Viết sách cho thiếu nhi: Khó, nhưng không thể bỏ ngỏ...

12:04 | 02/06/2016
Sách thiếu nhi vốn là mảng sách bán chạy nhất trên thị trường, song, số lượng tác giả trong nước “dấn thân” viết về đề tài thiếu nhi có lẽ chỉ đếm trên đầu ngón tay. “Đói” bản thảo có chất lượng, các tác giả kêu “khó” là nguyên nhân chính khiến sách thiếu nhi thuần Việt không đủ sức chạy đua với hàng ngàn tác phẩm đươc nhập siêu mỗi năm.
kho nhung khong the bo ngo Hà Nội mở hội sách thiếu nhi nhân ngày 1/6
kho nhung khong the bo ngo Món quà ý nghĩa dịp Tết thiếu nhi
kho nhung khong the bo ngo Sẽ “trảm” sách thiếu nhi nhảm

Sáng tác cho thiếu nhi không dễ

Cứ đến dịp hè, thị trường sách thiếu nhi lại khá, nhộn nhịp. Nhằm phục vụ nhu cầu của những bạn đọc nhỏ tuổi, ngay từ những ngày tháng 4, 5, hàng loạt đầu truyện đã được các NXB tung ra thị trường với nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn. Dạo một vòng quanh các cửa hàng sách lớn, nhỏ hiện nay, sách thiếu nhi ngày một phong phú và đa dạng - từ truyện tranh, truyện cổ tích đến sách văn học, sách kỹ năng sống, sách tiếng Anh, song ngữ,… Thế nhưng, thực tế cho thấy, số lượng sách viết cho thiếu nhi Việt vẫn rất thưa thớt. Trong khi đó, sách nước ngoài lại đang chiếm vị trí áp đảo.

kho nhung khong the bo ngo
Tác giả Nguyễn Nhật Ánh ký tặng sách cho độc giả.

Có nhiều lý do khiến phụ huynh thích chọn sách nước ngoài cho con thay vì mua sách trong nước. Theo chị Vũ Kim Chi (phố Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm - Hà Nội) lý do lớn nhất vẫn là sách nước ngoài không chỉ trình bày đẹp mà còn rất đa dạng về chủng loại lẫn nội dung. Còn anh Đinh Xuân Đoan (huyện Gia Lâm – Hà Nội) cho rằng, sách trong nước quanh quẩn vẫn là đề tài lịch sử, cổ tích muốn mua một cuốn hay, mới cho con cũng như “đãi cát tìm vàng”. Sự “vênh” này cũng là điều dễ hiểu, bởi trong khi ở các nước phát triển trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, xuất bản sách thiếu nhi đã trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn thì ở nước ta, thị trường này vẫn đang tìm hướng phát triển và còn quá nghiệp dư.

Nhà văn Lê Văn Nghĩa - tác giả cuốn truyện dài “Mùa hè Petrus ký” được học sinh rất hâm mộ - cho rằng, việc sáng tác cho trẻ em là rất khó. Muốn sáng tác cho thiếu nhi cần lòng đam mê của mỗi tác giả. Sách Việt muốn gần gũi hơn với độc giả nhí cần thay đổi cách khuyên nhủ giáo điều, cứng nhắc bằng những suy nghĩ của tác giả. Giáo dục thiếu nhi phải thông qua tính cách nhân vật, sự kiện cụ thể, sự xung đột để giáo dục cho thiếu nhi, để từ đó rút ra bài học cho bản thân. Bên cạnh đó, thu nhập không cao, danh tiếng không nhiều cũng là một trong những lý do khiến những tác giả trẻ “ngại” sáng tác cho lứa tuổi này.

Cần sự chung tay...

Sách không chỉ đơn thuần thực hiện chức năng giải trí mà còn phải thực hiện một nhiệm vụ rất cao cả là góp phần hình thành nhân cách, ứng xử văn hóa cho trẻ nhỏ – những chủ nhân tương lai của đất nước. Đầu tư cho văn hóa đọc là đầu tư cho con người.

Nếu đổ lỗi cho nguyên nhân nhuận bút “không đủ sống” thì không hẳn đúng. Bởi lẽ trên thực tế, có một số nhà văn lại sống khỏe từ chính việc viết cho thiếu nhi. Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh là một ví dụ. Ông là tác giả hiếm hoi trong làng sách Việt đều đặn ra mắt các tác phẩm viết cho thanh, thiếu nhi vào mỗi năm. Cuốn sách mới đây nhất “Con chó nhỏ mang giỏ hoa hồng” lần đầu đã in tới 100.000 bản, ước tính nhà văn Nguyễn Nhật Ánh thu được tiền nhuận bút khoảng 1 tỉ đồng. Đây là một con số mơ ước của các nhà văn trong bối cảnh hiện nay. Đặc biệt, tác phẩm “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” sau khi được chuyển thành phim đã mang lại doanh thu lớn và trở thành hiện tượng của nền điện ảnh nước nhà trong năm 2015. Hay như cuốn “Quà cho con” – gồm 100 bài thơ viết về 100 kỹ năng sống cần thiết cho trẻ nhỏ của tác giả Nguyễn Huy Hoàng vừa cho ra mắt cách đây một tuần: Thông tin cuốn sách này được Công ty Tân Việt mua bản quyền tới 550 triệu đã khiến không ít người phải bất ngờ.

Như vậy rõ ràng, viết sách cho thiếu nhi không phải là quá “bèo bọt” nếu như bắt đúng tâm lý trẻ bởi thế mạnh của sách Việt là ngôn ngữ gần gũi, phù hợp văn hóa của trẻ em Việt. Theo ông Nguyễn Minh Nhựt – Giám đốc NXB Trẻ, sách thiếu nhi ngoại nhập có lợi thế về phổ biến kiến thức, nhưng những bài học về tâm hồn chưa chắc đã phù hợp với trẻ em Việt Nam. Người Việt viết cho người Việt mới thực sự là nuôi dưỡng tâm hồn cho nhau. Ông Nhựt cho biết thêm, trong hoạt động “tiệc sách ngày hè” do NXB Trẻ vừa mở ra mới đây, có đến 80% số sách dành cho thiếu nhi, trong đó có một số đầu sách của các tác giả Việt.

Vẫn biết, viết sách cho thiếu nhi không phải chuyện dễ dàng, nhất là thiếu nhi thời nay với cơ hội được tiếp cận rất nhiều thông tin, giải trí, thế nhưng, không phải vì thế mà chúng ta bỏ ngỏ một thị trường tiềm năng cho chính tác giả Việt. Sách không chỉ đơn thuần thực hiện chức năng giải trí mà còn phải thực hiện một nhiệm vụ rất cao cả là góp phần hình thành nhân cách, ứng xử văn hóa cho trẻ nhỏ – những chủ nhân tương lai của đất nước. Đầu tư cho văn hóa đọc là đầu tư cho con người.

Lưu Nhi

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này