Từ vụ chai Sting có vật thể lạ: Người tiêu dùng phải làm gì?

13:31 | 27/05/2016
Liên quan đến chai Sting nghi là của hãng Pepsico bị phát hiện có vật thể lạ, việc khiếu nại tưởng chừng như đơn giản, tuy nhiên nếu không nắm rõ luật thì sự việc sẽ chẳng đi đến đâu. PV đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Văn Tân thuộc Công ty Luật TNHH Dương Khôi Minh (Đoàn luật sư TP Hà Nội) xung quanh vấn đề này.
tu vu chai sting co vat the la nguoi tieu dung phai lam gi Cục ATTP quá ưu ái cho Công ty Suntory Pepsico?
tu vu chai sting co vat the la nguoi tieu dung phai lam gi Vụ chai Sting có vật thể lạ: Khách hàng vẫn đang đợi câu trả lời
tu vu chai sting co vat the la nguoi tieu dung phai lam gi
Tháng 12/2015, một khách hàng ở Bắc Ninh đã phát hiện ra chai nước Sting nghi là của hãng Pepsico sản xuất có chứa côn trùng chết bên trong. Ảnh: An Nhiên

Với câu hỏi: “Khi phát hiện chai nước Sting nghi là của hãng Pepsico có chứa vật thể lạ bên trong, người tiêu dùng cầm chai nước đến tòa soạn báo phản ánh, như thế có đúng không? Người tiêu dùng phải làm là gì để khiếu nại theo đúng trình tự của luật quy định?”

Ông Tân cho biết, Sting là một loại nước giải khát đóng chai không cồn, là sản phẩm người tiêu dùng uống trực tiếp vào cơ thể nên đây là sản phẩm phải đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm từ quy trình sản xuất, đóng gói, phân phối sản phẩm theo quy định của pháp luật.

Sản phẩm nước Sting được đóng chai kín, đối với chai nước chưa mở nắp thì không thể có vật thể khác bên ngoài lọt vào. Trường hợp chai nước chưa mở nhưng đã có vật thể lạ không xác định bên trong thì có thể khẳng định rằng đã có sai sót hoặc lỗi trong quá trình sản xuất, đóng gói.

Việc người tiêu dùng cầm chai nước có vật thể lạ đến cơ quan báo chí để phản ánh về hành vi vi phạm an toàn thực phẩm, được hiểu đây là việc người tiêu dùng thông báo cho các cơ quan thông tin đại chúng, truyền thông đến những người tiêu dùng khác.

Theo quy định tại Khoản 6 – Điều 60 của Luật an toàn thực phẩm về trách nhiệm trong thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn thực phẩm: “Các cơ quan thông tin đại chúng có trách nhiệm ưu tiên về thời điểm, thời lượng phát sóng để thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn thực phẩm trên đài phát thanh, đài truyền hình; dung lượng và vị trí đăng trên báo in, báo hình, báo điện tử theo quy định của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông. Việc thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng không thu phí, trừ trường hợp thực hiện theo hợp đồng riêng với chương trình, dự án hoặc do tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài tài trợ".

Từ căn cứ nêu trên, việc người tiêu dùng phản ánh hành vi vi phạm an toàn thực phẩm đến cơ quan báo chí của người tiêu dùng là việc làm phù hợp. Sau khi tiếp nhận phản ánh, cơ quan báo chí sẽ tiến hành xem xét, kiểm tra về các tài liệu, chứng cứ người tiêu dùng cung cấp, nếu có cơ sở thì thông báo đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để kịp thời ngăn chặn, xử lý đối với các cá nhân, tổ chức vi phạm.

Theo Luật sư Tân, các bước người tiêu dùng cần làm khi phát hiện sản phẩm không đủ điều kiện an toàn thực phẩm bao gồm: Giữ nguyên hiện trạng của sản phẩm, không tự ý mở nắp, bóc bao bì sản phẩm, không bóc tem, nhãn trên sản phẩm; Thông báo cho cá nhân, tổ chức sản xuất, cung ứng sản phẩm đó biết để dừng việc sản xuất, cung ứng các sản phẩm đó; Thông báo đến các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền như: Phòng bảo vệ người tiêu dùng – Cục quản lý cạnh tranh thuộc Bộ công thương, Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng, Cơ quan quản lý thị trường, Sở y tế, Ủy ban Nhân dân các cấp nơi xảy ra hành vi vi phạm để kịp thời ngăn chặn, xử lý.

Trường hợp cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm Pháp luật về an toàn thực phẩm gây thiệt hại đến tài sản, sức khỏe, tính mạng cho người tiêu dùng thì người tiêu dùng có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Nếu cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm không tự nguyện bồi thường thiệt hại, người tiêu dùng có thể khởi kiện tổ chức, cá nhân đó đến cơ quan Tòa án hoặc trọng tài để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Luật sư Tân khuyến cáo, để tránh việc mua phải hàng hóa không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, người tiêu dùng khi mua hàng cần xem xét kỹ về sản phẩm, không lên mua các sản phẩm có đã để lâu, các mặt hàng được giảm giá một cách bất thường. Khi phát hiện có hành vi vi phạm cần thông báo ngay cho các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền được biết để ngăn chặn và xử lý kịp thời đối với các cá nhân, tổ chức vi phạm.

Thành Nam

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này