Giải bài toán úng ngập tại Hà Nội: Không đơn giản!

13:17 | 31/05/2016
Mặc dù hậu quả ngập úng của trận mưa đầu mùa hạ tại Hà Nội vào đêm 24 rạng sáng 25.5 trên địa bàn Hà Nội cho đến thời điểm này đã được giải quyết, thế nhưng không ít người  vẫn  rất lo lắng, thấp thỏm mỗi khi trời xuất hiện cơn giông. Áp lực đô thị với bài toán giải vấn nạn ngập úng không phải đơn giản.
giai bai toan ung ngap tai ha noi khong don gian Hà Nội cần rà soát lại hệ thống cống ngầm
giai bai toan ung ngap tai ha noi khong don gian Ừ nhỉ, được đấy!

Theo số liệu từ Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, lượng mưa đêm 24 rạng sáng 25.5 đo được tại Vân Hồ 187,1mm; Cầu Giấy 277,8; Mễ Trì 235,5mm; Ngã Tư Sở 228,7mm; Xuân  Đỉnh 196,9mm; hồ Tây 168,5mm ; Lương Định Của 193,6mm; Trúc Bạch 206,9mm; Nam Từ Liêm 214,1mm; Thanh Liệt 252mm; Hoàng Quốc Việt 249mm và các nơi khác xấp xỉ 200mm. Mưa xảy ra trên diện rộng, tập trung tại khu vực phía Tây. 

giai bai toan ung ngap tai ha noi khong don gian
Trận mưa lớn vừa qua, tại khu vực nhà HH2 Dương Nội (Hà Đông, Hà Nội) Ban quản lý KĐT đã phải bắc cầu tạm cho người dân lưu thông.

Điều đáng nói là những điểm ngập trong khu vực nội thành nước rút nhanh, nhưng các điểm phía Tây nước rút chậm. Điều đáng nói là những khu vực vốn ngập sâu và thoát nước lâu trong trận mưa đầu mùa này, lại không nằm trong danh mục 16 điểm dự kiến, mà nằm nhiều ở vùng ngoại thành và ven nội đô.

Nguyên nhân được cho là do lượng mưa lớn đột biến vượt quá khả năng của hệ thống, cùng với ảnh hưởng của các công trình hạ tầng kỹ thuật đang thi công của dự án thoát nước, công trình xây dựng,… 

Trong khi đó, hệ thống thoát nước đô thị Hà Nội trải rộng trên địa bàn 12 quận với diện tích khoảng 230km2, gồm 3 lưu vực thoát nước chính, song chỉ có lưu vực sông Tô Lịch (nội thành cũ - 77,5km2) được đầu tư xây dựng và cải tạo đồng bộ, cải thiện thoát nước và VSMT. Lưu vực Tả Nhuệ (58km2) chưa được đầu tư đồng bộ, nên mùa mưa thường xảy ra úng ngập do mực nước sông Nhuệ dâng cao.

Trao đổi với LĐTĐ, ông Phạm Văn Cường - Giám đốc Ban Quản lý dự án Thoát nước Hà Nội - cho biết, Dự án Thoát nước, cải thiện môi trường Hà Nội giai đoạn I và giai đoạn II nhằm mục tiêu chống úng ngập cho TP trong lưu vực sông Tô Lịch (phạm vi vành đai 2 trở vào trung tâm TP) khi có lượng mưa 310mm/2 ngày.

Dự án giai đoạn 1 đã hoàn thành năm 2005.  Dự án giai đoạn 2 gồm 16 gói thầu xây lắp, mua sắm thiết bị, thực hiện thi công từ năm 2008 và hiện đang khẩn trương thi công, hoàn thiện các hạng mục của các gói thầu cuối cùng số 4, 5,6,7, dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối tháng 6 năm nay.

“Các hạng mục của dự án cơ bản đã hoàn thành đưa vào sử dụng như hồ Bảy Mẫu, hồ Đống Đa, Hố Mẻ, Hào Nam, hồ Linh Đàm, trạm bơm Yên Sở, nhà máy xử lý nước thải hồ Bảy Mẫu, các tuyến cống, mương,… đáp ứng được nhu cầu tiêu thoát nước của Thành phố, khi ngập vì lượng mưa lớn nước thoát nhanh.

Khu vực phía Tây Thành phố, nhất là khu vực các quận Hà Đông, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm bị úng ngập sâu vì nằm ngoài phạm vi dự án Thoát nước” - ông Cường chia sẻ.

Theo ông Cường, để giải bài toán úng ngập cho Hà Nội thì cần triển khai đồng bộ hệ thống thoát nước, cần đầu tư xây dựng các trạm bơm ra sông Nhuệ, các hồ điều hòa, các tuyến kênh hoặc tuyến cống, mương để thoát nước.

Trong mấy năm trở lại đây, khu vực phía Tây Thành phố có tốc đô thị phát triển mạnh, các KĐT được xây dựng nhưng phần lớn vẫn nằm xen kẽ với đồng ruộng, nên việc thoát nước từ các dự án đô thị này phụ thuộc vào kênh mương của đồng ruộng.

Do đó, có thể dự án làm tốt hệ thống thoát nước trong KĐT, nhưng lại không biết tiêu thoát đi đâu, theo đường nào. Yếu tố này dẫn tới tình trạng, mưa đã dứt vài hôm nhưng nước  trong KĐT vẫn chưa tiêu thoát hết.

Ông Cường cho biết, hiện Ban Quản lý dự án Thoát nước đang xây dựng dự án Thoát nước lưu vực Tả Nhuệ để trình Thành phố trong năm nay. Tuy nhiên,  tìm được nguồn vốn thực hiện dự án này không dễ, vì cần lượng vốn rất lớn.

“Thành phố cũng đã giao cho Sở NNPTNT triển khai xây trạm bơm Liên Mạc với công suất 170m3/s và trạm bơm Yên Nghĩa ra sông Đáy công suất 120m3/s. Nếu 2 trạm bơm này được xây dựng thì việc úng ngập khu vực phía Tây sẽ được giải quyết nhanh hơn, song nguồn kinh phí đầu tư cho dự án có lẽ không đơn giản” - ông Cường nói.

Được biết, quy hoạch dự án thoát nước Hà Nội được Thủ tướng phê duyệt năm 1995, đến năm 2013 được điều chỉnh lại đến năm 2030, tầm nhìn 2015. Theo đó, Hà Nội bao gồm 3 vùng tiêu thoát nước chính là vùng tiêu Tả Đáy, Hữu Đáy và Bắc Hà Nội với 2 quy hoạch thoát nước chính là: Quy hoạch thoát nước mưa và Quy hoạch thoát nước thải, xử lý nước thải.

Lý giải về việc khu vực các phố Thái Hà, Huỳnh Thúc Kháng - là khu vực nội đô bị ngập sâu trong nước và rút nước chậm trong trận mưa lớn vừa qua,  ông Cường cho rằng là do hỗ trợ  tiêu thoát nước cho khu vực Hà Đông, Mỹ Đình,… (từ sông Nhuệ), Công ty Thoát nước đã mở cửa đập Thanh Liệt.

“Nếu không phải hỗ trợ khu vực này thì đóng đập Thanh Liệt, khu vực Thái Hà, Thái Thịnh sẽ thoát nước rất nhanh. Vì thế, trước mắt, rất cần sự triển khai thực hiện sớm 2 trạm bơm phục vụ cho thoát tiêu nước từ sông Nhuệ: Trạm bơm Liên Mạc và trạm bơm Yên Nghĩa ra sông Đáy”- ông Cường nhận định.

Thương Huế

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này