Thị trường bán lẻ Việt Nam đang bị các tập đoàn nước ngoài thâu tóm:

Cánh cửa vẫn mở cho doanh nghiệp nội

10:47 | 20/05/2016
Doanh nghiệp Việt không chỉ đối diện với việc mất thị phần ngay trên thị trường nội địa mà còn có khả năng tiếp tục bị thâu tóm bởi các tập đoàn ngoại quốc. Đây chính là vấn đề được nhiều chuyên gia quan tâm tại diễn đàn với chủ đề “Thị trường bán lẻ Việt Nam: Cơ hội và Thách thức” do Viện Nghiên cứu Thương mại tổ chức. Tuy nhiên, dẫu thế nào thì thực tế dư địa thị trường vẫn còn quá lớn, đủ để doanh nghiệp nội có cơ hội phát triển.
tin nhap 20160520103933 Siêu thị Việt về tay đại gia Thái: Hàng Việt cần sớm chuyển mình
tin nhap 20160520103933 Mức thu lệ phí môn bài sẽ tăng 3 lần: Doanh nghiệp nói gì?

Lo ngại mất thị phần

Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia mới nổi có thị trường bán lẻ hấp dẫn của thế giới. Nguyên do theo các chuyên gia kinh tế chính là nhờ kinh tế tăng trưởng khá cao, nhiều chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt là người tiêu dùng thuộc hàng trẻ nhất châu Á và ngày càng mạnh tay chi tiêu. Nhận định là vậy, song thực tế đang diễn ra không phải thế.

Cụ thể, năm 2008, Việt Nam từng được A.T Kearney - một công ty tư vấn hàng đầu về bán lẻ đánh giá thị trường bán lẻ Việt Nam hấp dẫn nhất thế giới, trên cả Hồng Kông, Trung Quốc, Singapore hay Malaysia. Tuy nhiên, vào những năm sau đó, Việt Nam dần dần tụt hạng. Từ vị trí số 1 năm 2008, Việt Nam đã rớt xuống thứ 5 năm 2009, thứ 14 năm 2010, thứ 23 năm 2011 và thứ 28 năm 2014. Và đáng lo ngại, vị trí này đang có dấu hiệu đi xuống. Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải chia sẻ: “Khi hội nhập kinh tế và tham gia các hiệp định thương mại tự do, những mặt hàng Việt Nam đang có thế mạnh cũng chịu sức ép cạnh tranh. Các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực kinh doanh hàng hóa như bán lẻ, phân phối có nguy cơ mất thị phần, mất doanh số”.

tin nhap 20160520103933
Hệ thống Big C rơi vào tay người Thái là một áp lực lớn lên thị trường bán lẻ Việt Nam.    Ảnh minh họa.

Đưa ra số liệu dẫn chứng về doanh số thị trường bán lẻ, TS Lê Huy Khôi - Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công Thương) - cho biết: Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy doanh số bán lẻ của doanh nghiệp Nhà nước chỉ chiếm khoảng 10%, doanh nghiệp ngoài nhà nước chiếm 86%, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm khoảng 4%. Đáng lưu ý, tuy các điểm bán lẻ của doanh nghiệp FDI chỉ khoảng 90 điểm trong tổng số siêu thị cả nước, song doanh số bán ra tại một điểm gấp 3- 4 lần, thậm chí 7-8 lần so với một điểm của siêu thị nội do quy mô lớn. Con số trên cho thấy, doanh nghiệp Việt không chỉ đối diện với mất thị phần mà còn lo ngại khả năng bị thâu tóm.  Cũng theo TS Lê Huy Khôi, nguyên nhân của tình trạng suy giảm về cả lượng và chất là do yếu tố khách quan từ tình hình kinh tế thế giới, khó khăn của kinh tế trong nước với những vấn đề từ môi trường vĩ mô, hoạt động vi mô. Vấn đề tiết kiệm chi tiêu trong điều kiện khủng hoảng, khả năng chi trả thấp do suy giảm thu nhập đã kéo theo cầu tiêu dùng suy giảm.

Tiềm năng cho doanh nghiệp nội

Báo cáo của Nielsen – một công ty chuyên nghiên cứu về thị trường cho thấy tầng lớp trung lưu tại Việt Nam sẽ tăng gấp đôi trong năm 2020, từ 12 triệu người năm 2014 lên 33 triệu người năm 2020. Thói quen mua sắm gia đình sẽ thay đổi thuận lợi cho thị trường bán lẻ phát triển, nhu cầu mua sắm tăng cao, chi tiêu mạnh mẽ cho hoạt động du lịch nghỉ dưỡng, hàng mỹ phẩm, sự nhanh nhạy với các ứng dụng công nghệ trên điện thoại, tham gia mạng xã hội…Những thay đổi này trong thói quen tiêu dùng sẽ mở ra cơ hội mới đầy tiềm năng cho thị trường bán lẻ Việt Nam phát triển. Đặc biệt, đối với phân khúc bán lẻ hiện đại mới chỉ chiếm 25% trong tổng doanh số bán lẻ hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam.

Theo số liệu được cung cấp tại Hội thảo “Thị trường bán lẻ Việt Nam - cơ hội và thách thức” cho thấy, vẫn còn nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam mở rộng thị phần. Cụ thể, quy mô thị trường bán lẻ Việt Nam năm 2015 đạt 102 tỉ USD với tốc độ tăng trưởng đạt 7,3% trong giai đoạn 2010-2015. Trong khi đó, thị phần bán lẻ hiện đại ở Việt Nam chiếm khoảng 25% tổng mức bán lẻ, nhưng vẫn đạt mức tăng bình quân 12% trong giai đoạn 2010 - 2015. Theo quy hoạch, cả nước đến năm 2020 sẽ có khoảng 1.200 - 1.500 siêu thị, 180 trung tâm thương mại, 157 trung tâm mua sắm. Dự báo, giai đoạn 2016 - 2020, tốc độ tăng trưởng thương mại bán lẻ sẽ đạt 11,9% , quy mô thị trường khoảng 179 tỉ USD vào năm 2020, trong đó bán lẻ hiện đại sẽ chiếm trên 45%.

Từ con số này, TS Lê Huy Khôi, cho biết thêm: Theo tính toán cứ 1.000 dân cần 1- 3 cửa hàng tiện lợi, 10.000 dân cần một siêu thị cỡ trung, 100.000 dân cần một trung tâm thương mại và một đại siêu thị. Hiện, tỉ lệ bán lẻ hiện đại của Việt Nam mới chỉ chiếm 25% trong tổng doanh số bán lẻ hàng và dịch vụ. Cùng với nhiều lợi thế khác về nguồn hàng, sự am hiểu văn hóa tiêu dùng… doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam có nhiều cơ hội để phát triển.

Ông Khôi cũng khuyến nghị, Chính phủ cần xem xét có chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam như dành vị trí thuận lợi kèm chính sách giá thuê hợp lý, các loại thuế, vốn và lãi suất phù hợp, điều chỉnh cơ chế chính sách thông thoáng…

Tuệ Liên

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này