến để xin ý kiến của những người chiến sĩ mang quân hàm xanh.  Do đó, trong công cuộc xây dựng nông thôn mới nơi “phên dậu” của tổ quốc, bên cạnh công tác tuyên truyền, chiến sĩ Biên phòng vẫn luôn là những người đi đầu, hướng dẫn, truyền đạt, “làm mẫu” để bà con tin tưởng làm theo.

Được sự dẫn đường của những chiến sĩ Biên phòng Cửa khẩu Lý Vạn, từ thác Bản Giốc, chúng tôi đi men theo đường biên giới Việt  - Trung, chật vật hơn 1 tiếng đồng hồ mới có mặt tại Lũng Phiô, một xóm nhỏ của người Nùng thuộc xã Lý Quốc huyện Hạ Lang. Khác hẳn với những suy nghĩ trước đó, là cuộc sống của bà con dân tộc phải khó khăn vất vả lắm, nhưng thực tế ấn tượng đầu tiên đập vào mắt tôi là những căn nhà mái bằng tương đối khang trang và sạch sẽ.

tin nhap 20160701085506
Anh Lục Văn Long bên cạnh đàn dê của mình.

Qua giới thiệu của chiến sĩ Biên phòng tên Minh, chúng tôi tìm đến gia đình anh Lục Văn Long, sinh năm 1983, là người dân tộc Nùng. Tiếp chuyện chúng tôi trong căn nhà đơn sơ của mình, anh Long kể: “Ngày trước, cuộc sống gia đình tôi vất vả lắm, trời chưa sáng hẳn cả nhà đã vội bồng bế nhau lên nương làm rẫy, vất vả là thế, nhưng cũng chẳng đủ ăn. Sau nhờ bộ đội Biên phòng góp mấy ngày công, cải tạo hơn chục sào ruộng và hướng dẫn trồng lúa thì cuộc sống mới khấm khá hơn. Hồi đầu năm, cũng lại nhờ học hỏi và sự giúp đỡ của các chiến sĩ Đồn Biên phòng Lý Vạn, tôi quyết tâm mua 6 con dê về nuôi”. Đến nay, sau hơn 3 tháng, nhờ chăm sóc đúng cách, đàn dê của anh Long đã lên đến 14 con. Cứ như vậy, từ giờ đến cuối năm, anh Long hy vọng sẽ tiếp tục nhân đôi được đàn dê của mình để gia đình cũng có thêm một khoản tích lũy. “Mô hình này tôi học hỏi và nhờ anh em Đồn Biên phòng giúp đỡ, khuyến khích đấy. Hy vọng sang năm tới, tôi sẽ có thêm đàn dê cả trăm con rồi cũng học theo các chiến sĩ biên phòng tặng dê cho các hộ nghèo khác để bà con có cơ hội thoát nghèo như mình” - anh Lục Văn Long tâm sự.

Không chỉ ở gia đình anh Lục Văn Long, bằng tinh thần trách nhiệm “lo cho dân như lo cho mình”, phong trào “BĐBP chung sức xây dựng nông thôn mới” đã và đang được các cơ quan, đơn vị thuộc bộ đội Biên phòng  (BĐBP) triển khai hiệu quả. Hình ảnh những ruộng lúa, nương ngô xanh mướt, những ngôi nhà mới khang trang, những con đường bê tông kiên cố... trên các xóm, bản biên giới như tô thắm hơn nữa hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ”, góp phần tăng cường xây dựng mối đoàn kết quân - dân, xây dựng trận địa lòng dân vững chắc, giúp địa phương ổn định kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh.

Sẻ chia khó khăn với  người dân

Trao đổi với PV, Thượng tá Bùi Tiến Dũng - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu Lý Vạn cho biết, chung sức cùng đồng bào các dân tộc vùng biên giới xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống là một trong những nhiệm vụ trung tâm của cán bộ, chiến sĩ BĐBP nói chung và Đồn biên phòng Cửa khẩu Lý Vạn nói riêng. 

Để từng bước giúp đồng bào vùng sâu, vùng xa thay đổi nhận thức, tập tục canh tác, đồn đã cử cán bộ, chiến sĩ đến tận các xóm, bản nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con. Trên cơ sở đó, BĐBP đề xuất với cấp ủy, chính quyền có biện pháp tháo gỡ, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân hiểu rõ nguyên nhân của sự đói nghèo, lạc hậu, tự giác từ bỏ dần các hủ tục  dị đoan, áp dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi... “Tập trung khảo sát, nắm tình hình các hộ nghèo trên cơ sở căn cứ vào tiêu chí hộ nghèo, nhưng không có vốn, không có năng lực và kinh nghiệm chuyển đổi cách làm ăn để thoát nghèo. Những hộ được chọn phải có chí vươn lên thoát nghèo, không có biểu hiện trông chờ, ỷ lại...” - Thượng tá Bùi Tiến Dũng nhấn mạnh

Được biết, thực hiện chủ trương của cấp trên về triển khai phong trào "BĐBP chung sức xây dựng nông thôn mới", ngoài phần kinh phí hỗ trợ cho gia đình anh Lục Văn Long, Đồn biên phòng Cửa khẩu Lý Vạn cũng đã giúp đỡ 5 hộ gia đình di dời chuồng nuôi nhốt gia súc ra khỏi gầm sàn, nhà ở, trị giá 20 triệu đồng. Phối hợp với chính quyền địa phương  xây dựng 5 “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới”; tiếp nhận và ủng hộ 82 con bò giống giúp người nghèo nơi biên giới. Cử nhiều đợt cán bộ, chiến sĩ tham gia giúp dân lao động sản xuất, thu hoạch vụ mùa, làm đường giao thông nông thôn, láng nền nhà xi măng, khắc phục hậu quả thiên tai, bão lụt, mỗi năm trên 350 ngày công…

Ngoài ra, để ủng hộ các em học sinh giỏi, nhưng có hoàn cảnh gia đình khó khăn, bằng những đồng lương ít ỏi của mình, các chiến sĩ Đồn biên phòng Cửa khẩu Lý Vạn đã cùng chung tay xây dựng quỹ hỗ trợ “Nâng bước em đến trường”. Nhờ vậy, trong năm học 2015-2016, đơn vị đã hỗ trợ 3 suất quà mỗi suất trị giá 500.000 đồng/ tháng cho 3 em Mã Thị Việt Trinh, Triệu Thị Nguyệt và Mạc Thị Uyên. Món quà tuy nhỏ, nhưng vô cùng ý nghĩa, giúp các em được yên tâm tới trường. “Trong năm học tới, các chiến sĩ trong đồn quyết tâm hỗ trợ thêm một cháu nữa, nâng tổng số cháu được hỗ trợ là 4 cháu” – Thượng tá Bùi Tiến Dũng nhấn mạnh.

Có thể thấy, cách làm của Đồn Biên phòng Cửa khẩu Lý Vạn là khá đặc sắc, rất cụ thể và thiết thực, đơn vị không những chủ động kết nối với các cơ quan, ban, ngành địa phương và các doanh nghiệp, các đơn vị kết nghĩa, các nhà hảo tâm...  mà còn trải qua thực tế, nói dân nghe, làm dân tin.

Tuấn Dũng

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này