Nước uống C2, Rồng Đỏ nhiễm chì nguy hiểm đến mức nào?

13:28 | 03/06/2016
Việc các sản phẩm C2, Rồng Đỏ của Công ty URC Việt Nam bị nhiễm độc chì vượt tiêu chuẩn cho phép đã gây hoang mang dư luận. Vấn đề đặt ra, người tiêu dùng “trót” uống sản phẩm này thì sẽ ra sao? Ai, cơ quan nào phải chịu trách nhiệm chính trong vấn đề này?
nguy hiem den muc nao Kết quả nước uống C2 và Rồng Đỏ vênh nhau: Cơ quan quản lý nói gì?
nguy hiem den muc nao Vụ C2, Rồng đỏ nhiễm chì vượt mức: Công ty URC Hà Nội bị phạt 5,8 tỉ đồng

Nguy hiểm khi uống nước bị nhiễm chì

Theo Thanh tra Bộ Y tế, chỉ tính riêng số lượng nước uống C2 và Rồng Đỏ nhiễm chì vượt mức cho phép trong đợt thanh tra gần đây đã lên tới 1.184 thùng. Trong đó, phần lớn sản phẩm thuộc lô hàng C2 và Rồng Đỏ đã bán ra thị trường với tổng giá trị hàng hóa vi phạm đã xuất bán, không thu hồi được, trị giá 3.875 tỉ đồng. Điều này, đồng nghĩa với việc, rất nhiều người đã uống phải loại nước chứa chì vượt ngưỡng cho phép; trong đó, đáng báo động là lượng khách hàng không nhỏ là trẻ em. 

nguy hiem den muc nao
Trẻ nhỏ có nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe nhiều hơn người lớn khi sử dụng C2 và Rồng đỏ nhiễm chì.

Nói về mức độ độc hại của lô sản phẩm C2 và Rồng Đỏ nhiễm chì đang lưu thông trên thị trường, PGS.TS Trần Hồng Côn - Giảng viên hóa học (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội) cho biết: Chì là loại kim loại nặng được liệt vào danh mục các chất có độc tố khá cao, vì chì có khả năng tích lũy sinh học trong cơ thể con người, tích lũy lâu dần sẽ gây bệnh cho cơ thể. Có thể bình thường sử dụng nước, thức ăn, thực phẩm có lượng chì nhỏ thì không có tác động ngay lập tức, nhưng nếu để tích lũy dần trong cơ thể sẽ gây phá hủy dần tủy xương - bộ phận sản xuất ra hồng cầu.  Vì vậy, nếu không có biện pháp đào thải chì, thì khi chì đã vào trong cơ thể sẽ rất nguy hiểm và nếu nhiễm chì ở mức nặng bệnh nhân sẽ tử vong. Nguy hiểm hơn, với trẻ em, việc nhiễm độc chì nhạy cảm hơn nhiều so với người lớn, khả năng tích lũy chì của trẻ em cao hơn so với người lớn.

Và đặc biệt, “nặng hơn, nếu sữa mẹ có nhiễm chì, khi cho con bú, lượng chì nhiễm vào trong con sẽ cao hơn trong sữa mẹ, bản thân đứa trẻ sẽ bị ngấm chì”- PGS.TS Trần Hồng Côn nhấn mạnh. Cùng quan điểm này, PGS.TS Phạm Duệ - nguyên Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết thêm: Chì là một chất cực độc đặc biệt nguy hiểm đối với trẻ em, nhất là trong trường hợp ngộ độc chì cấp tính. Lý do bởi chì khó thải loại,  khi vào cơ thể, chì theo máu đến các cơ quan như gan, thận, não, tủy xương, dây thần kinh … gây bệnh cho trẻ. Vì có tác hại, nên hàm lượng chì được quy định nghiêm ngặt trong sản phẩm thực phẩm, thuốc uống.

Người tiêu dùng có quyền đòi bồi thường

Chì là loại kim loại nặng được liệt vào tóp các chất có độc tố khá cao, vì chì có khả năng tích lũy sinh học trong cơ thể con người, tích lũy lâu dần sẽ gây bệnh cho cơ thể. Có thể bình thường sử dụng nước, thức ăn, thực phẩm có lượng chì nhỏ thì không có tác động ngay lập tức, nhưng nếu để tích lũy dần trong cơ thể sẽ gây phá hủy dần tủy xương - bộ phận sản xuất ra hồng cầu. Vì vậy, nếu không có biện pháp đào thải chì, thì khi chì đã vào trong cơ thể sẽ rất nguy hiểm và nếu nhiễm chì ở mức nặng bệnh nhân sẽ tử vong.

Dùng phải sản phẩm mất an toàn là thế, song vấn đề đặt ra ai, cơ quan nào phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng khi đã mua các sản phẩm nước uống C2 và Rồng Đỏ? Luật sư Nguyễn Văn Hà - Văn phòng Luật sư Hà Lan và cộng sự (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho rằng,  trước tiên, người tiêu dùng (NTD) có thể yêu cầu Công ty URC Việt Nam bồi thường. Tuy nhiên, theo Luật sư Hà sẽ rất khó, bởi lẽ kết luận của Thanh tra Bộ Y tế chỉ liên quan đến 2 lô ở hai thời điểm khác nhau, chứ không phải tất cả các lô, cho nên mức độ thiệt hại, ảnh hưởng đến NTD là khó xác định. Bên cạnh đó, NTD thường sử dụng sản phẩm C2 và Rồng Đỏ đơn lẻ nên việc xác định ảnh hưởng như thế nào đối với sức khỏe lại càng khó. 

Còn ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch - kiêm Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ NTD Việt Nam - cho rằng, theo các quy định hiện hành của pháp luật, NTD có quyền được bồi thường theo Khoản 6, Điều 8 Luật Bảo vệ quyền lợi NTD và có quyền được khiếu nại, tố cáo, khởi kiện ra tòa theo Khoản 7, Điều 8 của luật này. Cạnh đó, NTD cũng có quyền được bồi thường thiệt hại theo quy định do sử dụng thực phẩm không an toàn gây ra tại Khoản Đ, Điều 9, Luật An toàn thực phẩm. Tuy nhiên, ông Hùng cũng lưu ý NTD cần phải có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ và chứng minh trong vụ án dân sự để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, trừ việc chứng minh lỗi của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh.

Trang Thu

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này