Hà Hồi- “Xóm” giữa Thành phố

10:44 | 10/06/2016
Phố tạo nên thành phố. Ngoài phố, Hà Nội còn có ngõ, ngách, xóm, thôn. Ví như xóm Hà Hồi ở trung tâm Thành phố.  
tin nhap 20160610100217 “Phố cò lả” của người Hà Nội xưa
tin nhap 20160610100217 Cho tôi thêm yêu Thủ đô ngàn năm văn hiến...
tin nhap 20160610100217 Chợ Giời Hà Nội xưa và nay

Hà Nội hôm nay, những khu đô thị mới mọc lên nhanh chóng, những phố cũ trong khu 36 phố phường được sửa sang tân kỳ đến lạ lẫm. Chỉ những con ngõ nhỏ ngoắt ngoéo là vẫn giữ được vẻ im lìm, nét kín đáo riêng tư của chúng, tưởng như những xô bồ bên ngoài cuộc sống chưa bao giờ chạm tay được đến nơi đây. 

Tìm về xóm Hà Hồi trong cái nắng tháng 6 oi ả, được thấy một cảm giác thật yên tĩnh đến lạ lùng. Gọi là xóm, nhưng thực ra đó lại là một con ngõ dài, chạy vòng nối từ phố Trần Hưng Đạo sang phố Quang Trung, một ngách nữa ra đường Trần Quốc Toản, 2 ngách cách nhau chưa đến trăm bước chân bên số chẵn đường Quang Trung.

Trong xóm cũng có vài quán ăn hay tiệm cà phê nhỏ, nhưng chủ yếu là các hiệu sách hay điểm văn hoá. Nhà cửa trong ngõ kiểu nông thôn Pháp, thường một tầng hầm, một tầng nhà, vườn bao quanh. 

Có lẽ vì nằm lọt thỏm giữa những đường phố đông đúc của Hà Nội nên khi ai đó bước vào xóm Hà Hồi đều có cảm tưởng mọi sự vội vã dường như tan biến, mà thay vào đó là chút nhẩn nha, thong dong... Tuy nhiên, xóm Hà Hồi cũng đang dần đổi thay, những ngôi nhà cao tầng hiện đại cũng đang dần mọc lên đan xen với những căn nhà cổ kính vẫn như cố níu giữ chút kiến trúc xưa. 

tin nhap 20160610100217
Góc nhỏ yên tĩnh trong xóm Hà Hồi.

Càng tìm hiểu về xóm Hà Hồi thì càng thấy ngạc nhiên. Trước tiên là tên “xóm” giữa bao tên đường, tên phố khác, sau còn có rất nhiều điểm đặc biệt nữa. Mọi ngôi nhà trong xóm đều ghi trước biển hiệu hay số nhà của mình là “Hạ Hồi”. “Mọi người ở đây đã quen thuộc với cái tên Hạ Hồi, tuy nhiên đến lúc lắp biển thì không hiểu vì sao người ta ghi là Hà Hồi. Không chỉ vậy, cả bên bưu điện đều chấp nhận cái tên Hạ Hồi, đồ đạc, thư từ có địa chỉ ghi là Hạ Hồi vẫn được chuyển tới đúng nơi” - bác Phúc, một cư dân nơi đây, cho biết. 

Theo nhà Sử học Lê Văn Lan, xóm Hà Hồi được lấy theo tên của một ngôi làng ở huyện Thường Tín, nơi gắn liền với chiến thắng đêm mùng 3 Tết năm Kỷ Dậu của Vua Quang Trung - Nguyễn Huệ. Nơi đây nguyên là phần đất của một trại lính nhà Nguyễn có tên gọi là Hậu Quân. Đến thời Pháp thuộc, người Pháp đã cho mở 4 ngõ thông nhau, đặt tên là Giô-rê-ghi-be-ry (cité Jauréguiberry) mà lại có nơi dịch chữ Xitê (cité) là xóm. Đến tháng 7.1945, Thị trưởng lúc bấy giờ của Hà Nội là Trần Văn Lai vốn là một nhà sử học yêu nước đã cho đổi tên các con phố Tây thành các tên, địa danh gắn liền với lịch sử dân tộc. Xóm Hà Hồi cũng được đặt tên từ đó. 

Sau này, đến tháng 8.1945, Công báo của Cách mạng Tháng Tám cũng công nhận cái tên này và gắn liền đến nay. Tuy nhiên, lâu dần có nhiều người do phiên âm mà đọc nhầm tên “Hà Hồi” thành “Hạ Hồi”, cho đến năm 2007, khi Thành phố tổ chức cắm biển tên, mới chính thức lấy lại tên cũ là “xóm Hà Hồi”.

Một ngõ nhỏ với bao điều thú vị, từ tên “xóm”, cách gọi Hạ Hồi hay Hà Hồi, nhưng thiết nghĩ với người dân nơi đây, thì dù gọi theo cách nào thì xóm nhỏ vẫn là mảnh đất gắn bó máu thịt, mang một phần hồn của họ. Thế mới biết thâm ý sâu xa của người xưa: Chớ quên, xóm làng là gốc, là cái căn bản của nền văn hoá Việt. Xóm làng là nơi tâm hồn Việt tìm thấy sự bình yên và thanh tao.

Khải Đăng - Anh Tuấn

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này