Quy định xây 3 tầng hầm nhà cao tầng: Giải pháp cho việc thiếu chỗ để xe

10:12 | 24/05/2016
Việc quy định trong thiết kế và xây dựng phải bố trí thêm tầng hầm để xe, tối thiểu đối với các khu chung cư ở Hà Nội  phải có 3 tầng hầm được cho là giải pháp hợp lý để hạn chế áp lực về chỗ để xe cho toàn Thành phố, thế nhưng lại nhận được sự “phản ứng” trái chiều của không ít chủ đầu tư - nhà kinh doanh bất động sản.
giai phap cho viec thieu cho de xe Quy định bán chỗ để xe trong chung cư: Nhiều vấn đề cần được giải quyết
giai phap cho viec thieu cho de xe Hà Nội: Phát hiện nhiều sai phạm trong việc sử dụng tầng hầm

Điều này cũng không có gì là khó hiểu, bởi đầu tư xây tầng hầm đồng nghĩa với việc đội chi phí của chủ đầu tư.

Hệ quả của khan hiếm chỗ để xe

Hiện nay, chỗ để xe ôtô đang là vấn đề nhức nhối của hàng trăm chung cư tại Hà Nội, nhất là khu vực nội thành. Vì thế, hình ảnh ôtô đậu tràn lan ở vỉa hè, thậm chí đỗ chiếm một phần lòng đường, vừa mất mỹ quan đô thị, vừa gây ách tắc giao thông không còn xa lạ gì với người dân Hà Nội.

giai phap cho viec thieu cho de xe
Tòa nhà D2 Giảng Võ mới xây dựng khang trang, nhưng  không ít người dân vẫn phải gửi xe trên vỉa hè, trông rất mất mỹ quan.

Đặc biệt, nơi nào xuất hiện trung tâm thương mại, siêu thị, dịch vụ,… lập tức xảy ra ùn tắc giao thông.  Ví như nhà D2 Giảng Võ cao 21 tầng nổi  với gần  trên 250 căn hộ, nhưng chỉ có 2 tầng hầm, tình trạng thiếu chỗ để xe vẫn xảy ra và vì thế, ngay dưới chân tòa nhà này (phần vỉa hè) đã trở thành điểm trông giữ xe trông rất nhếch nhác và mất mỹ quan đô thị. Khu Trung Hòa - Nhân Chính, Linh Đàm, Văn Quán,.. cũng xảy ra tình trạng tương tự. 

Thực tế vì khan hiếm chỗ để xe mà đã từng xảy ra trường hợp cư dân và chủ đầu tư phải kéo nhau ra tòa để tranh tụng, kiện cáo chuyện đỗ xe sao cho hợp lý; xảy ra  tình trạng tiêu cực, tăng giá vé trông giữ xe vô tội vạ của đơn vị quản lý hoặc chủ đầu tư.

Anh Quang - sinh sống tại khu đô thị mới Linh Đàm - bức xúc: “Tôi mới chuyển đến tòa chung cư, nhưng đã kín chỗ để xe. Tòa nhà với 21 tầng, 300 hộ dân, song chỉ có 1 tầng hầm, khu đỗ ôtô trên sảnh tòa nhà với giá 1,2 triệu đồng/tháng. Nhiều trường hợp dọn tới sau phải xếp hàng chờ đợi, hoặc tự tìm chỗ bên ngoài do diện tích hạn hẹp hoặc hết chỗ.

Còn bà Nguyễn Thu Nga -  thành viên Ban quản trị tòa nhà 34T, khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính - cho biết, hầu hết các tòa nhà ở trong khu vực này đều có tầng hầm, nhưng không đáp ứng được nhu cầu chỗ gửi ôtô cho người dân.

Do vậy, ai về đây sống trước được sắp xếp trước, nếu hết chỗ đều phải chờ lần lượt và được Ban quản trị vào sổ để khi có chỗ sẽ bố trí. Còn việc thu phí trông giữ xe đều được thực hiện đúng theo quy định; thu chi tài chính hằng năm đều được công khai minh bạch.

Giải “bài toán” cần linh hoạt

Trước thực trạng trên, mới đây, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã yêu cầu các sở liên quan khi phê duyệt cho chủ đầu tư xây dựng công trình, khu đô thị, trung tâm thương mại, phải bố trí thêm diện tích tầng hầm tối thiếu là 3 hầm.

Điều này có nghĩa, kể từ nay, các dự án xây dựng công trình, khu đô thị, trung tâm thương mại khi xây dựng nhà cao tầng trên địa bàn TP. Hà Nội, bắt buộc phải có tối thiểu là 3 tầng hầm với mục đích để tăng cường chỗ để xe cho người dân, và hạn chế áp lực về chỗ để xe cho toàn Thành phố.

Đây được xem là một quyết định đúng, giải quyết vấn đề bức xúc dân sinh đã tồn tại bấy lâu.  Thế nhưng, không ít chủ đầu tư BĐS lại thấy bị “làm khó”. Đơn giản, đối với dự án đang xin giấy phép sẽ bị ách, phải điều chỉnh thiết kế nếu chưa đáp ứng được yêu cầu này; hoặc là lo lắng giá căn hộ sẽ bị đẩy lên bởi chi phí đầu tư xây dựng tầng hầm;…

Thực ra, lo lắng của chủ đầu tư là có,  nhưng thực tế cho thấy, thời gian qua, tốc độ hóa đô thị  phát triển quá nhanh, các chủ đầu tư lại chỉ giải quyết vấn đề trước mắt là nhà ở mà không chú trọng đến vấn đề chỗ đỗ xe cho người dân, khiến họ phải tìm cách đỗ tràn lan ngoài đường, công viên, vỉa hè, gây mất an toàn giao thông.

Trao đổi với LĐTĐ, ông Nguyễn Ngọc Thành - Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam - thẳng thắng thừa nhận, quy định phải xây tối thiểu 3 tầng hầm đối với nhà cao tầng là một chủ trương đúng.

Theo ông Thành, tại các nước như Singapore, Malaysia, Thái Lan, thậm chí cả Trung Quốc, bao giờ  ở những cụm dân cư hay những khu đô thị, họ cũng bố trí bãi đỗ xe tĩnh để đảm bảo nhu cầu lưu thông đô thị.

Nhà cao tầng bất kể sử dụng vào mục đích gì như văn phòng, khách sạn hay chung cư…  họ buộc phải thiết kế xây dựng khu đỗ xe tĩnh không chỉ đảm bảo cho người dân ở tòa nhà mà còn gánh thêm trách nhiệm đối với nhu cầu của xã hội. Tuy nhiên, họ có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp với qui định cụ thể trong từng trường hợp cụ thể,  

Ông Thành cho rằng, quyết sách đúng, nhưng phải vận dụng linh hoạt, quy định phải cụ thể rõ ràng. Ví như  tòa nhà bao nhiêu tầng thì phải xây 3 tầng hầm, 4 tầng hầm hoặc thậm chí nhiều hơn. Hoặc là tòa nhà phải đảm bảo cho chỗ đỗ xe cho bao nhiêu phần trăm dân cư của tòa nhà.

“Với việc yêu cầu tòa nhà thêm chỗ để xe cho cả cư dân bên ngoài tòa nhà thì Thành phố cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, ví như cho phép mở rộng tầng hầm sang cả phần đất không phải của tòa nhà như Singapore đang làm, hoặc là một chính sách hỗ trợ nào đó.

Hiện nay nhà có 7 tầng trở lên đã được gọi là nhà cao tầng rồi. Chúng ta không thể bắt doanh nghiệp xây  khu nhà 7 tầng nổi mà có tới tận 3 tầng hầm. Trong trường hợp này, tôi nghĩ cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Thành phố thì mục đích cao cả của Hà Nội mới thực thi hiệu quả”- ông Thành nhấn mạnh.

Thương Huế

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này